ĐẨY MẠNH CƠ GIỚI HÓA TRONG KHÂU THU HOẠCH LÚA Ở HÀM THUẬN BẮC

  • /
  • 24.8.2010 - 0:0

Hàm Thuận Bắc là vựa lúa lớn của tỉnh với diện tích gieo trồng hàng năm hơn 25.000 ha. Diện tích lớn nhưng với phương thức thu hoạch thủ công và thiếu người thu hoạch,trong khi đa số lao động trẻ khỏe có chiều hướng ly nông, đã và đang trở thành áp lực lớn cho người nông dân hiện nay. Khi đến mùa lúa chín rộ, người nông dân đứng ngồi không yên do không mướn được lao động tại chỗ, may nhờ đội quân gặt thuê ở Ninh Thuận với giá tùy vào diện tích, lúa đứng hay đổ ngã và tùy vào sự gia giãm “bớt một, thêm hai” của đội quân này và nhiều khi không có lao động để gặt. Chính vì vậy việc thu hoạch lúa thường chậm, vừa chi phí cao, vừa lãng phí do thu hoạch thủ công để lúa rơi vãi nhiều và gặt ở nhiều nơi không đồng loạt , ảnh hưởng đến vụ sau.

Trước tình hình trên, để tạo điều kiện chuyển đổi khâu thu hoạch lúa từ thủ công sang cơ giới hóa,. giải phóng sức lao động, tạo sự phát triển nông nghiệp bền Máy gặt đập liên hợp trong mùa thu hoạchvững và hiệu quả. Huyện ủy, UBND  huyện Hàm Thuận Bắc có chủ trương xuất ngân sách hỗ trợ lãi vay ngân hàng để khuyến khích  nông dân vay vốn mua máy gặt trong 2 năm 2007 – 2008; tiếp đó thực hiện Quyết định 497 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất cho nông dân vay vốn mua sắm máy móc phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp. Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua sắm máy gặt lúa, nhất là máy gặt đập liên hợp. Tính đến nay, trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc có 69 máy gặt, trong đó có 38 máy gặt đập liên hợp (Hàm Phú 14, Thuận Minh 5, Hàm Trí 8, Hàm Chính 5, Ma Lâm 5 và Hàm Thắng 1), đáp ứng được khâu thu hoạch lúa hơn 35% diện tích gieo trồng.

Ông Bùi Minh ở xã Hàm Thắng sau nhiều năm tích lũy có được số vốn kha khá ,ông muốn mua chiếc máy gặt liên hợp (vừa gặt vừa bung lúa) nhưng giá đến 200 triệu nên không đủ tiền. Được tin Chính phủ cho vay mua máy móc có hỗ trợ lãi suất, ông mạnh dạn đến Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hàm Thuận Bắc vay trên 100 triệu cộng với vốn của mình để mua máy gặt liên hợp. Qua 2 năm đi gặt thuê trong vùng ông đã trả gần hết nợ ngân hàng. Còn anh Phan Văn Bảy ở xã Hàm Phú vay 90 triệu đồng theo QĐ 497 mua máy gặt liên hợp và gặt chỉ 6 vụ lúa cũng gần thu hồi lại vốn để trả nợ cho ngân hàng. Anh cho biết: “Gặt bằng máy gặt đập liên hợp, chi phí cho 1 ha chỉ tốn 1,8 triệu đồng, thấp hơn gặt bằng phương pháp thủ công khoảng 500.000 đến 700.000 đồng/ha. Gặt bằng máy không lãng phí lúa vì không rơi vãi nhiều, đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân…”.

Chưa có thống kê cụ thể, theo anh Nguyễn Tiến Đức, Phó phòng NN – PTNT huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: “Nếu điều tra cho kỹ ở các xã, thị trấn thì số lượng máy gặt đập liên hợp trên địa bàn huyện có thể cao hơn số máy mà phòng nắm được; hơn nữa khi vào vụ thu hoạch người có máy sẽ hợp đồng nông dân ở nhiều xã, thị trấn để gặt, vì vậy diện tích lúa được cơ giới hóa bằng máy gặt đập liên hợp có thể vào khoảng 50%...”. Hầu hết nông dân mua máy gặt liên hợp đều hoạt động có hiệu quả, một số hộ đã trả gần hết nợ ngân hàng. Nhiều nông dân không có điều kiện mua máy lớn cũng tranh thủ nguồn vốn vay theo QĐ 497 mua máy xới, máy cày loại nhỏ để phục vụ làm đất ruộng rẫy của mình và cho người hàng xóm để tăng thêm thu nhập…

Hàm Thuận Bắc với tiềm năng đất đai rộng lớn, màu mỡ, nguồn nước tưới chủ động hơn 70% diện tích gieo trồng. Những năm qua, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là cây lúa và thanh long được đầu tư phát triển có chiều sâu, nâng dần chất lượng và hiệu quả. Bây giờ nông dân lại đầu tư mua sắm nhiều máy nông cụ hiện đại, tạo sự tăng tốc khá nhanh về cơ giới hóa và mở ra một triển vọng to lớn trong sản xuất nông nghiệp những năm đến. Đây cũng chính là một tín hiệu vui từ vùng trọng điểm lúa của tỉnh./.

Bài và ảnh: Đỗ Khắc Thể


  • |
  • 773
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO