Qua 03 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 02 của Ban Thường vụ Huyện ủy và mô hình “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện, với sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Ban Thường vụ Huyện ủy, các cấp, các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã có nhiều cố gắng tuyên truyền vận động triển khai thực hiện, qua đó đã xuất hiện những mô hình hay mang lại hiệu quả thiết thực ở địa bàn dân cư, nhiều mô hình đã đi vào cuộc sống của mỗi người dân trong cộng đồng. Trong đó, nổi bật có mô hình “Vận động Nhân dân xây dựng lò đốt rác tại hộ gia đình” của Đảng ủy xã Hàm Hiệp đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy công nhận là mô hình dân vận khéo các cấp 02 năm liền và đã được xem xét đề nghị Ban Dân vận Trung ương tuyên dương nhân dịp 30 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, giai đoạn 1994 – 2024.
Đây là loại lò đốt rác sinh hoạt mini phục vụ hộ gia đình và liên hộ gia đình trong cộng đồng dân cư với nhiều ưu điểm tiện lợi, đơn giản, dễ thực hiện, không tốn diện tích, xử lý tại chỗ rác thải sinh hoạt của gia đình, khu dân cư, chi phí đầu tư xây dựng phù hợp với kinh tế của từng hộ gia đình ở nông thôn, bước đầu giảm được tình trạng vứt rác bừa bãi ra môi trường, tạo ý thức, thói quen phân loại và xử lý rác sinh hoạt tại chỗ của người dân. Việc vứt rác bừa bãi tại các bãi đất trống, dọc các tuyến đường, cầu, cống, sông suối giảm đáng kể so với trước đây. Đặc biệt, lượng khí thải khi đốt không phát tán ra khu dân cư, góp phần tạo mỹ quan xanh, sạch, đẹp và bảo vệ môi trường nên nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận của đông đảo người dân trong và ngoài xã Hàm Hiệp.
Đến nay, toàn xã Hàm Hiệp đã vận động xây dựng, đưa vào sử dụng 171 lò đốt rác tại hộ gia đình và dự kiến mỗi năm tiếp theo xây dựng từ 80 lò đốt rác trở lên tại mỗi hộ gia đình trên địa bàn xã và đến cuối năm 2025 giảm lượng rác thải ra môi trường từ 60-70% so với hiện nay.
Hiệu quả mô hình trên đã kết hợp hài hòa được 3 lợi ích (tập thể, cộng đồng và cá nhân), đồng thời đã đóng góp tích cực đối với việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đặc biệt thể hiện trách nhiệm, kỹ năng trong việc lãnh đạo công tác dân vận, nhất là dân vận khéo của các cấp, các ngành và được nhiều đơn vị đến tham quan, học tập kinh nghiệm để nhân rộng mô hình như: Ban Dân vận Trung ương, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các xã còn lại trên địa bàn huyện. Qua học tập mô hình, đến nay toàn địa bàn huyện đã xây dựng 367 lò/482 hộ sử dụng, một số xã đã tiến hành vận động bước đầu có kết quả, nổi bật là xã Thuận Hòa có 104 lò/136 hộ sử dụng, Hồng Liêm có 21 lò/21 hộ sử dụng…
Việc triển khai thực hiện có hiệu quả mô trình trên đã thể hiện được vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và ý thức trách nhiệm của người dân trên địa bàn huyện trong việc bảo vệ môi trường gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần giữ chuẩn và nâng cao tiêu chí môi trường trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao.