Tính đến cuối tháng 6/2013, trên địa bàn huyện có 286 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 717 tỷ đồng; trong đó, có 92 doanh nghiệp tư nhân, 149 công ty trách nhiệm hữu hạn, 21 công ty cổ phần, 23 hợp tác xã gồm các loại hình dịch vụ nông nghiệp ,ngành nghề, sản xuất và tiêu thụ thanh long , quỹ tín dụng nhân dân và 1 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Công ty trách nhiệm hữu hạn MK Sugar). Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đã có sự phát triển cả về số lượng và quy mô hoạt động, phát huy khá tốt vai trò hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn phát triển và liên kết, hợp tác với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần khai thác tiềm năng đất đai, nộp ngân sáchnhà nước, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn,giải quyết việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp, doanh nhân còn khó khăn về vốn đầu tư, mặt bằng kinh doanh, công nghệ sản xuất, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm; hầu hết các loại hình doanh nghiệp tư nhân đều ở quy mô nhỏ và rất nhỏ, chất lượng sản phẩm, hiệu quả hoạt động chưa cao, sử dụng ít lao động. Các hợp tác xã hoạt động với quy mô nhỏ, phạm vi hẹp, hiệu quả chưa cao nên hỗ trợ nông dân còn hạn chế. Gần đây, do ảnh hưởng của tình hình suy giảm kinh tế nên nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động, số ít phải giải thể. Một bộ phận doanh nhân còn hạn chế về trình độ, năng lực điều hành doanh nghiệp; cá biệt có một số trường hợp chưa đề cao đúng mức đạo đức,văn hóa trong kinh doanh và trách nhiệm đối với xã hội.
Trong thời gian đến, các cấp, các ngành trong huyện tiếp tục quán triệt và triển khai, thực hiện tốt chủ trương của Trung ương, Tỉnh ủy và trực tiếp là kế hoạch 09 của Ban Thường vụ Huyện ủy về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tập trung vào các vấn đề mấu chốt là: Tạo môi trường lành mạnh để thu hút đầu tư, phát huy vai trò, năng lực của doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân. Tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin, thị trường, về đổi mới công nghệ, chính sách ưu đãi…; khuyến khích đội ngũ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức cho đội ngũ doanh nhân. Đề cao đạo đức, văn hóa trong kinh doanh, vai trò của doanh nhân đối với xã hội, xây dựng quan hệ lao động hài hòa. Phát huy vai trò của các tổ chức đại diện cộng đồng doanh nghiệp; chú trọng công tác vận động chính trị trong đội ngũ doanh nhân; tăng cường hợp tác, tham vấn, đối thoại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân nắm chắc chủ trương, định hướng phát triển kinh tế, xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, hoạt động có hiệu quả. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, đoàn thể đối với việc xây dựng và phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các đoàn thể trong doanh nghiệp; nâng cao vai trò, trách nhiệm các tổ chức trong việc chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Lê Thương