Hàm Thuận Bắc: đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn

  • /
  • 28.11.2013 - 13:56

Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Hàm Thuận Bắc luôn quan tâm công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhất là từ khi triển khai Đề án đào tạo nghề theo quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ.

Qua gần 4 năm triển khai Đề án 1956, hoạt động dạy nghề ở huyện đã có những chuyển biến tích cực. Trung tâm dạy nghề huyện và các cơ sở dạy nghề ngoài huyện đã tổ chức dạy nghề cho gần 6000 lao động trên nhiều lĩnh vực ngành nghề như tin học văn phòng, chăn nuôi, thú y, dệt thổ cẩm, mộc dân dụng, may gia đình, may dân dụng, sửa chữa máy nông nghiệp, cắt gọt kim loại.. từng bước đáp ứng được nhu cầu sản xuất,kinh doanh. Kết quả đó đã nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 11,22% lên 26,5%, riêng đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo nghề chiếm 12,28%; mỗi năm giải quyết việc làm và thêm việc làm mới gần 4000 lao động và trên 90% lao động nông thôn có việc làm thường xuyên.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn, ảnh hưởng đến các mục tiêu đề ra theo Đề án. Đáng chú ý là toàn huyện chỉ có 1 cơ sở đào tạo nghề, đó là Trung tâm dạy nghề huyện,còn các Trung tâm học tập cộng đồng xã, thị trấn chủ yếu thực hiện chức năng phối hợp mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn về kỷ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Nhu cầu đào tạo nghề trong huyện rất lớn, song việc điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn không chắc, không sát với thực tế ở từng địa phương và không đáp ứng được nhu cầu của cơ sở sản xuất kinh doanh nên việc lập và triển khai kế hoạch đào tạo nghề hàng năm chưa đạt yêu cầu và cơ hội tìm kiếm việc làm sau đào tạo nghề cũng bấp bênh. Trung tâm đào tạo nghề huyện còn thiếu giáo viên có nghiệp vụ chuyên môn tốt và thiếu các thiết bị chuyên dụng phục vụ cho hoạt động thực hành của học viên nên chất lượng đào tạo nghề còn thấp.

Từ thực trạng trên, Huyện cần phát huy đúng mức năng lực sẵn có của Trung tâm dạy nghề huyện, các Trung tâm học tập cộng đồng xã, thị trấn, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong việc khảo sát, lập kế hoạch đào tạo nghề bảo đảm sát với nhu cầu học nghề của lao động nông thôn. Đồng thời thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ học nghề,sau học nghề và vay vốn phát triển sản xuất; gắn đào tạo nghề với tư vấn nghề, giải quyết việc làm nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho người lao động,góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Lê Thương


  • |
  • 958
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO