Tin tức

Hàm Thuận Bắc: Nhân kỷ niệm Ngày toàn quốc kháng chiến nhớ về Ông già Đống Rơm

  • V&Q.
  • /
  • 27.12.2021 - 16:50

Ông già Đống Rơm, tên đầy đủ là Nguyễn Hinh, ở Hàm Liêm, Hàm Thuận Bắc. Là một người nông dân (trung nông) nhân hậu, chất phát, khẳng khái. Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc Pháp và giặc Mĩ xâm lược, cụ và gia đình có nhiều đóng góp cho sự Cách mạng của huyện Hàm Thuận, Tỉnh Bình Thuận và Trung Đoàn 812.

Cách đây 76 năm, đầu năm 1946, giặc Pháp đánh chiếm Hàm Thuận. Tỉnh, Huyện tổ chức, lãnh đạo Quân - Dân tích cực kháng chiến. Nhưng vì lực lượng vũ trang ta thiếu kinh nghiệm và trang bị chiến đấu thua xa giặc nên chịu nhiều tổn thất. Địch tăng cường chiếm đóng, lập đồn bót, phục hồi ngụy quyền tay sai; càn quét, khủng bố dã man người dân, nhất là những người, hộ gia đình ủng hộ Cách mạng. Nhiều tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, đơn vị vũ trang bị tổn thất và chia cắt với dân; người dân không thể, hoặc ngại tiếp tế cho Cách mạng vì sợ bị địch trả thù nên lực lượng chính trị, quân sự ở Tỉnh, huyện ta gặp khó khăn chồng chất sau bao tổn thất.

Thiếu vũ khí hiện đại để chiến đấu là khó khăn lớn, nhưng thiếu lương thực nuôi quân, nuôi cán bộ, chiến sĩ là nguy cơ có thể dẫn đến nhiều đơn vị vũ trang trong Tỉnh và Khu V không thể trụ lại đánh địch. Trước tình thế này, cấp ủy, chính quyền các cấp, các đơn vị vũ trang vận động người dân vượt qua sự khủng bố của địch để ủng hộ Cách mạng. Đồng chí Nguyễn Minh Châu (tên gọi khác là ông Năm Ngà), Chỉ huy Trung đoàn 812 đã gặp và vận động, tâm tình với nhiều người dân về khó khăn thiếu thốn lương thực của các đơn vị vũ trang, trong đó, đồng chí có gặp cụ Nguyễn Hinh. Sau khi nghe đồng chí Châu trình bày, thấy lực lượng vũ trang khó khăn, thiếu lương thực nghiêm trọng, cụ Nguyễn Hinh khẳng khái nói "Đánh giặc là nhiệm vụ của tụi bây, nuôi quân đánh giặc có dân lo, tao lo". Nghe câu nói này, đồng chí Châu cảm động, thấy được tấm lòng yêu nước của người dân Hàm Thuận, luôn hướng về Cách mạng về sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Thực hiện lời nói, cụ Nguyễn Hinh tặng bộ đội Trung đoàn 812: 17 xe lúa, 2 xe nếp để ăn tạm; cho mượn 5 mẫu ruộng (2 vụ tốt nhất của gia đình) và 5 đôi trâu, bò khỏe mạnh để có sức kéo canh tác. Cụ như người cha, vợ cụ như người mẹ của các cán bộ, chiến sĩ, vừa giúp nấu ăn, chăm sóc cán bộ, chiến sĩ bệnh, thương tật; nhà cụ trở thành nơi nuôi quân và trạm dừng chân nghỉ dưỡng sức của các cán bộ, các đoàn đi công tác. Rơm, rạ sau thu hoạch sau mùa vụ được tạo thành đống to trước nhà, vừa làm thức ăn cho trâu, bò... cụ nảy ra sáng kiến làm nơi đào hầm bí mật giấu quân, đây cũng là nơi ngủ ấm áp của nhiều chiến sĩ vào mùa lạnh. Từ đây mọi người gọi thân thương Cụ Nguyễn Hinh là ông Già Đống Rơm.

Từ tình cảm, lời nói, hành động của ông Già Đống Rơm và gia đình đã lan tỏa tinh thần yêu nước, vượt khó khăn, hy sinh đến nhiều người dân Hàm Liêm nói riêng và Hàm Thuận nói chung để người dân tiếp tục đóng góp, ủng hộ Cách mạng, dám đối đầu với sự khủng bố của giặc và tay sai.

Ngoài cho mượn ruộng, trâu bò tốt... thấy cán bộ, chiến sĩ thiếu thốn thuốc men, tiền bạc... ông Già Đống Rơm mưu trí, đích thân đánh xe trâu (bò) lên rừng chặt may, tre... đem về bán cho bà con ở Phan Thiết. Lấy tiền bán mây tre mua thuốc tây, dụng cụ khác... để giúp cho cán bộ, chiến sĩ.

Trong kháng chiến chống giặc Mĩ và tay sai (thời gian 1954-1975), ông Già Đống Rơm dù tuổi khá cao nhưng vẫn can đảm, mưu trí nhiều lần cỡi trâu lấy cớ đi chăn trâu từ Hàm Liêm lên gần trung tâm Quận lỵ Thiện Giáo (Ma Lâm) để dò, nắm bắt tin tức của địch báo cho Cách mạng.

Với những đóng góp cho cách mạng, cụ và gia đình bị giặc và tay sai xem là kẻ thù. Khoản năm 1957, một toán địch do ông Võ Xuân Viên - một cựu cán bộ của ta đầu hàng địch, đưa quân vào xóm, vào nhà cụ để thực hiện "Tố cộng - Diệt Cộng". Tại đây, ông Già Đống Rơm bình tĩnh, dõng dạc trả lời đanh thép những lời lẽ nhầm kết tội, khủng bố của địch với cụ và bà con.

Trong khoản thời gian Chiến tranh Cục bộ, vào đêm khuya, địch cho trực thăng đổ quân nhằm thủ tiêu cụ cùng gia đình, nhưng vì trời tối, địch đổ quân vào nhầm và đã thảm sát nhà hàng xóm của cụ, sau đó cụ tiếp tục bị địch tra tấn hành hạ khủng bố.

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Ông Già Đống Rơm và gia đình, sau khi tỉnh Bình Thuận làm các thủ tục hồ sơ đề nghị Trung ương xem xét công lao. Ngày 26/4/2018, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Già Đống Rơm.

Tinh thần yêu nước, góp sức cho sự nghiệp chung ấy tiếp tục lan tỏa đến hôm nay. Thể hiện qua việc các cơ quan, đơn vị trong Tỉnh cùng các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở tu hành... chung tay đóng góp, ủng hộ các quỹ, công trình phần việc, góp tiền của, lương thực, thực phẩm... hỗ trợ những nơi bị cách ly, phong tỏa, các khu cách ly, điều trị tập trung ước tính hàng chục tỷ đồng để chung tay vượt qua đại dịch Covid-19.


Các tin khác