Xóa đói giảm nghèo: kết quả và thách thức

  • /
  • 27.11.2013 - 8:34

Qua 10 năm (2003-2013) thực hiện Nghị quyết 14 của Tỉnh ủy (khóa X) về xóa đói giảm nghèo, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xã nghèo và nhà ở cho người nghèo ở Hàm Thuận Bắc đạt nhiều kết quả quan trọng.

 

Kết quả đạt được

Cùng với sự quan tâm đầu tư của cấp trên, các nguồn lực xã hội được huy động nhiều hơn và đa dạng hơn theo chủ trương xã hội hóa xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là các đoàn thể đã có nhiều nổ lực trong phong trào góp vốn giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Trong 10 năm đã giải ngân tín dụng ưu đãi hơn 230 tỷ đồng cho 6276 hộ nghèo vay phát triển sản xuất; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gần 522 tỷ đồng, chủ yếu là các công trình giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, điện, nước sinh hoạt phục vụ dân sinh kinh tế và cải thiện bộ mặt các vùng nghèo. Đồng thời đẩy mạnh việc chuyển đổi trồng các loại cây lợi thế như thanh long, cao su và chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến, đã làm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả cây trồng, con nuôi, giúp cho hộ nghèo có thêm thu nhập và thoát nghèo. Các chính sách an sinh xã hội và các hoạt động từ thiện, nhân đạo được quan tâm thực hiện tốt hơn, đã hỗ trợ xây, sửa nhà ở cho 3920 hộ nghèo và hộ cận nghèo, trong đó có 1171 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đào tạo nghề 7.436 lượt người, giải quyết việc làm và thêm việc làm cho gần 4.000 lao động mỗi năm và trên 90% lao động có việc làm thường xuyên. Chất lượng giáo dục - đào tạo và khám chữa bệnh ở vùng nghèo được nâng lên. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội đạt 56,7%. Hội Đông y, Chữ thập đỏ huyện tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc, vận động cứu trợ hơn 300.000 trường hợp gặp khó khăn, hoạn nạn, thiên tai và trợ giúp thường xuyên 299 đối tượng nghèo, đặc biệt khó khăn. Bằng sự nổ lực đó, toàn huyện đã hoàn thành tốt chỉ tiêu về giảm nghèo trong từng giai đoạn đã đề ra; riêng trong 3 năm 2011-2013, giảm bình quân mỗi năm 1,8%(708 hộ). Mức sống của phần đông dân cư vùng nghèo,vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhìn chung ổn định và có cải thiện, thu nhập bình quân đầu người 7,2 triệu đồng/năm, tăng 2,64 triệu đồng so với năm 2003. Bộ mặt vùng nghèo ngày càng khởi sắc.

Còn đó những thách thức

Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, vẫn còn nguy cơ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới (bình quân 136 hộ/năm), tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số còn cao (26,63%/). Sản xuất ở nhiều nơi, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn bấp bênh, năng suất thấp; phát triển chăn nuôi khó khăn; quản lý và bảo vệ rừng nhận khoán chưa tốt; ngành nghề, thương mại, dịch vụ chậm phát triển. Cơ sở hạ tầng nhìn chung còn thiếu và chưa đồng bộ, phát huy hiệu quả chưa tốt. Nhiều vấn đề bức xúc chậm được giải quyết nhất là tình trạn thiếu đất sản xuất của hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số; vệ sinh môi trường nhiều nơi chưa tốt; tỷ lệ sinh con thứ 3 và trẻ em suy dinh dưỡng còn ở mức cao. Mức sống của dân cư ở vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, khoảng cách với các vùng khác còn lớn.

Để giải quyết những vấn đề trên, trong giai đoạn 2014 -2020, cần triển khai nhiều biện pháp quyết liệt hơn; trong đó giải pháp căn cơ là giúp hộ nghèo, vùng nghèo phát triển sản xuất có hiệu quả, có thêm việc làm, tăng thu nhập. Không chỉ huy động toàn bộ các nguồn lực xã hội mà còn đòi hỏi sự nổ lực phấn đấu vươn lên của người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nhằm đảm bảo sự thành công trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững.

Lê Thương


  • |
  • 950
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO