Hàm Thuận Bắc những khởi sắc qua 37 năm xây dựng và phát triển

  • /
  • 20.4.2012 - 9:34

Sau ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng, tuy gặp muôn ngàn khó khăn nhưng được sự quan tâm, giúp đỡ, đầu tư của cấp trên, đặc biệt bằng nỗ lực của chính mình, với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều công trình thủy lợi, giao thông, điện, y tế, giáo dục, văn hóa… đã được xây dựng và tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực.

Là một huyện có nhiều lợi thế về nông nghiệp nên ngay sau khi tiếp quản, Đảng bộ huyện đã đề ra nhiều chủ trương để tập trung cải tạo và phát triển sản xuất, ổ định đời sống nhân dân. Nhiều phong trào nhằm phát huy sức mạnh của toàn dân như: phong trào khai hoang phục hóa, phong trào làm thủy được phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, phong trào định canh định cư đồng bào miền núi… được triển khai nhất là phong trào làm thủy lợi đã huy động hàng vạn lao động ngày đêm bám công trình đào kênh, đắp đập, nạo vét mở rộng diện tích ao hồ tăng sức chứa phục vụ sản xuất. Công trình hồ Suối Đá, sau đó là công trình thủy lợi Sông Quao phát huy tác dụng vào năm 1995 và nhiều công trình lớn nhỏ đã chủ động tưới trên 60% diện tích canh tác, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp huyện nhà.

Năm 2011 công trình tuyến kênh 812 - Sông Quao dẫn nước từ thủy điện Đại Ninh cơ bản hoàn thành đã tăng thêm năng lực tưới, giải quyết hầu hết số diện tích khô hạn hàng chục năm qua ở các xà Hồng Sơn, Hồng Liêm, Thuận Hòa. Sản xuất phát triển mạnh, cơ cấu cây trồng, con nuôi chuyển đổi tích cực nên thanh long diện tích trồng mới tăng nhanh đi đôi với tiếp tục đẩy mạnh chương trình thanh long Vietgap, ở vùng cao diện tích lúa nước tiếp tục được mở rộng. Phong trào làm giao thông nông thôn được nhân dân tham gia mạnh mẽ. Nhiều tuyến giao thông có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế như Quốc lộ 28, đường lộ 711, Hồng Lâm, An Lâm - Đông Giang… đường DT714, Kim Ngọc-Phú Hài được nâng cấp, nhựa hóa. Nhờ đó việc giao lưu thuận lợi và thông suốt ở nhiều vùng, địa bàn, kể cả các xã vùng cao. Năm 1991 lưới điện quốc gia được đầu tư xây dựng với 3 trạm biến thế, dung lượng 500KVA phục vụ nhu cầu thắp sáng cho nhân dân ở các xã trên tuyến quốc lộ 28 và quốc lộ 1A. Hiện nay lưới điện đã phủ hầu hết các địa bàn trong huyện, không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho trên 95% hộ dân mà điện đã trở thành nguồn năng lượng quan trọng phục vụ sản xuất, đặt biệt là chong đèn kích thích thanh long ra hoa trái vụ, phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu. Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa có nhiều tiến bộ. Số học sinh đến trường tăng bình quân hàng năm 10-12%.

Huyện được công nhận chuẩn quốc gia về XMC-PCGDTH vào năm 1998; đạt chuẩn quốc gia về PCGDTH-ĐĐT năm 2006, PCTHCS năm 2007. Mạng lưới y tế từ tuyến huyện đến cơ sở được đầu tư nâng cấp khang trang, chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn. Năm 2009 huyện công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng được chăm lo tốt hơn. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được thực hiện theo hướng nâng dần chất lượng. Đến năm 2011 toàn huyện có 85% số hộ đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", 32 thôn, khu phố văn hóa riêng Hàm Trí được công nhận xã văn hóa. Cơ sở hạ tầng xây dựng "nông thôn mới" đã, đang và sẽ được đầu tư ở 03 xã Hàm Trí, Hàm Phú, Hồng Sơn. Có 02 tuyến phố văn minh đang triển khai xây dựng trên địa bàn thị trấn Ma Lâm và Phú Long. Các xã, thị trấn đều có Trạm truyền thanh và các thôn, khu phố đều có nhà văn hóa. Hệ thống thông tin liên lạc phủ khắp các xã, thị trấn, kể cả các vùng cao. Kết quả đó góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội ngày càng phát triển. Tốc độ phát triển kinh tế không ngừng tăng nhanh. Phong trào thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được quan tâm nên diện tích,  năng xuất, sản lượng các loại cây trồng hàng năm đều tăng.

Sản lượng lương thực bình quân hàng năm tăng gấp 4 lần so với huyện Hàm Thuận những năm đầu giải phóng. Diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày phát triển với nhiều loại cây có giá trị kinh tế như thanh long, xoài, điều. Nhiều cây trồng mới có giá trị kinh tế cao như mía, cao su… được nhân dân đầu tư phát triển. Đàn gia súc gia cầm tăng bình quân hàng năm ừ 10- 15%. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2011 tăng trên 16%. Thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển, hệ thống chợ nông thôn được đầu tư mở rộng đến những thôn xóm vùng xa, hẻo lánh. Các dự án phát triển kinh tế tiếp tục được chú trọng phong trào xóa đói giảm nghèo được đẩy mạnh, an ninh xã hội được bảo đảm. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giải quyết chế độ chính sách cho các đối tượng chăm sóc người nghèo được quan tâm. Đặc biệt đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao đã được cải thiện đáng kể. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, mục tiêu 3 giảm ngày càng được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, chỉ tiêu giao quân hàng năm luôn đạt và vượt chỉ tiêu. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn, nâng dần hiệu quả hoạt động.

Công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí có nhiều chuyển hóa tích cực. Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được quan tâm đẩy mạnh và nâng dần chất lượng. Tỷ lệ phát triển Đảng hàng năm luôn đạt và vượt chỉ tiêu. Thông qua thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy trên thực tế. Nhìn lại 37 năm qua, diện mạo quê hương Hàm Thuận Bắc có bước đổi thay đáng kể. Đời sống vật chất và tinh thần của phần lớn nhân dân, kể cả đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện đáng kể. Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và công cuộc đổi mới của đất nước. Đó là thành quả của bao công sức, ý chí quyết tâm của toàn Đảng bộ và nhân dân trong huyện, được nhân lên bởi sức mạnh truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương Hàm Thuận anh hùng, đồng thời là những thuận lợi cơ bản, tạo đà để Hàm Thuận Bắc đi lên trong thời kỳ mới./.

 


  • |
  • 953
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO