HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG NHÀ VĂN HÓA CƠ SỞ HUYỆN HÀM THUẬN BẮC

  • /
  • 18.5.2011 - 0:0

Còn nhớ những năm ở thập kỷ 90 trở về trước, khi chưa xây dựng nhà văn hóa thôn, khu phố thì mọi công việc như tổ chức họp dân, sinh hoạt các đoàn thể…đều gặp khó khăn về địa điểm. Nhưng từ khi nhà văn hóa thôn, khu phố (gọi tắt là nhà văn hóa cơ sở) được xây dựng thì tất cả các công việc được thuận lợi hơn nhiều…

 

Tính đến nay, 86 thôn, khu phố trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc đều có nhà văn hóa khang trang và đủ chỗ cho người dân trong thôn, khu phố đến dự họp. Đây là công trình của quy chế dân chủ cơ sở, được nhân dân đồng tình đóng góp xây dựng nên. Nhà văn hóa không những phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân mà còn tạo ra vẻ đẹp của thôn, khu phố văn hóa.

Trong thời gian qua, tất cả nhà văn hóa đều hoạt động có hiệu quả. Trước hết, Nhà văn hóa là nơi làm việc của Chi bộ và Ban điều hành thôn, khu phố. Là nơi tổ chức các cuộc họp dân để tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước và triển khai công việc của thôn, khu phố. Là nơi tổ chức giao lưu văn nghệ, tổ chức các lễ hội, nhất là ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt trong tháng 5 năm 2011 diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016, nhà văn hóa sẽ là nơi tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên, cũng là địa điểm thuận lợi cho tất cả cư tri đến để thực hiện quyền bầu cử  của mình. Điển hình là nhà văn hóa các thôn Phú Thái, Lâm Giang, xã Hàm Trí; Nhà văn hóa Khu phố Lâm Giáo, Lâm Hòa, Thị trấn Ma Lâm; Nhà văn hóa thôn 4, xã Hàm Đức; nhà văn hóa thôn Phú Lập, xã Hàm Phú…thường xuyên tổ chức các cuộc họp dân, các hoạt động biểu diễn văn nghệ, sinh hoạt truyền thống của các đoàn thể, đã góp phần tích cực phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân.

Ông Khê Thanh Mai Trưởng thôn Lâm Giang, xã Hàm Trí cho biết: “Những năm trước đây, khi chưa xây dựng nhà văn hóa thôn, mỗi khi tổ chức cuộc họp thôn, họp các đoàn thể… chúng tôi gặp khó khăn về địa điểm tổ chức. Cứ mỗi lần tổ chức họp dân trong thôn chúng tôi phải tìm nhà dân có diện tích rộng lại gần mặt đường mới tổ chức được. Từ khi, nhà văn hóa thôn được xây dựng khang, trang rộng rãi, đủ chỗ cho 250 người dự họp, lại xây dựng nơi trung tâm nên rất thuận lợi cho các buổi sinh hoạt thôn và họp các đoàn thể, vui chơi giao lưu văn nghệ trong các ngày lễ, tết…nhờ vậy đã làm cho nhân dân thêm phấn khởi trong sinh hoạt cũng như hăng hái lao động sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để nhanh chóng xóa nghèo. Từ khi có nhà văn hóa thôn, các tổ chức đoàn thể phụ nữ, thanh niên, nông dân sinh hoạt đều đặn. Đoàn viên, hội viên và nhân dân được tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật nên tệ nạn xã hội nhất là mê tín dị đoan, đánh bạc dưới nhiều hình thức giảm hẳn. Tình hình trật tự an ninh trong thôn được giữ vững...”

Nhà văn hóa cơ sở chính là công trình văn hóa của nhân dân, làm cho bộ mặt nông thôn thêm phần khởi sắc. Xuất phát từ nhu cầu thực tế của nhân dân, tin chắc rằng trong thời gian tới, Nhà văn hóa sẽ có nhiều hoạt động sôi nổi với nhiều hình thức phong phú hơn, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân sẽ không ngừng nâng lên./.

                                                                                                             Minh Thái


  • |
  • 748
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO