Xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp

  • /
  • 3.6.2013 - 17:27

Hồng Sơn là xã thuần nông, có diện tích tự nhiên 7.918 ha, có 3363hộ/13.500 khẩu, chủ yếu sản xuất nông nghiệp; ngành nghề, thương mại- dịch vụ chậm phát triển. Do đó, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh các biện pháp thâm canh, tăng vụ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cây trồng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả cho người nông dân.

Qua thực tế sản xuất và điều kiện thổ nhưỡng của xã, Đảng bộ xác định cây chủ lực là lúa và thanh long; cây lợi thế là mãng cầu, dừa xiêm và một số rau màu ở vùng nước gió ven động cát. Đối với cây lúa, Đảng ủy chỉ đạo giữ ổn định 750 ha – 800 ha, tập trung mọi biện pháp để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Hầu hết nhân dân sử dụng “giống lúa xác nhận”, thực hiện biện pháp canh tác “3 giảm, 3 tăng”, gieo trồng đúng lịch thời vụ, nên tránh được sâu rầy; thực hiện các khâu làm đất, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý nên năng suất đạt khá, bình quân 55 tạ/ha, tăng 10 tạ so năm 2008. Xã phối hợp ngành chức năng thực 23 ha mô hình; trong đó 20 ha sản xuất giống lúa xác nhận, 1 ha lúa triển vọng (năng suất đạt 65- 67 tạ/ha) và 2 ha lúa VietGAP (năng suất đạt 58- 60 tạ/ha); đầu vụ hè thu năm 2013, xã thành lập Tổ hợp tác sản xuất giống lúa xác nhận tại thôn Suối Đá gồm 12 thành viên, với diện tích 6,2 ha để cung ứng trong nội bộ nhân dân. Ngoài cây lúa, nhân dân sản xuất luân canh, xen vụ một số loại rau màu như dưa leo, ớt, cà chua, rau cải và các loại đậu… nhất là dịp Tết Nguyên đán hàng năm, góp phần tăng thu nhập đáng kể.

Những năm qua, nhân dân trong xã đầu tư chuyển mạnh sang trồng cây thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao; đến nay, toàn xã có 775 ha cây thanh long, đã hình thành 22 nhóm và 1 trang trại sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 440ha/622hộ, chiếm 56,8% diện tích thanh long toàn xã; đến nay, có 19 nhóm/383 ha/517 hộ được cấp giấy chứng nhận. Riêng mô hình hợp tác sản xuất thanh long VietGAP, có 2 Tổ là Hồng Sơn 3 và Hồng Sơn 4, với diện tích 62,37ha/73 thành viên; hiệu quả trong liên minh với Công ty rau quả Bình Thuận (ACP) để thu mua sản phẩm của nông dân, đã mang lại lòng tin cho cả đôi bên nên những năm qua, Công ty ACP đã đầu tư trên 2,2 tỷ đồng xây dựng Văn phòng đại diện, nhà kho, mua sắm máy vi tính và hỗ trợ thành viên các tổ về vật tư nông nghiệp đã phát triển sản xuất. Hiện nay, tiếp tục đầu tư 2 tuyến bê tông xi măng dài 2,4 km vào vùng sản xuất thanh long của 2 tổ này, tạo điều kiện cho vùng sản xuất thanh long phát triển mạnh, góp phần nâng cao đời sống các thành viên trong tổ. Có thể khẳng định cây thanh long thực sự là cây làm giàu, giúp cho kinh tế nhiều hộ trồng thanh long ở xã Hồng Sơn phát triển khá nhanh.

Xã quan tâm đặc biệt đến công tác thủy lợi. Toàn xã có 4 công trình, gồm: hồ Suối Đá, bàu Trũng Găng, bàu Củ Gừng, đê Cà Giang và 84,4 km kênh mương (34,9km kênh chính, kênh cấp I và 49,5 km kênh mương nội đồng). Hàng năm, trước mỗi vụ sản xuất, UBND xã phối hợp Trạm thủy nông Suối Đá tu sửa, nạo vét kênh mương, gia cố các quai cản, nên đảm bảo việc chủ động tưới tiêu cho 770 ha ruộng 2 vụ lúa, thanh long và các loại rau màu. Từ năm 2008 đến nay, xã phối hợp các ngành chức năng tổ chức 156 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật như hội thảo, tập huấn cho trên 9.330 lượt nông dân, cung cấp kiến thức và chuyển giao ứng dụng về kỹ thuật chăm sóc cây lúa, cây thanh long, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nuôi gà, dông, cá nước ngọt, trồng nấm, vỗ béo bò, kỹ thuật kích thích cây mãn cầu ra hoa trái vụ… Ngoài ra, phối hợp tổ chức 13 lớp đào tạo nghề ngắn và dài hạn về kiến thức nông nghiệp cho 350 lao động nông thôn; trong số 7.996 lao động có việc làm thường xuyên, đã có 3.441 lao động có tay nghề, chiếm 43%.

Nhờ tập trung đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi, nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp nên đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong xã từng bước được cải thiện, bộ mặt nông thôn không ngừng khởi sắc. Toàn xã có 2.887 hộ sử dụng điện thoại cố định, đạt 85%; hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, sử dụng điện đạt trên 98%; 2.868 hộ có nhà ở kiên cố, đạt 85%, trong đó nhiều hộ có nhà cao tầng, rộng rãi khang trang. Số hộ khá, giàu tăng lên, hộ nghèo giảm còn 133 hộ, chiếm 3,95%. Đây là những điều kiện thuận lợi để Hồng Sơn thực hiện có kết quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới./.

NHẬT HIỀN


  • |
  • 1964
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO