Hàm Thuận Bắc tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới giai đoạn 2011-2015

Thực hiện Nghị quyết 46 ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 27 ngày 20/9/2005 của Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình hành động số 06, ngày 22/2/2006 của Ban Thường vụ Huyện ủy về “công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”, qua 5 năm lãnh đạo tổ chức thực hiện.

Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể nhân dân ngày càng chuyển biến. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư ngày càng khang trang, hiện đại, kể cả các cơ sở khám chữa bệnh ở vùng cao, vùng khó khăn; đội ngũ y bác sỹ được tăng cường, nhất là về cơ sở; mạng lưới y tế ngày càng mở rộng đến các thôn, xóm dân cư. Chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được nâng lên, giảm tình trạng tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; các bệnh xã hội được khống chế; các chương trình y tế quốc gia thực hiện tốt hơn; khám chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, người nghèo, bà mẹ và trẻ em được tăng cường, góp phần tạo sự công bằng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Công tác khám, chữa bệnh y học dân tộc kết hợp y học hiện đại có tiến bộ; phong trào rèn luyện thân thể, nâng cao sức khỏe ngày càng thu hút đông đảo người dân tham gia; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ ngành y tế được quan tâm, đáp ứng yêu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên địa bàn huyện thời gian qua vẫn còn những khó khăn hạn chế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế tuy được đầu tư nhưng chưa thật sự đồng bộ, chưa bảo đảm yêu cầu. Công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý y dược tư nhân có lúc chưa chặt chẽ; ý thức tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe chưa trở thành thói quen thường xuyên trong nhân dân; công tác xã hội hóa trên lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ nhân dân chưa thực hiện rộng rãi, thu hút các nguồn lực đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe chưa nhiều. Thu một phần viện phí chưa đáp ứng chi cho nhu cầu phục vụ khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Ngân sách đầu tư cho sự nghiệp y tế còn thấp.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do một số cấp ủy, nhất là các xã, thị trấn chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân nên việc lãnh đạo, chỉ đạo chưa thường xuyên, thiếu toàn diện. Ngân sách nhà nước còn khó khăn nên việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, kể cả thực hiện chế độ cho đội ngũ cộng tác viên y tế còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ ngành y tế có trình độ cao, chuyên môn giỏi chưa nhiều; tỷ lệ bác sỹ/số dân thấp, không đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.

I- Mục tiêu chung từ ngay đến năm 2015:

Hoàn thiện và phát triển mạnh mẽ hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng từ huyện đến cơ sở. Bằng nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác y tế dự phòng, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đa dạng hóa các hình thức chăm sóc sức khỏe nhân dân tại cộng đồng, nhằm ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh phát sinh, tạo thói quen rèn luyện, giữ gìn nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ, thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khỏe, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.

II- Mục tiêu cụ thể đến năm 2015:

- Phấn đấu giảm từ 15-20% các bệnh truyền nhiễm và không để xảy ra tử vong.

- Trên 97% trẻ em dưới 1 tuổi tiêm chủng đủ 7 bệnh; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD giảm còn dưới 12%.

- Phấn đấu đạt trên 6 Bác sĩ/1 vạn dân; 15% đối tượng tham gia BHYT tự nguyện.

- 100% các trạm y tế có Bác sĩ; các khu dân cư có nhân viên y tế thôn bản và các điểm khám chữa bệnh bằng đông y.

- 95% hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

- 90% hộ gia đình sử dụng hố xí hợp vệ sinh.

III- Một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể:

1. Tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành y tế. Thường xuyên rà soát, kiểm tra các phòng khám, trạm y tế cơ sở để có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa, xây mới và bổ sung trang thiết bị y tế hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình Bệnh viện huyện để đưa vào sử dụng theo kế hoạch.

2. Không ngừng kiện toàn, xây dựng và phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe nhân dân từ huyện đến cơ sở. Tiếp tục củng cố và phát triển đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, đội ngũ cộng tác viên y tế, nhất là trên các lĩnh vực phòng chống suy dinh dưỡng, sốt xuất huyết, DS-KHHGĐ, cộng tác viên dinh dưỡng…Duy trì và tăng cường đội y tế lưu động tham gia khám chữa bệnh, thực hiện dịch vụ y tế đến vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn thông qua các đợt chiến dịch truyền thông dân số hàng năm.

- Khuyến khích phát triển các loại hình y dược tư nhân, các hoạt động y học dân tộc cổ truyền ở các thôn, xóm dân cư, để chữa trị các chứng bệnh thông thường, kịp thời sơ cứu ban đầu các loại bệnh nguy hiểm trước khi chuyển về tuyến trên.

3. Tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ứng dụng có hiệu quả trang thiết bị y học hiện đại trong công tác khám và điều trị bệnh cho nhân dân, gắn với nâng cao y đức cho đội ngũ cán bộ, y bác sỹ ngành y tế. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, tay nghề cho đội ngũ cán bộ y tế, nhất là y tế cơ sở, y dược học cổ truyền, thường xuyên tập huấn thực hành ứng dụng và khai thác tốt các trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.

- Quan tâm đến công tác đào tạo y, bác sỹ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các xã khó khăn, gắn với tập huấn nâng cao trình độ quản lý ngành của các Trưởng trạm y tế xã, thị trấn. Đẩy mạnh tin học hóa hệ thống quản lý và điều hành trong ngành y tế. Thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao y đức, chăm sóc bệnh nhân tận tình chu đáo, thực hiện đúng phương châm “Lương y như từ mẫu” do ngành y tế phát động.

4. Thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia, gắn đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Duy trì kết quả tiêm chủng mở rộng, phụ nữ trong độ tuổi, phụ nữ có thai và trẻ em đều được tiêm chủng đầy đủ các loại bệnh theo quy định; giám sát, quản lý và điều trị tốt các bệnh xã hội; thực hiện tốt chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản và dịch vụ KHHGĐ ở cơ sở, hạn chế thấp nhất tỷ lệ các bệnh phụ khoa ở phụ nữ, đồng thời nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe, kiến thức về dinh dưỡng cho phụ nữ.

- Đẩy mạnh công tác y tế dự phòng, hạn chế thấp nhất tình trạng dịch bệnh xảy ra, nhất là dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh mới như các loại cúm lây lan từ động vật, dịch bệnh tay-chân-miệng…; thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, gắn với tuyên truyền mạnh mẽ các kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, không để tình trạng ngộ độc thức ăn xảy ra do kém hiểu biết; đảm bảo vệ sinh môi trường tại nơi khám chữa bệnh, khu dân cư tạo môi trường sống trong lành.

- Phối hợp thực hiện tốt các chương trình y tế học đường, đảm bảo học sinh các cấp đều được kiểm tra sức khỏe trong mỗi năm học, nâng cao thể lực học sinh.

5. Tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực y tế. Đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra trên lĩnh vực y tế và các hoạt động hành nghề y dược tư nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Trong đó chú ý chấn chỉnh, duy trì có nề nếp việc niêm yết công khai giá thuốc theo quy định ở các cơ sở dược tư nhân; thường xuyên kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở chế biến thực phẩm ở các nhà trẻ, mẫu giáo, bếp ăn tập thể; kiểm tra vệ sinh nguồn nước ở các nhà máy, trạm cung cấp nước tập trung, thực hiện tốt quản lý việc thu chi viện phí, tránh xảy ra hiện tượng tiêu cực trong ngành y tế.

6. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Các ngành chức năng bằng nhiều hình thức phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng dân cư, nhà trường, giúp mọi người có trách nhiệm bảo vệ môi trường cộng đồng và trong từng gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học; nâng cao ý thức rèn luyện, bảo vệ sức khỏe bản thân, tham gia các hoạt động thể dục thể thao rèn luyện thể lực, chủ động phòng ngừa dịch bệnh.

- Tiếp tục vận động nhân dân tích cực tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, phối hợp Mặt trận, đoàn thể thường xuyên giáo dục giúp nhân dân hiểu sâu sắc BHYT mang lại lợi ích trước mắt và lâu dài cho bản thân, từ đó tự nguyện tham gia BHYT với tỷ lệ ngày càng cao.

- Khuyến khích và tạo điều kiện phát triển các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, các điểm khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền ở các khu dân cư; vận động các cá nhân, nhà tài trợ, các tổ chức xã hội từ thiện tham gia khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Tiếp tục duy trì và phát triển ngân hàng máu sống, vận động lực lượng thanh niên tự nguyện tham gia hiến máu nhân đạo.

IV- Tổ chức thực hiện:

1. Căn cứ Chương trình hành động này, các cấp ủy cơ sở tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 06, ngày 22/2/2006 của Ban Thường vụ Huyện ủy về “công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”, đồng thời xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện đến năm 2015.

2. UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hành động này từ nay đến năm 2015 và cụ thể hóa bằng kế hoạch hàng năm để triển khai thực hiện.

3. Trung tâm Y tế huyện trên cơ sở Chương trình hành động của Ban Thường vụ Huyện ủy, kế hoạch của UBND huyện, xây dựng kế hoạch cụ thể của ngành về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2011-2015 để triển khai thực hiện.

4. Các ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể, hội quần chúng huyện chủ động phối hợp với ngành Y tế xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phát động trong đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

5. Phòng văn hóa và thông tin, Đài truyền thanh huyện phối hợp với Trung tâm y tế, Phòng y tế, Bệnh viện huyện, Hội y học cổ truyền huyện và các cơ quan liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, làm cho nhân dân nhận thức đầy đủ về chủ trương và các kiến thức chăm sóc sức khỏe để tự giác thực hiện.

6. Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với ngành y tế huyện có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chương trình hành động này và thường xuyên báo cáo kết quả để Thường vụ Huyện ủy theo dõi chỉ đạo./.


Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO