Ủy ban Kiểm tra

Một số vấn đề nổi lên qua thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng 6 tháng đầu năm 2021.

6 tháng đầu năm 2021, Ủy ban Kiểm tra các cấp trong huyện đã làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các quy định, quy chế, hướng dẫn của cấp trên về công tác kiểm tra, giám sát; tham mưu thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều 30 Điều lệ Đảng theo kế hoạch đề ra. Trong đó, riêng Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đã chủ động triển khai thực hiện toàn diện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát theo Điều 32, Điều lệ Đảng.

          Đáng chú ý đó là, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy triển khai quán triệt Hướng dẫn số 13-HD/UBKTTW, ngày 02/12/2020 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về giải quyết tố cáo, khiếu nại về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tập trung tham mưu giải quyết kịp thời đơn thư liên quan đến nhân sự ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.

Dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng do Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tổ chức

Theo đó, qua thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng 6 tháng đầu năm 2021, nổi lên là số lượng đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo khá nhiều; đặc biệt là đơn thư tố cáo liên quan đến ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp hoặc đơn thư liên quan đến nhân sự sau bầu cử Hội đồng Nhân dân. Trong đó, cá biệt có trường hợp một ứng cử viên có đến 15 đơn tố cáo cùng nội dung của 15 công dân. Đơn tố cáo giấu tên, mạo tên cũng xuất hiện khá phổ biến. Qua rà soát đơn, nhận thấy một số đơn có dấu hiệu từ trong nội bộ, đặc biệt có dấu hiệu lôi kéo, vận động viết đơn tố cáo.

          Tuy rằng những nội dung trong đơn phần lớn là tố cáo sai, tuy nhiên vẫn có nội dung tố cáo có phần đúng. Nội dung tố cáo chủ yếu liên quan đến công tác quản lý đất đai, tài chính...Mặc dù có những hạn chế, thiếu sót được nêu trong đơn tố cáo trước đây đã được các cơ quan chức năng làm rõ và xử lý hoặc qua giải quyết tố cáo những hạn chế, thiếu sót chưa đến mức phải xử lý kỷ luật. Nhưng những hạn chế, thiếu sót cho thấy, một số địa phương, người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực như tài chính, đất đai, khoáng sản...

          Qua giải quyết đơn nhận thấy còn một số địa phương xử lý một số vụ việc chưa chặt chẽ, thiếu sót ở một số khâu theo quy định. Việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên, nhất là các kết luận qua kiểm tra, giám sát, các văn bản chỉ đạo chưa nghiêm túc, còn chậm trễ, kéo dài. Công tác quản lý nhà nước về đất đai chưa được quan tâm đúng mức, còn để xảy ra việc lấn chiếm, sang nhượng đất trái phép đối với diện tích đất được cấp thẩm quyền giao quản lý. Có trường hợp chưa nghiên cứu sâu kỷ các quy định liên quan, từ đó dẫn đến việc xét duyệt, tham mưu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng đối tượng. Một số người đứng đầu còn tin tưởng vào cấp dưới, không theo dõi đôn đốc, không kiểm tra kỷ hồ sơ trước khi ký dẫn đến sai sót, chậm trễ. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, phản ánh, kiến nghị của công dân còn chậm, kéo dài làm cho người có đơn bức xúc, vận động nhiều người cùng ký vào đơn hoặc có đơn vượt cấp...

          Những hạn chế thiếu sót trên mặc dù chưa có cơ sở để khẳng định có tiêu cực, vụ lợi cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ, nhưng từ đó đã tạo dư luận không tốt trong nội bộ và nhân dân, có phần ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền địa phương và uy tín cá nhân của những người đứng đầu.

          Do đó, trong thời tới để hạn chế đơn thư, nhất là đơn tố cáo phát sinh trong các dịp Đại hội Đảng, bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp hoặc công tác nhân sự sau bầu cử, bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, cần làm tốt công tác tiếp công dân, tăng cường đối thoại; rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài để xem xét giải quyết kịp thời cho người dân, tránh đơn thư khiếu nại vượt cấp...     Bên cạnh đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải thường xuyên tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, nhất là tự kiểm tra nội bộ. Rà soát các vụ việc nổi cộm, bức xúc tại địa phương, nhất là các vụ việc liên quan đến các lĩnh vực nhạy cảm, tiêu cực dễ phát sinh đơn thư như đất đai, khoáng sản, tài chính, công tác cán bộ, kê khai tài sản, việc thực hiện quy chế dân chủ...để chỉ đạo giải quyết dứt điểm, không để dây dưa, kéo dài. Thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo, kết luận qua kiểm tra, giám sát của cấp trên. Qúa trình thực hiện các vụ việc liên quan đến các lĩnh vực nhạy cảm, nhất là trong công tác quản lý đất đai cần thận trọng, chặt chẽ. Mặt khác, phải gương mẫu, đi đầu trong mọi lĩnh vực, đặc biệt trong rèn luyện đạo đức, lối sống, trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Kịp thời phát hiện chấn chỉnh, uốn nắn, xử lý các vụ việc vi phạm một cách công minh, chính xác. Có như vậy, mới góp phần hạn chế tình trạng đơn thư, nhất là đơn tố cáo phát sinh./.


Các tin khác