Hàm Thuận Bắc: Không ngừng phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới

  • /
  • 9.9.2013 - 18:55

Qua 2 năm (2011-2013) triển khai thực hiện Chỉ thị 03 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020. Tình hình tổ chức và hoạt động các Hội nông dân ở huyện Hàm Thuận Bắc có nhiều chuyển biến tích cực.

Tổ chức Hội nông dân được củng cố, kiện toàn, Huyện hội hiện có 4 biên chế, trong đó trình độ Đại học có 3 đồng chí, Trung cấp 1 đồng chí. Đối với cấp cơ sở,đã bố trí đủ chức danh chủ tịch và phó chủ tich Hội nông dân ở 17/17 xã, thị trấn và có 86/86 chi hội thôn, khu phố, 615 tổ hội theo địa bàn tự quản; chất lượng hoạt động của tổ chức Hội cơ sở được nâng lên, số chi hội vững mạnh, khá tăng so với trước. Trong 2 năm qua đã phát triển hơn 2.000 hội viên mới, nâng lên 24.438 hội viên, chiếm 83,6% số hộ nông dân,trong đó hội viên cốt cán chiếm 22,8%. Hội Nông dân từng bước đổi mới nội dung, hình thức hoạt động hướng về cơ sở, đa dạng hóa hình thức tập hợp và phát động phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, gắn với chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng của hội viên và nông dân.

 

Phong trào thi đua “chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”gắn với phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” được nông dân hưởng ứng bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả. Nông dân đã đóng góp hơn 6,5 tỷ đồng và hơn 14 nghìn ngày công lao động để làm giao thông, kênh nương nội đồng; xây dựng phòng học, nhà văn hóa, nhà tình thương. Tích cực xây dựng gia đình văn hóa, thôn, khu phố văn hóa; thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội; phòng chống các tệ nạn xã hội; giữ gìn vệ sinh môi trường; tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng tiếp tục được phát triển sâu rộng, mạnh mẽ; thu hút hàng ngàn hộ nông nhân tham gia, trở thành động lực quan trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương và nội lực của từng gia đình. Bình quân hàng năm có trên 9.000 hộ đăng ký và hơn 3.000 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi các cấp; chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng lên. Nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Các cấp hội đã tổ chức tổng kết phong trào nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi lần thứ VII (2010 - 2011) biểu dương hàng nghìn nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện và cơ sở.

Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Đã mở trên 100 lớp đào tạo nghề cho hơn 3.000 hội viên nông dân. Thực hiện các dự án vốn vay tín chấp,vay ưu đãi trên 70 tỷ đồng cho hơn 7.000 lượt hộ nông dân nghèo vay đầu tư phát triển sản xuất. Tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, hội thảo, và trình diễn mô hình chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho gần 40 nghìn lượt hội viên, nông dân. Vận động Công ty Cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông cung ứng, trợ giá 100.000 bóng đèn Compact tiết kiệm điện cho nông dân chong đèn thanh long trái vụ. Vận động thành lập hơn 1.700 tổ hợp tác trên nhiều lĩnh vực như hợp tác sản xuất thanh long an toàn, dịch vụ thủy nông, sản xuất lúa giống, trồng rau sạch, khai thác đá chẻ, liên doanh vay vốn... đã có tác động hổ trợ kinh tế hộ phát triển.

Phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng – an ninh được duy trì và nâng dần chất lượng. Hội nông dân các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên về nhiệm vụ quốc phòng – an ninh trong tình hình mới, thực hiện luật nghĩa vụ quân sự, chính sách quân đội; giữ gìn trật tự an toàn giao thông; xây dựng và phát huy hiệu quả các mô hình “ Tổ nhân dân tự quản không có tội phạm, vi phạm”, “gia đình hội viên, nogn6 dân không vi phạm pháp luật”, “Tổ thanh long VietGAP tự quản, tự phòng”… Tham gia hòa giải các vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nông dân và giải quyết đơn thư của công dân, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn dân cư.

Về tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, các tổ chức Hội nông dân đã chủ động góp ý xây dựng các Nghị quyết của cấp ủy trên lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; tham gia góp ý về kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân các lãnh đạo theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “ Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; giới thiệu 62 cán bộ, hội viên ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, xem xét và kết nạp Đảng 34 hội viên, nâng tổng số hội viên là đảng viên hiện nay lên 354 đồng chí. Tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia góp ý Hiến pháp năm 1992, Luật đất đai sửa đổi; có chú ý giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật của các cơ quan Nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là các lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tuy nhiên, vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới có mặt hạn chế. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động chậm và lúng túng, vẫn còn biểu hiện “hành chính hóa”; nhiều tổ chức hội ở thôn, khu phố và tổ tự quản hoạt động còn rất khó khăn, có nơi còn hình thức. Một số phong trào thi đua được Hội phát động trong hội viên,nông dân nhưng chưa vào chiều sâu và rộng khắp, nhất là phong trào thi đua “chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, gắn với cuộc vận động “ toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” chuyển biến chưa đều, chưa mạnh. Một bộ nông dân chưa chủ động, tự giác thi đua phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại Nhà nước. Tổ chức hội các cấp chưa phát huy đúng mức vai trò phản biện xã hội và tham gia giám sát hoạt động của chính quyền.

Trong thời gian đến, các cấp ủy tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có kết quả Chỉ thị 03 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chỉ thị 08 Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 -2020. Chú trọng xây dựng tổ chức và định hướng hoạt động Hội Nông dân các cấp. Tập trung chỉ đạo củng cố, nâng chất lượng hoạt động của các chi, tổ hội thôn, khu phố và hướng các phong trào nông dân phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hội Nông dân phải tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, khắc phục biểu hiện “hành chính hóa”, hướng mạnh hoạt động về cơ sở; quan tâm giải quyết nhu cầu thiết thực về sản xuất và đời sống của hội viên, nông dân. Qua đó phát triển hội viên, xây dựng thực lực cốt cán chính trị. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy vai trò nồng cốt trong phong trào “chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” ở địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, các hoạt động hỗ trợ nông dân đầu tư sản xuất,giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Các cấp chính quyền quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất và kinh phí cho Hội Nông dân hoạt động./.

Lê Thương


  • |
  • 815
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO