Hàm Thuận Bắc: Nhìn lại 10 năm thực hiện Quyết định số 185-QĐ/TW

Tiếp thu tinh thần Quyết định số 185-QĐ/TW, ngày 03/9/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, khóa X, Thường vụ Tỉnh ủy về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh”, Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Hàm Thuận Bắc đã triển khai thực hiện đạt được một số kết quả nổi bật:

Một là, về tổ chức bộ máy và đội ngũ giảng viên kiêm chức: Năm 2008 số biên chế Trung tâm là 05; năm 2010 là 04; thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” được thông qua tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XII vừa qua, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Thông báo số 167-TB/HU ngày 24/01/2018 về việc giao biên chế hàng năm cho các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, Đoàn thể (giai đoạn 2018 – 2021), Trung tâm là 03 (nữ), trong đó: 01 Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc, 01 Phó giám đốc (giảng viên chuyên trách), 01 giáo vụ kiêm kế toán, 01 văn thư kiêm thủ quỹ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức thường xuyên được quan tâm, Trung tâm luôn tạo điều kiện để cán bộ, công chức được tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. So với trước khi có Quyết định 185 chất lượng các mặt của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đến nay, về trình độ chuyên môn đại học 03; trình độ lý luận chính trị cao cấp 01 và trung cấp 02.

Ngoài ra, Trung tâm còn tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy bổ sung, kiện toàn đội ngũ giảng viên kiêm chức đảm bảo đủ số lượng, nâng dần chất lượng. Hiện nay, đội ngũ giảng viên kiêm chức là 14 đồng chí (01 nữ) đang đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan Đảng, Nhà nước; am hiểu sâu về chuyên môn, nghiệp vụ và có kinh nghiệm thực tiễn ở những lĩnh vực đang công tác, có đủ khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên và trình độ lý luận chính trị cử nhân, cao cấp. Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ giảng dạy, Trung tâm tham mưu Thường trực Huyện ủy cử 04 đồng chí giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm chức tham dự các Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi và 30 đồng chí tham dự khóa bồi dưỡng phương pháp giảng dạy.

Hai là, về hoạt động chuyên môn: Trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch mở lớp trình Thường trực Huyện uỷ phê duyệt; trên cơ sở đó, phối hợp với các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể liên quan triển khai thực hiện. Qua 10 năm (từ năm 2008 đến tháng 9/2018), Trung tâm đã mở được 408 lớp các loại với 33.813 lượt học viên dự  học các lớp như: sơ cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới, bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng, bồi dưỡng công tác Đảng cho Bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ mặt trận, đoàn thể, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh, phương pháp quán triệt Nghị quyết... góp phần nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị; đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi của công tác lãnh đạo, quản lý và nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ sở. Học viên qua đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đã trưởng thành và có nhiều đồng chí được đề bạt, bổ nhiệm ở vị trí cao hơn.

Ngoài ra, theo chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, Trung tâm phối hợp với Trường Đại học Luật Đà Lạt mở 01 lớp Trung cấp pháp lý với 96 học viên và phục vụ Trường Chính trị tỉnh tổ chức 12 lớp các loại với 1.049 lượt học viên dự học gồm các lớp: quản lý nhà nước chính quyền cơ sở, bồi dưỡng Đại biểu Hội đồng nhân dân xã, thị trấn và Trung cấp chính trị - Hành chính.

Nội dung chương trình giảng dạy theo đúng Hướng dẫn của cấp trên, tổ chức các lớp học phù hợp với từng thời điểm và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương. Ngoài ra, Trung tâm còn lồng ghép giảng dạy các nội dung như lịch sử địa phương, thông tin về tình hình thế giới, trong nước và địa phương, các chuyên đề về giáo dục đạo đức lối sống, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, .... vào các lớp đào tạo, bồi dưỡng.

Việc đổi mới phương pháp giảng dạy được quan tâm thực hiện, nhiều giảng viên, giảng viên kiêm chức sử dụng giáo án điện tử để giảng dạy, phương pháp đối thoại, phân tích, khai thác và mở rộng kiến thức ở từng chuyên đề gắn với thường xuyên bổ sung, cập nhật kiến thức mới, liên hệ thực tiễn, nâng cao tính chủ động trong học tập của học viên,…, giúp người học nâng cao kiến thức để vận dụng có hiệu quả vào công việc chuyên môn.

Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai thực hiện Quyết định vẫn còn một số hạn chế, đó là: Trung tâm chưa tích cực, chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền để có giải pháp tích cực tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện công tác giáo dục lý luận chính trị. Chất lượng đội ngũ công chức, viên chức Trung tâm còn nhiều mặt hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhất là năng lực tham mưu, đề xuất các giải pháp thực hiện nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị; phương pháp giảng dạy còn chậm cải tiến, đổi mới, chưa gắn kết vận dụng giữa lý luận và thực tiễn, học đi đôi với hành chưa được chú ý.

Nguyên nhân của những hạn chế trên: vai trò tham mưu và đề xuất với cấp ủy, chính quyền các giải pháp đổi mới nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp giảng dạy các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cơ sở của Trung tâm còn hạn chế; hầu hết các giảng viên kiêm chức chưa qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và một số giảng viên ít đầu tư thời gian nghiên cứu tài liệu, cập nhất, bổ sung kiến thức mới, tình hình thực tế.

Để khắc phục những hạn chế trên, Trung tâm cần tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ hoạt động trọng tâm từ nay đến năm 2020, nhất là trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đó là: Một là, rà soát, sắp xếp, phân công nhiệm vụ cho công chức, viên chức phù hợp với chức năng, yêu cầu nhiệm vụ và năng lực để phát huy. Hai là, Giảng viên chuyên trách và CBCC phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, thường xuyên học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn và kỹ năng sư phạm, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. Ba là, tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng tăng tính thực tiễn, phát huy tính tích cực chủ động của người học; nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, đảng viên cơ sở đáp ứng yêu cầu. Bốn là, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo đúng chức năng, nhiệm vụ quy định.

Tin tưởng rằng với kết quả đạt được, tập thể CBCC và đội ngũ giảng viên kiêm chức Trung tâm sẽ tiếp tục cố gắng nỗ lực vượt qua khó khăn, làm tốt công tác tham mưu, nghiên cứu, giảng dạy,... nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị, bồi dưỡng, đào tạo cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở./.


Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO