Tin tức

Phát triển bền vững yêu cầu bức thiết cả trước mắt và lâu dài

Trên thế giới, vấn đề phát triển bền vững đã được đặt ra rất lâu. Theo Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới (WCED), “Phát triển bền vững là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”(1). Còn Tổ chức Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), cho rằng: “Phát triển bền vững là một loại hình phát triển mới, lồng ghép quá trình sản xuất với bảo tồn tài nguyên và nâng cao chất lượng môi trường. Phát triển bền vững cần phải đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không phương hại đến khả năng của chúng ta đáp ứng nhu cầu của thế hệ trong tương lai”...Do vậy, từ đó đến nay, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã có những thay đổi cả về nhận thức và hành động trong thực tiễn.

Ở nước ta, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, trên cơ sở nhận định: “Nước ta có điều kiện phát triển nhanh”, đồng thời chỉ rõ mối quan hệ đó là: “Phát triển nhanh làm cơ sở cho phát triển bền vững. Phát triển bền vững tạo nguồn lực để phát triển nhanh”, Đảng ta nêu quan điểm: “Phát triển nhanh gắn với phát triển bền vững”, trong đó nhấn mạnh “Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020”(2). Quán triệt và triển khai chủ trương trên, những năm qua, các cấp, các ngành và nhân dân địa phương có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, nỗ lực, phấn đấu thực hiện đạt được một số kết quả bước đầu; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) cao hơn giai đoạn trước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, bộ mặt đô thị, nông thôn, miền núi có bước khởi sắc, khoảng cách giữa các vùng dần được thu hẹp, đời sống phần đông nhân dân nhìn chung ổn định, một bộ phận có cải thiện.

Kết quả trên là rất đáng trân trọng để tiếp tục phát huy trong thời gian tới, nhưng nhìn lại gần 10 năm qua, rõ ràng vấn đề phát triển bền vững chưa được đặt ra một cách nghiêm túc, nên vẫn còn tình trạng lãng phí nguồn lực, suy giảm dần nguồn tài nguyên, khoáng sản, tổn hại đến môi trường sinh thái, gây nguy cơ tăng chi phí khắc phục hệ lụy để lại trong tương lai không xa...

Từ thực trạng nêu trên, đã đến lúc chúng ta cần phải nhận thức thật đầy đủ, đúng đắn về phạm trù phát triển bền vững, phải chăng đây là yêu cầu bức thiết không chỉ trước mắt, mà cả lâu dài. Để xử lý, giải quyết có kết quả vấn đề thực sự hệ trọng, nhưng hết sức khó khăn này, cần quán triệt sâu kỹ và triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm có thể là:

Trước tiên, phải quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài sản công. Trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cần coi trọng vấn đề hiệu quả và tính phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong từng giai đoạn nhất định, hết sức cân nhắc việc chuyển đổi đất canh tác sang mục đích phi nông nghiệp và quản lý chặt chẽ đi đôi với khai thác, phát huy quỹ đất công ích, đất chưa sử dụng; đồng thời tổ chức tốt công khai và triển khai đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để các tổ chức, cá nhân biết, thực hiện đúng theo quy định. Chỉ khai thác khoáng sản thông thường đủ đáp ứng nhu cầu; gắn chặt việc khai thác với chế biến sâu khoáng sản đặc thù, nhằm nâng cao giá trị, góp phần kiềm chế tình trạng suy giảm như vừa qua. Rà soát để có biện pháp quản lý chặt chẽ và phát huy hiệu quả công sở (cả đất và công trình gắn liền với đất), tránh thất thoát, lãng phí. Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước; tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật trong thực hiện chức năng này; đề cao đúng mức trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở trong kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm xảy ra. Trước mắt, tập trung xử lý có kết quả tình hình nổi lên vừa qua; kiên quyết thu hồi diện tích đất 5% đã cấp cho các tổ chức, cá nhân sai quy định; xử lý cương quyết các trường hợp lấn chiếm, tái lấn chiếm đất lâm nghiệp; kiến nghị cấp có thẩm quyền rút giấy phép đối với các dự án chậm triển khai, không thực hiện đúng cam kết khi đăng ký đầu tư, có biểu hiện đầu cơ đất đai, chuyển nhượng dự án để thu lợi bất chính; buộc các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép, sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, bồi thường thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật.

Mặt khác, phải tránh để lại hệ lụy về sau. Khắc phục ngay tư tưởng chỉ coi trọng đến số lượng, mà thiếu quan tâm đến chất lượng, hiệu quả trong thu hút đầu tư, kiên quyết “nói không” đối với số dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại hệ sinh thái. Tăng cường các biện pháp quản lý và phát triển rừng, khuyến khích trồng rừng tập trung, đẩy mạnh phong trào trồng cây nhân dân; làm tốt công tác chống, phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần tăng nhanh tỷ lệ che phủ. Khẩn trương di đời các điểm thu mua phế liệu, các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư tập trung; làm tốt công tác thu gom rác thải và có biện pháp xử lý nước thải ở các khu dân cư tập trung; gắn với kiểm tra, xử lý có kết quả các trường hợp gây ô nhiễm môi trường, nhất là các trang trại chăn nuôi heo tập trung, hoạt động khai thác khoáng sản, sản xuất, kinh doanh. Rà soát và có biện pháp buộc các chủ đầu tư phải tiếp tục hoàn thiện các khu dân cư tự phát bảo đảm quy chuẩn, không để sau này phải khắc phục bằng vốn ngân sách.     

Cùng với đó, phải tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển trong tương lai. Từng bước tiếp cận với công nghiệp 4.0 theo quan điểm của Claus Martin Schwab(3), nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, nhưng không quên đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ III theo ý tưởng của Jeremy Rifkin(4), đó là  phát triển “công nghiệp xanh”, sử dụng ngày càng phổ biến các nguồn năng lượng tái tạo..., góp phần bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững. Cần quan tâm đúng mức việc xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; khơi dậy phong trào khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư phát triển trên tất cả các lĩnh vực mà pháp luật không cấm và địa phương có lợi thế và tiềm năng, ưu tiên ngành nghề chế biến nông-lâm sản, sử dụng nhiều lao động, khai thác tiềm năng về tài nguyên, khoáng sản, du lịch, phát triển thủy điện nhỏ, điện năng lượng mặt trời, cung ứng các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân...Tăng cường đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, ưu tiên các công trình phục vụ phát triển dân sinh, kinh tế, xã hội, nhất là giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, giáo dục, y tế, thiết chế văn hóa...Ngoài việc khai thác nguồn thu để bảo đảm mục tiêu trong ngắn hạn, phải tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm tạo nguồn thu ổn định, vững chắc, góp phần quan trọng về đáp ứng nhu cầu trong dài hạn. Chú trọng đúng mức công tác đào tạo nguồn nhân lực, trọng tâm là nhân lực chất lượng cao, cán bộ, công chức, viên chức; trước mắt, tập trung phát triển giáo dục, y tế, nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thực hiện tốt chính sách dân số và phát triển, nhằm bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.

          Đây là vấn đề tuy không mới, nhưng nó vẫn còn nguyên tính thời sự. Mong sao các cấp, các ngành sẽ có những chuyển biến tích cực hơn trước trong quá trình tiếp cận và triển khai thực hiện, góp phần quan trọng cho sự phát triển của thế hệ hôm nay, đồng thời tạo thêm nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.

(1) Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới (WCED), Báo cáo Brundtland (hay còn gọi là Báo cáo Our Common Future), 1987.

(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011.

(3) Sáng lập viên, kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

(4) Jeremy Rifkin, Cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ III, Nhà xuất bản Lao động-Xã hội, Hà Nội, 2014.


Các tin khác