Hướng tới Đại hội Đảng bộ huyện Hàm Thuận Bắc lần thứ X, nhiệm kỳ 2010-2015: ĐỘT PHÁ CHO SỰ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HUYỆN HÀM THUẬN BẮC

  • /
  • 29.6.2010 - 0:0

Trong 5 năm qua (2006-2010), nhờ phát huy tốt các công trình thuỷ lợi, gần đây có nguồn nước bổ sung sau thuỷ điện Đại Ninh, cùng với thực hiện chủ trương khuyến khích phát triển cây trồng con nuôi chủ lực, lợi thế và thu hút dự án đầu tư nông, lâm nghiệp…đã thúc đẩy nông nghiệp phát triển mạnh, đúng hướng và nâng dần hiệu quả.

         Diện tích canh tác tăng 2,2% (912ha); hệ số sử dụng đất cây hàng năm đạt 1,25 lần, tăng 0,3 lần. Diện tích tưới chủ động 73,6% tăng 3,2%. Các loại cây trồng chuyển đổi đa dạng. Diện tích canh tác lúa giảm 2.500ha và giữ ở mức ổn định 10.500ha. Sản lượng lương thực bình quân hàng năm 135.000tấn, vượt chỉ tiêu 4%. Cây trồng lợi thế tiếp tục phát triển, hình thành những vùng sản xuất hàng hoá tập trung ngày càng lớn. Nổi bật là cây thanh long tăng nhanh, hiện có 4.500ha, gấp 3 lần so với năm 2005. Cây cao su 1.060ha, trong đó trồng mới 816ha, chủ yếu ở vùng cao. Vùng mía nguyên liệu được khôi phục và mở rộng 1.100ha. Vùng cây cà phê 1.113ha, sầu riêng 370ha ở Đa Mi. Cây rau, màu các loại, dưa hấu ăn trái tiếp tục phát triển trên chân ruộng lúa nước ở các xã Hồng Sơn, Hàm Đức, Phú Long, Hàm Phú, Hàm Trí…Cây ca cao được trồng thử nghiệm 43ha ở xã Đa Mi, La Dạ, Thuận Hoà. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất được đẩy mạnh, nhất là khâu giống, thời vụ, phòng trừ dịch bệnh…Cơ giới hoá các khâu làm đất, vận chuyển, ra hạt đạt trên 90%, khâu thu hoạch lúa đạt 35%. Đang tích cực triển khai qui trình sản xuất VietGAP đối với cây thanh long. Giá trị sản xuất bình quân trên 1ha canh tác đạt 47,2 triệu đồng.

          Chăn nuôi phát triển khá, trong đó bò tăng 6%, heo tăng 23,6% so tổng đàn, không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm. Tỷ trọng ngành chăn nuôi trong nông nghiệp tăng từ 31% lên 32%. Gần đây một số dự án chăn nuôi heo theo hướng công nghiệp đang triển khai thực hiện.
         

          Đến năm 2015, nông nghiệp ở huyện Hàm Thuận Bắc vẫn là ngành kinh tế quan trọng hàng đầu trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp-công nghiệp-dịch vụ. Nhiệm vụ chủ yếu là ra sức phát triển nông nghiệp toàn diện với chất lượng và hiệu quả ngày càng tăng, tập trung phát triển mạnh 4 cây và 2 con chủ lực, có lợi thế là lúa, thanh long, cao su, mía và con bò, heo và đa dạng hoá cây trồng con nuôi theo nhu cầu thị trường. Cây lương thực, bố trí ổn định diện tích canh tác lúa 10.500ha ở những khu vực chủ động tưới để thâm canh tăng năng suất, trong đó qui hoạch vùng lúa chất lượng cao và sản xuất lúa giống từ 800-1.000ha, đồng thời phát triển mạnh cây bắp lai ở những vùng thích hợp. Cây thanh long trồng mới 1.500ha theo qui hoạch. Cây cao su trồng mới 3.000ha chủ yếu là vùng cao. Phát triển mạnh vùng mía nguyên liệu ở những nơi phù hợp. Đến năm 2015, tạo vùng sản xuất hàng hoá tập trung qui mô lớn tạo: thanh long 6.000ha, cao su 4.000ha, mía 2.000ha, xem đây là chương trình trọng tâm số 1, tạo sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp, trong đó cây thanh long phát triển theo tiêu chuẩn VietGap; tăng cường hợp tác hỗ trợ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tăng xuất khẩu cả sản lượng và giá trị; cây cao su phát triển chủ yếu từ các dự án và kinh tế; hướng tới tổ chức chế biến tại chỗ sau năm 2015. Giữ ổn định và phát triển có chất lượng cây ăn quả và cà phê ở xã Đa Mi. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, khuyến khích nuôi bò, heo theo hướng công nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hoá khối lượng lớn, nâng giá trị chăn nuôi chiếm 34% trong giá trị nông nghiệp. Phấn đấu nâng giá trị sản xuất bình quân trên 1ha canh tác trên 60 triệu đồng vào năm 2015.

          Giải pháp hết sức quan trọng để thực hiện đạt các mục tiêu chương trình trên là phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; nhất là khâu giống, thời vụ, phòng trừ dịch bệnh, đặc biệt là cây thanh long phải chuyển mạnh theo hướng sản xuất VietGap. Tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hoá trong nông nghiệp, riêng khâu thu hoạch lúa, đến năm 2015 đạt 60%. Xây dựng một số mô hình cây trồng, con nuôi ứng dụng công nghệ cao để rút kinh nghiệm và nhân rộng. Củng cố, phát huy vai trò Câu lạc bộ Khuyến nông và đội ngũ cán bộ nông nghiệp ở cơ sở. Bổ sung, điều chỉnh qui hoạch ngành và qui hoạch chi tiết cây con và công khai cho nhân dân biết, thực hiện.

          Với tiềm năng đất đai, lao động còn lớn, kết cấu hạ tầng được đầu tư phát huy tác dụng, đặc biệt là các công trình thuỷ lợi, kể cả vùng đồng bào dân tộc thiểu số La Dạ, Thuận Hoà, Thuận Minh, chủ động nguồn nước tưới trên 70% diện tích gieo trồng hàng năm; cùng với chủ trương sát hợp lòng dân và giải pháp có tính khả thi; sự quyết tâm cao của toàn Đảng bộ và nhân dân trong huyện, chắc chắn đến năm 2015, sản xuất nông nghiệp huyện Hàm Thuận Bắc đạt nhiều thành quả quan trọng./.

                                                                                                 Thư Kỳ.


  • |
  • 938
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO