Ghi nhận từ phong trào thi đua “Dân vận khéo” tại huyện Hàm Thuận Bắc

Công tác dân vận là công tác chiến lược, phải tiến hành thường xuyên trong mọi hoàn cảnh, trên mọi địa bàn, đối với mọi tầng lớp nhân dân các dân tộc. Bác Hồ nói “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Thấm nhuần lời dạy đó, Đảng bộ, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội huyện Hàm Thuận Bắc thường xuyên đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương.

Công tác Dân vận của LLVT huyện.

Trong 05 năm qua, triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn (2011-2015), đã góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X (2010-2015) đề ra. Cụ thể, huyện đã căn bản hoàn thành 09/10 chỉ tiêu chủ yếu và 04 chương trình trọng tâm đột phá được xác định. Huy động vốn xã hội cho đầu tư phát triển vượt kế hoạch và gấp 2,4 lần so nhiệm kỳ trước (8.555/5.000 tỷ đồng), cơ cấu nguồn vốn chuyển dịch theo hướng xã hội hoá, ngân sách nhà nước chỉ chiếm 16,3% (khoảng 1.300 tỷ đồng) còn lại là sự đóng góp của các thành phần kinh tế và đóng góp của nhân dân theo Quy chế dân chủ ở cơ sở. Kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực; đời sống nhân dân có bước cải thiện một bộ phận vươn lên khá; công tác xây dựng Đảng, chính quyền được chú trọng, công tác vận động quần chúng có chuyển biến tích cực; tình hình các mặt của huyện giữ ổn định, có mặt chuyển biến tích cực và phát triển. Nổi rõ trong phong trào là dân vận trên lĩnh vực đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện được đẩy mạnh, toàn huyện có 719 Mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó 100% mẹ còn sống được phụng dưỡng suốt đời; vận động các tổ chức, các tầng lớp nhân dân góp quỹ đền ơn đáp nghĩa được trên 4 tỷ đồng; trợ giúp 32 gia đình chính sách không có khả năng thoát nghèo; xây, sửa 605 căn nhà tình nghĩa, kinh phí 12,5 tỷ đồng và xây 885 căn nhà tình thương kinh phí 24,4 ỷ đồng; vận động góp trên 11 tỷ đồng, giúp đỡ cho 148.112 lượt người thuộc đối tượng xã hội. “Dân vận khéo” gắn với phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, Phong trào làm giao thông nông thôn, thuỷ lợi nhỏ và các phong trào khác ở cơ sở đạt nhiều kết quả. Chỉ tính trong 05 năm trở lại đây nhân dân đã đóng góp trên 14,6 tỷ đồng, làm mới 143km đường bê tông xi măng, cứng hoá 170 km đường thôn, xóm, nạo vét 110 km kênh thủy lợi nội đồng, góp hàng chục ngàn ngày công lao động và hiến 93.139m2 đất các loại để xây dựng các công trình giao thông nông thôn, thuỷ lợi, các công trình phúc lợi công cộng tại địa bàn dân cư; riêng tổ chức Đoàn thanh niên, 05 năm qua các cấp trong huyện đã đảm nhận hơn 1.675 công trình, phần việc, nạo vét và làm mới 48,5 km kênh mương nội đồng, dặm vá 29,7 km và phát dọn vệ sinh 46 km đường giao thông nông thôn, làm mới 13 sân bê tông, trồng 10.780 cây xanh, sửa chữa 12 cây cầu và làm 135 hố xí tự hoại cho nhân dân. Gần đây, Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được gắn kết chặt chẽ với phong trào thi đua theo Chỉ thị 34 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về lãnh đạo phong trào thi đua trên địa bàn thôn, khu phố, đạt nhiều kết quả. Qua hơn 2 năm triển khai, các thôn, khu phố đã hoàn thành 263/341 các công trình, phần việc đã đăng ký (các công trình, phần việc còn lại đang tiếp tục triển khai thực hiện trong năm 2015), với tổng trị giá 40,1 tỷ đồng (trong đó huy động Nhân dân đóng góp là 16,2 tỷ đồng). Hoàn thành 133 tuyến đường bê tông xi măng dài 41,6km; làm mới 10 tuyến đường giao thông nông thôn dài 8,7km; dặm vá, sửa chữa 50 tuyến đường giao thông nông thôn dài 55,3km; làm mới 10 tuyến kênh, mương nội đồng dài 12km; thực hiện kiên cố hóa 02 tuyến kênh, mương nội đồng dài 550m; nạo vét 21 tuyến kênh, mương nội đồng dài 37,2km; lắp đặt thống chiếu sáng trên 17 tuyến đường dài 10,5km; lắp đặt 3 tuyến nước máy dài 1.765m và các công trình, phần việc khác (chỉnh trang Nhà văn hóa, trồng cây xanh, vận động Nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường, làm trụ cờ làm, xây dựng hố xí hợp vệ sinh....). Qua 05 năm, Mặt trận, đoàn thể các cấp đã xây dựng được hơn 320 mô hình trên các lĩnh vực; các cơ quan ban, ngành và xã, thị trấn trong huyện xây dựng trên 99 mô hình, qua phong trào đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình được biểu dương, khen thưởng (năm 2013 biểu dương 9 thôn, khu phố và trong năm 2014 có 18 thôn, khu phố, năm 2015 có 02 tập thể và 02 cá nhân được đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen và 8 tập thể, 8 cá nhân được Chủ tịch UBND huyện tặng bằng khen).

Từ những kết quả nêu trên, rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Một là, phải làm tốt công tác giáo dục về quan điểm, tư tưởng của Bác Hồ về công tác dân vận và thường xuyên quán triệt, tuyên truyền chủ trương của Đảng, nhà nước về công tác dân vận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức để nâng nhận thức, trách nhiệm của họ đối với công tác dân vận. Hai là, cần có sự quan tâm đúng mức của cấp uỷ, chính quyền đối với công tác dân vận, thể hiện rõ nét là Thường trực cấp uỷ thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra đối với công tác dân vận, người đứng đầu các cấp chính quyền phải thật sự quan tâm đối công tác dân vận, các công tác dân vận phải được tham gia ngay từ đầu ở các khâu, các lĩnh vực liên quan đến đời sống nhân dân như chủ trương huy động sức dân, đền bù, giải toả, giải phóng mặt bằng, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tranh chấp, đơn yêu cầu, những vấn đề bức xúc trong nhân dân... Ba là, Mặt trận, các đoàn thể phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng sát địa bàn, gần dân hơn, được nhân dân tín nhiệm; thông qua đó mới thực hiện tốt phong trào “Dân vận khéo” và cũng từ đó, phong trào cách mạng của quần chúng mới được khơi dậy, nội lực nhân nhân được phát huy, góp phần thực hiện có kết quả các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương, cơ sở. Bốn là, các cấp, các ngành phải làm tốt việc giải quyết các yêu cầu, kiến nghị chính đáng hợp pháp của nhân dân; các vấn đề bức xúc trong nội bộ nhân dân phải được giải quyết kịp thời, đến nơi đến chốn, góp phần cũng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp. Năm là, vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những người trực tiếp làm công tác dân vận có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với quần chúng nhân dân. Bác Hồ dạy “Những người phụ trách công tác dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”./.


Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO