Những đổi thay ở xã vùng cao Đông Tiến, huyện Hàm Thuận Bắc

  • /
  • 3.4.2013 - 16:10

Đông Tiến là xã vùng cao thuần đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Hàm Thuận Bắc với 274 hộ. Trước đây Đông Tiến là xã khó khăn, sản xuất lạc hậu, trẻ em thất học, đồng bào sống du canh du cư, cái đói, cái nghèo liên tục đeo bám họ, hàng năm tỉnh huyện phải thường xuyên cứu đói. Tuy nhiên đó thuộc về quá khứ, Đông Tiến hôm nay đang thay da đổi thịt, nhà xây cửa kính mọc lên nhiều hơn, trường học khang trang, trẻ em được đến trường đầy đủ, nước sinh hoạt đến từng nhà, đời sống nhân dân no đủ.

Sự đổi thay ở xã vùng cao này bắt đầu từ năm 1997, khi Nhà nước đầu tư xây dựng đập Suối Tỵ lấy nước từ dòng sông Do. Có nước đồng bào chuyển từ sản xuất cây lúa rẫy sang trồng cây lúa nước trên diện tích hơn 41 ha. Không còn phải đi xa, vượt rừng leo núi để tìm những láng đất màu mỡ để trồng cây lúa mẹ nữa, tới vụ là đồng bào tập trung ra đồng làm đất gieo cây lúa nước, không khí rất rôm rã. Nhờ chủ động được nguồn nước, được cán bộ nông nghiệp huyện tập huấn kĩ thuật trồng lúa, chỉ vài ba vụ, đồng bào tiếp thu và chủ động sản xuất lúa nước đạt kết quả, năng suất tăng lên hàng năm, trung bình đạt 45 tạ/ha, vụ đông xuân 2012-2013 này đạt 50 tạ/ha. Không chỉ sản xuất được lúa nước, đồng bào còn thành thạo trong việc trồng bắp lai. Với diện tích trên 400 ha, năng suất trung bình đạt 70 tạ/ha, cây bắp lai giúp đồng bào cải thiện thu nhập. Nhờ phát triển cây lúa nước, từ chỗ thiếu đói, năm 1998 đồng bào đã tự chủ được nguồn lương thực tại chổ, kết hợp với sản xuất cây bắp lai, sản lượng lương thực hàng năm ổn định, có năm đạt gần 10 nghìn tấn, kể từ năm 2000 đến Đông Tiến không còn nhận trợ cấp của cấp trên.

Đặc biệt khi có Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về phát triển toàn diện dân sinh kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào được cấp đất sản xuất, vay vốn chăn nuôi bò, được trợ giá, trợ cước giống, vật tư phân thuốc nhờ đó mà hiệu quả sản xuất được nâng cao, đời sống đổi thay đáng kể. Hiện 100% hộ dân ở Đông Tiến đều có xe máy, tivi. Đàn bò, đàn dê phát triển trên 1000 con. Nhiều hộ dân ngoài thu nhập từ sản xuất, còn có thêm nguồn thu từ việc nhận khoán bảo vệ rừng.

Đông Tiến là vùng lõm, 4 bên đều là rừng núi, nhờ ý thức được giá trị của rừng, nhiều năm qua đồng bào ở đây đã không xâm hại đến rừng, rừng được bảo vệ tốt. Ngoài sản xuất phát triển, đời sống được nâng lên, đồng bào Đông Tiến hưởng ứng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đặc biệt đang triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhiều hộ phát triển chăn nuôi gắn với làm chuồng trại, không còn thả rong như trước. Xã có 180 hộ xây dựng được nhà tiêu, hố xí hợp vệ sinh, chiếm gần hơn 2/3 số hộ, 100% được sử dụng điện, nước sạch. Khi có bệnh đồng bào đến khám tại Trạm Y tế khám và điều trị,  không còn tệ cúng bái mê tín dị đoan. Xã Đông Tiến cũng đang huy động sức dân theo cơ chế nhà nước hỗ trợ 80%, nhân dân đóng góp 20%, tương đương số tiến 88 triệu đồng để bê tông xi măng 500 m đường giao thông đi Trũng Bí. Ông K’ Văn Gòn- Bí thư Đảng ủy xã Đông Tiến cho biết, hiện nay đồng bào đã chú ý nhiều đến việc sinh hoạt hàng ngày, có hộ đầu tư hơn chục triệu đồng để xây nhà vệ sinh, mua sắm đồ dùng đắt tiền. Trong thời gian đến Đảng ủy xã sẽ lãnh đạo sâu sát chương trình xây dựng nông thôn mới, như huy động sức dân bê tông đường giao thông nông thôn, phát triển chăn nuôi gắn với chuồng trại, xây dựng hố xí hợp vệ sinh; vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng đảm bảo phù hợp với đặc điểm của xã, trong đó chú trọng nâng cao năng suất cây lúa nước, bắp lai nhằm nâng cao đời sống, thu nhập của nhân dân.

Đông Tiến hôm nay đã thật sự khởi sắc, no đủ, quanh năm đều có màu xanh của lúa. Đồng bào chí thú làm ăn, không để đất trống, hoang hóa, không trông chờ ỷ lại nhà nước. Đồng bào K’ ho Đông Tiến đang tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới.

Thành Khoa

 


  • |
  • 1232
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO