Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số

  • /
  • 1.10.2013 - 9:19

Những năm qua bức tranh kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Hàm Thuận Bắc đã có nhiều khởi sắc. Đó là do nhiều chương trình, dự án đầu tư cho vùng này, đặc biệt qua thực hiện nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đã đem lại hiệu quả không nhỏ.

Điểm khởi sắc đầu tiên là đồng bào phấn khởi vì sản xuất phát triển và đời sống đỡ khó khăn hơn. Nhờ đầu tư  các công trình thủy lợi và khai hoang đồng ruộng, giúp cho đồng bào mở rộng diện tích lúa nước,đi đôi với phát triển cây bắp lai,đầu tư thâm canh, tăng vụ, tạo ra sản lượng lương thực không ngừng tăng hằng năm, bảo đảm tự túc và có sản phẩm hàng hóa; đồng bào tiếp tục trồng cây cao su theo chương trình cao su tiểu điền; nhiều hộ  khai thác mủ cao su có thu nhập cao. Đàn bò phát triển khá, hầu hết các hộ nuôi bò sinh sản đều trả xong nợ vay ngân hàng. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay 7,2 triệu đồng/năm, giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống còn 26,3% theo chuẩn mới; nhiều hộ vươn lên khá giàu.

Điểm khởi sắc thứ hai là bộ mặt nông thôn đã có sự đổi thay theo hướng khang trang, sạch đẹp hơn. Nhiều công trình thiết yếu phục vụ dân sinh- kinh tế được đầu tư, nhất là giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa; riêng xã Đông Giang được đầu tư nhựa hóa gần như toàn bộ đường nội xã và có sự phát triển khá về khu dân cư,về thương mại, dịch vụ, đang hình thành dần trung tâm cụm xã vùng cao.

Điểm khởi sắc thứ ba là đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện rõ rệt. Đến nay các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số (Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ) đã có trên 98% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia, trên 93% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và được phủ sóng truyền hinh, điện thoại di động; giữ vừng kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở; riêng Đông Tiến hoàn thành phổ cập mầm non 5 tuổi. Nhiều nét văn hóa và phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp được khơi dậy. Chất lượng phong trào “toàn dân xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”có nâng lên, trong 2 năm gần đây gắn với phong trào “chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới” đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trách nhiệm của mọi người dân trong xây dựng nông thôn mới; “tuần hội văn hóa các dân tộc” và “ngày hội đại đoàn kết toàn dân” được duy trì và phát triển, ngày càng trờ thành điểm hội tụ, đoàn kết các dân tộc trong huyện.

Tuy vậy tình hình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa thật vững chắc. Thực tế khoảng cách chênh lệch phát triển giữa vùng đồng bào dân tộc miền núi và đồng bằng khá lớn. Sản xuất nông nghiệp chưa có sự đầu tư nhiều về kỷ thuật nên năng suất,chất lượng nhiều loại cây trồng còn thấp; vẫn còn hàng trăm hộ thiếu đất sản xuất. Ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp chậm phát triển; làng nghề dệt thổ cẩm La Dạ đã xây dựng hoàn thành từ nhiều năm nay nhưng chưa đưa vào hoạt động do chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm. Kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu; phát huy hiệu quả các công trình đã đầu tư chưa tốt. Một số vấn đề xã hội chậm được giải quyết, nhất là vệ sinh môi trường nhiều nơi vẫn còn tình trạng nuôi gia súc thả rong; tỷ lệ sinh con thứ 3 và trẻ em suy dinh dưỡng còn khá cao. An ninh trật tự có mặt chuyển biến chưa căn bản, đáng lưu ý là tình trạng phá rừng,lấn chiếm đất lâm nghiệp còn diễn ra phức tạp. Hệ thống chính trị tuy được thường xuyên củng cố nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân của tình hình trên chủ yếu do các cấp, các ngành chưa tập chung chỉ đạo sâu sát, đồng bộ, kịp thời đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ý thức phấn đấu vươn lên trong một bộ phận đồng bào, kể cả cán bộ, đảng viên còn yếu kém ,chưa chắc phục triệt để tư tưởng ỷ lại ,trông chờ vào sự hổ trợ của Nhà nước.

Trong thời gian đến, ngoài sự đầu tư hỗ trợ của nhà nước, cần phát huy tốt nội lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là huy động sức dân để xây dựng nông thôn mới, tập trung đầu tư phát triển có chiều sâu và hiệu quả. Chú trọng các giải pháp kỷ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây trồng, còn nuôi; tiếp tục trồng cây cao su tiểu điền, nhận khoán bảo vệ rừng, phát triển dàn bò; xây dựng các công trình thiết yếu, nhất là thủy lợi, giao thông, trường học, các thiết chế văn hóa; đồng thời phát huy hiệu quả các công trình đầu tư từ các năm trước. Thực hiện tốt các chính sách hổ trợ sản suất, chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Vận động đồng bào thi đua lao động sản xuất, thực hành tiếp kiệm, giữ gìn vệ sinh môi trường, không sinh con thứ 3, giảm các thủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa mới và vươn lên thoát nghèo bền vững. Các cấp ủy,chính quyền vùng  đồng bào dân tộc thiểu số phải tự lực vươn lên, kiên quyết khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại cấp trên; sữa chửa cho được những khuyết điểm đã chỉ rõ qua kiểm điểm tự phê bình, phê bình theo tinh thần nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nhằm củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng với Nhà nước; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của nhân dân để tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Lê Thương


  • |
  • 838
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO