Lớp học nghề dệt thổ cẩm do Trung tâm HTCĐ xã La Dạ tổ chức.
Năm 2009, Trung tâm học tập cộng đồng các xã Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ được thành lập và được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho giảng dạy, bước đầu hoạt động có hiệu quả. Từ đó đến nay, các Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan ban ngành, đoàn thể, các trung tâm khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y huyện tổ chức 172 lớp cho 7.460 lượt cán bộ và người dân học tập với nhiều chuyên đề như nghe phổ biến các chế độ chính sách mới, các văn bản pháp luật về đất đai, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, hôn nhân gia đình, về xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới và các lớp học về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi như trồng lúa nước, cây bắp lai, trồng và khai thác mủ cao su, nuôi bò, nuôi gà sinh học, phòng chống dịch bệnh cây trồng, con nuôi, đào tạo nghề dệt thổ cẩm. Nhờ biết chọn, chuyển tải nội dung phù hợp với điều kiện, khả năng và nhu cầu sản xuất của đồng bảo nên qua các lớp học, đồng bào tiếp thu và ứng dụng kiến thức có hiệu quả vào sản xuất. Cùng với sự đầu tư của nhà nước về cơ sở hạ tầng, nhất là thủy lợi, giao thông, điện, nước sinh hoạt, đã làm cho tình hình sản xuất và đời sống đồng bào có sự phát triển rõ rệt. Năng suất, sản lượng cây lúa, cây bắp lai tăng khá, bảo đảm giải quyết được lương thực tại chỗ, không còn tình trạng thiếu đói như những năm trước đây; trồng mới và khai thác tốt mủ cao su, nhiều hộ có thu nhập khá cao. Riêng xã La Dạ, đào tạo được nghề dệt phổ cẩm cho đội ngũ lao động để chuẩn bị cho làng nghề dệt phổ cẩm của xã đi vào hoạt động. Rõ ràng, các Trung tâm học tập cộng đồng các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số hoạt động rất có hiệu quả. Không chỉ giúp cho đồng bào được học tập thường xuyên mà còn trang bị kiến thức về nhiều mặt; góp phần tăng năng suất lao động, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống và thu hẹp dần khoảng cách về trình độ dân trí và mức sống giữa đồng bảo dân tộc miền núi với đồng bằng .Điều này có thể khẳng định đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì Trung tâm học tập cộng đồng là mô hình học tập phù hợp, hiệu quả vì ở đó người dân có thể học ở mọi nơi, mọi lúc, cần gì học náy và học ngay tại địa phương mình.
Tuy vậy, các Trung tâm hoạt động thực chất và có hiệu quả chỉ khoảng 30-40%; trong khi nhu cầu của đồng bào rất lớn về sự hiểu biết chính sách pháp luật, kiến thức làm kinh tế, vốn sống và kỹ năng sống. Nội dung, phương thức và chất lượng hoạt động của các Trung tâm còn nhiều bất cập, nhất là quy định mối quan hệ phối hợp với các cơ quan chức năng chưa rõ; đội ngủ cán bộ quản lý do Ủy ban nhân dân xã cử cán bộ xã và hiệu trưởng Trường trung học cơ sở kiêm nhiệm; hoạt động chủ yếu phối hợp mở lớp và thỉnh giảng, chưa bố trí được giáo viên trong biên chế làm việc tại Trung tâm; chưa tự trang bị tài liệu, giáo trình hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ nên chưa thể thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm.
Trong thời gian đến, Đảng ủy và chính quyền các xã Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ cần tăng cường lãnh đạo và chỉ đạo hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng; quan tâm tháo gỡ những khó khăn,vướng mắc nhằm tiếp tục đưa các Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả, có chiều sâu, đáp ứng nhu cầu học tập của đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng công tác tuyên truyền vận động, làm cho đồng bào ý thức được việc cần phải học, hình thành một thói quen, một nếp văn hóa học tập và xem việc tham gia học tập thường xuyên ngay tại Trung tâm học tập cộng đồng là một trong những giải pháp nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo bền vững và đảm bảo an ninh chính trị của địa phương.
Lê Thương