Nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh

  • /
  • 25.7.2011 - 0:0

Hàm Thuận Bắc là huyện có diện tích rừng giáp ranh với 4 huyện thuộc 2 tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng. Địa hình vùng giáp ranh này phần nhiều là núi cao, hiểm trở với nhiều loại động thực vật quí hiếm, hơn nữa công tác quản lý, phối hợp bảo vệ rừng của ngành chức năng có nhiều hạn chế. Lợi dụng đặc điểm này, nhiều năm qua, tình hình phá rừng, lấn chiếm, khai thác gỗ trái phép diễn biến phức tạp. Hàng năm tại các khu vực giáp ranh xảy ra hàng chục vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép và hàng chục vụ phá rừng, thiệt hại hàng chục ha và hàng chục m3 gỗ các loại, trong đó có nhiều loại gỗ quý, hiếm nằm trong sách đỏ.

Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2011, tại các khu vực giáp ranh, lực lượng chức năng đã phát hiện 20 trường hợp phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật với diện tích trên 200ha. Gần 250 vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, tịch thu hàng trăm m3 gỗ các loại và phương tiện vi phạm như cưa máy, xe ô tô, xe máy để vận chuyển gỗ trái phép.

 

Trong đó đáng lưu ý là, tình tình phá rừng, lấn chiếm, tái lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép tại khu vực giáp ranh giữa xã Đa Mi huyện Hàm Thuận Bắc với xã Lộc Nam huyện Bảo Lâm. Đối tượng vi phạm chủ yếu là đồng bào dân tộc xã Lộc Nam. Bên cạnh đó là tình trạng khai thác, vận chuyển trái phép gỗ quý, hiếm như Lim xanh, Trắc, Cẩm lai trên tuyến quốc lộ 28, giữa các xã giáp ranh Thuận Hòa huyện Hàm Thuận Bắc, xã Bình Tân huyện Bắc Bình và xã Gia Bắc huyện Di Linh. Nạn chặt phá rừng phòng hộ, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép tại các tiểu khu 171, 176, 177 thuộc Ban quản lý rừng phọng hộ Sông quao diễn biến phức tạp. Đối tượng vi phạm phần lớn là đồng bào dân tộc các xã Sơn Điền, Gia Bắc, Cung Ré, Hòa Bắc, Tân Nghĩa, Tân Châu huyện Di Linh, xã Lộc An huyện Bảo Lâm, xã Lộc Nga thành phố Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng.

 

Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận và Hạt kiểm lâm các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Di Linh, Bảo Lâm tỉnh Lâm Đồng tại hội nghị giao ban công tác bảo vệ rừng của các huyện giáp ranh vừa được huyện Hàm Thuận Bắc chủ trì tổ chức. Tình hình vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng ở vùng giáp ranh thời gian qua có chiều hướng phức tạp là do có nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế của các địa phương và ngành chức năng trong thực hiện Qui chế phối hợp. Nên các đối tượng phá rừng lợi dụng địa hình hiểm trở; hơn nữa công tác tuyên truyền, quản lý giáo dục thời gian qua chưa được các địa phương và ngành chức năng quan tâm đúng mức, hình thức tuyên truyền còn đơn điệu, nghèo nàn. Các đối tượng, băng nhóm phá rừng chưa được triệt phá tận gốc. Việc triển khai thực hiện qui ước bảo vệ rừng tại các địa bàn thôn, bản, địa bàn giáp ranh chưa đồng bộ và còn xem nhẹ. Bên cạnh đó công tác quản lý hộ khẩu của chính quyền các địa phương chưa chặt chẽ, thiếu kiểm tra, xử lý kịp thời các đối tượng từ địa phương khác đến tạm trú để phá rừng, lấn chiếm, mua bán sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép. Công tác phối hợp trao đổi, cung cấp, xử lý thông tin trong các đợt kiểm tra, truy quét giữa các huyện giáp ranh thiếu thường xuyên, thiếu đồng bộ, thiếu kịp thời. Việc phối hợp chủ yếu khi có yêu cầu xác minh, xử lý vi phạm và xử lý tin báo.

 

Song một trong những nguyên nhân khách quan tác động làm cho tình hình phá rừng, khai thác lâm sản trái phép gia tăng, chính là nhu cầu đất sản xuất của đồng bào tại chỗ, áp lực về đất trồng cây công nghiệp và giá cả của các loại cây trồng này như chè, càfê, cao su tăng mạnh. Thị trường còn thu hút việc tận thu gốc gỗ trắc, rễ trắc, lim xanh. Đặc biệt đối tượng rừng qui hoạch giữa 2 tỉnh có sự khác biệt lớn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Hầu hết các tiểu khu rừng ở huyện Di Linh và Bảo Lâm giáp ranh với Bình Thuận là rừng sản xuất, trong khi đối với Bình Thuận là rừng phòng hộ. Do đặc điểm khác biệt này mà nhiều đối tượng phá rừng và đồng bào dân tộc tìm đến diện tích rừng ở Bình Thuận để khai thác, lấn chiếm.

 

Từ tình hình thực tế và những bất cập trong việc triển khai thực hiện Qui chế phối hợp giữa các địa phương giáp ranh đối với công tác bảo vệ rừng chính là nâng cao vai trò, trách nhiệm của các địa phương có liên quan và ngành chức năng. Xem công tác quản lý, bảo vệ rừng là trách nhiệm không chỉ của riêng ngành nào, cấp nào, địa phương nào. Mà đó là trách nhiệm toàn xã hội, vì bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng là bảo vệ nguồn tài nguyên xanh của đất nước. Trong đó một trong những giải pháp cho công tác quản lý, bảo vệ rừng thời gian đến. Đó là tăng cường hơn nữa công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục nhân dân. Chủ động quản lý đối tượng, nhất là những đối tượng phá rừng chuyên nghiệp. Thường xuyên trao đổi, cung cấp và xử lý thông tin, đảm bảo chính xác, kịp thời. Đồng thời phối hợp tổ chức nhiều hoạt động kiểm tra, truy quét, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm./.

                                                                                        Thành Khoa.


  • |
  • 813
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO