Hàm Thuận Bắc với công tác nắm bắt và xử lý thông tin dư luận xã hội

Huyện Hàm Thuận Bắc là huyện miền núi, dân số hơn 180 nghìn dân, Đảng bộ huyện gần 3 nghìn đảng viên, sinh hoạt ở 40 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc. 

Trong những năm qua, một trong những yếu tố tạo nên kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ là sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất, cả về nhận thức và hành động của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong huyện. Khâu đột phá thực hiện sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất được Ban Thường vụ Huyện ủy xác định bắt đầu từ công tác chính trị, tư tưởng, trong đó việc nắm bắt dư luận xã hội và xử lý thông tin dư luận xã hội, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Từ nhận thức trên, đồng thời với quá trình lãnh đạo, điều hành nhiệm vụ, Ban Thường vụ Huyện ủy quan tâm, chỉ đạo công tác mắm bắt dư luận xã hội, chú trọng những vấn đề xảy ra ở từng cơ sở, phân loại thông tin và giao trách nhiệm cho từng tổ chức giải quyết các thông tin mà dư luận quan tâm, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của tất cả các cấp, các ngành trong huyện.

Trên cơ sở Đề án“Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, nắm bắt và xử lý thông tin dư luận xã hội của ngành tuyên giáo tỉnh Bình Thuận”, ngày 25/02/2014, Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng Kế hoạch số 124-KH/HU tổ chức quán triệt triển khai thực hiện. Ban Thường vụ Huyện uỷ thành lập Tổ dư luận xã hội huyện gồm 20 đồng chí, do một đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện uỷ làm Tổ trưởng; cấp xã (17/17 xã, thị trấn) thành lập các Tổ dư luận xã hội cùng cấp với số lượng 205 thành viên, Tổ trưởng là đồng chí phó bí thư thường trực đảng uỷ hoặc đồng chí cán bộ tuyên giáo của đảng uỷ; 10 cơ quan (có số cán bộ, công chức, viên chức từ 10 người trở lên) thành lập tổ dư luận xã hội gồm 71 thành viên, tổ trưởng là đồng chí phó bí thư cấp uỷ cơ sở hoặc một đồng chí lãnh đạo cơ quan, đơn vị; 9 đơn vị (dưới 10 cán bộ, công chức, viên chức) phân công đồng chí lãnh đạo phụ trách công tác này.

Để những người làm công tác nắm bắt dư luận xã hội thực hiện tốt nhiệm vụ, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu và tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn phương thức hoạt động nắm bắt và phản ánh tình hình dư luận xã hội, bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực và hiệu quả, góp phần giúp các cấp uỷ nắm bắt xử lý kịp thời những vấn đề về dư luận xã hội quan tâm nổi lên ở địa phương, cơ sở.

Định kỳ hàng tháng, hoặc đột xuất, thành viên Tổ dư luận xã hội huyện và cấp ủy cơ sở có báo cáo bằng văn bản thông tin dư luận xã hội ở địa bàn phụ trách và tình hình của cơ sở cho Ban Tuyên giáo Huyện ủy; định kỳ hàng qúy, Thường trực Huyện ủy tổ chức giao ban công tác dư luận xã hội của huyện, hàng tháng các cấp ủy cơ sở, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức giao ban công tác dư luận xã hội của cấp mình để nghe phản ánh tình hình tư tưởng, tâm trạng, dư luận xã hội, kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề nổi lên.

Thông tin thời sự cho lực lượng làm công tác tư tưởng, tuyên truyền của huyện và cơ sở được quan tâm hơn, từ năm 2015, việc thông tin thời sự được tăng cường với tần suất mỗi tháng ở cấp xã tổ chức một lần, cấp huyện 2 tháng một lần. Hàng tháng, cung cấp đầy đủ thông tin, các loại tài liệu cho các cấp uỷ cơ sở, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và thành viên tổ dư luận xã hội để phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin thời sự, làm căn cứ định hướng dư luận xã hội. Đặc biệt là các Nghị quyết của Trung ương, tài liệu về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ. Ban Thường vụ Huyện ủy quy định các cấp uỷ phải cấp phát đến mỗi cán bộ, đảng viên để chủ động nghiên cứu, học tập.

Từ năm 2013 đến nay, định kỳ 6 tháng và hàng năm, Ban Tuyên giáo Huyện ủy tổ chức phát phiếu khảo sát, thăm dò ý kiến của các tầng lớp nhân dân trong huyện. Trên cơ sở đó, tổng hợp kết quả gửi đến các ngành huyện và cơ sở để nghiên cứu tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện nhiệm vụ và đã được các cấp, các ngành đánh giá cao về tính thiết thực, hiệu quả, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời có những biện pháp cụ thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Tuy nhiên, việc nắm bắt và giải quyết các vấn đề tư tưởng, tâm trạng trong Nhân dân có lúc, có nơi, có việc chưa kịp thời; chưa tập trung đúng mức vào việc nắm bắt tình hình, xử lý thông tin và ngăn chặn tin đồn thất thiệt lan truyền trong xã hội. Trong đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội một số ít chưa phát huy tốt vai trò hoạt động, nhất là ở cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn. Một số cấp uỷ xã, thị trấn và lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực hiện chế độ giao ban dư luận xã hội chưa đi vào nề nếp theo quy chế.

Hạn chế trên chủ yếu là do một số cấp ủy cơ sở và lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa chú ý phát huy đúng mức hoạt động công tác dư luận xã hội. Lực lượng làm công tác dư luận xã hội nhìn chung còn hạn chế về phương pháp hoạt động; nguồn kinh phí cho các hoạt động cần thiết của công tác dư luận xã hội chưa đảm bảo; chưa có chế độ, chính sách cho lực lượng trực tiếp làm công tác dư luận xã hội.

Trong thời gian đến, để công tác chính trị tư tưởng là nhân tố hàng đầu có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cần phải tập trung quan tâm hơn nữa việc nắm bắt và định hướng dư luận xã hội, đòi hỏi cấp ủy từ huyện đến cơ sở quan tâm hơn nữa đến công tác này. Trước hết phải tập trung thực hiện Đề án“Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, nắm bắt và xử lý thông tin dư luận xã hội của ngành tuyên giáo tỉnh Bình Thuận”. Đồng thời, có chế độ chính sách khuyến khích những người được phân công làm thành viên tổ dư luận xã hội, thường xuyên rà soát củng cố đội ngũ này. Duy trì chế độ phản ánh thông tin, chỉ đạo xử lý thông tin kịp thời. 


Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO