Sự chuyển biến rõ nét về kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn qua thực hiện Chương trình 135 (giai đoạn 2)

  • /
  • 8.12.2011 - 14:28

Hàm Thuận Bắc là huyện miền núi của tỉnh, phần lớn diện tích ở vùng cao và trung du của huyện giáp ranh với nam Tây Nguyên, là vùng căn cứ cách mạng của Bình Thuận và Khu VI trong thời kỳ kháng chiến. Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt từ khi có Nghị quyết 04 của Tỉnh uỷ, đã thực hiện có hiệu quả việc giao đất sản xuất, giao khoán bảo vệ rừng, giải quyết vốn vay chăn nuôi bò và xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là thuỷ lợi, giao thông... góp phần nâng cao đời sống của đồng bào và tạo diện mạo mới cho nông thôn miền núi.

 

Toàn huyện có 17 xã, thị trấn, trong đó có 4 xã vùng cao, 8 xã miền núi, 3 xã đồng bằng và 2 thị trấn. Năm 2010, dân số có 40.380 hộ/ 167.579 khẩu; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số 2.988 hộ / 10.182 khẩu. Thụ hưởng Chương trình 135 (giai đoạn II) của Chính Phủ có 1.961 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với 9.185 khẩu ở 3 xã thuần và 2 thôn xen ghép (xã Đông Tiến 217 hộ/ 1.009 khẩu, xã Đông Giang 590 hộ/ 2.483 khẩu, xã La Dạ 717 hộ/ 3.198 khẩu, thôn Dân Hiệp-Thuận Hòa 232 hộ/ 1.556 khẩu và thôn Kukê-Thuận Minh 205 hộ/ 939 khẩu); trong đó có 453 hộ nghèo, chiếm 23% (Đông Tiến 26 hộ, Đông Giang 76 hộ, La Dạ 244 hộ, Ku Kê 68 hộ và Dân Hiệp 39 hộ).

Những năm qua, Ban Thường vụ Huyện uỷ quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và của Tỉnh. Hàng năm, Ban Thường vụ Huyện uỷ đều xem xét, cho ý kiến về kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và việc bố trí nguồn vốn đầu tư để UBND huyện trình HĐND huyện quyết định, trong đó có việc sử dụng vốn Chương trình 135; riêng năm 2010 là năm cuối của giai đoạn 2 chương trình này nên Ban Thường vụ Huyện uỷ chủ trương tập trung đầu tư những công trình thật sự bức xúc để ưu tiên vốn thanh toán nợ cho các công trình đã đầu tư trong những trước đây. UBND huyện củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình 135 của huyện, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, Trưởng phòng Tài chính-kế hoạch làm Phó ban Thường trực và các thành viên là lãnh đạo các phòng ban chuyên môn của huyện, Chủ tịch UBND các xã thụ hưởng Chương trình 135 (giai đoạn 2).

UBND huyện trực tiếp quản lý, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình 135 thông qua việc giao cho các ngành chức năng của huyện và UBND các xã được thụ hưởng Chương trình 135 tham mưu, giúp UBND huyện quyết định dự án đầu tư và trực tiếp làm chủ đầu tư các công trình, dự án theo uỷ quyền của UBND huyện; đồng thời chú ý phân cấp mạnh cho cơ sở nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành của UBND xã.

Quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư giai đoạn 2006-2010 và hàng năm đều tổ chức lấy ý kiến thống nhất của cấp uỷ, HĐND, UBND, Mặt trận, các đoàn thể xã, thôn và nhân dân thụ hưởng Chương trình 135 về sử dụng vốn đầu tư bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống dân cư. Riêng năm 2010, căn cứ kế hoạch vốn phân bổ theo Quyết định 82, ngày 31/12/2009 của UBND tỉnh và định hướng của Ban Thường vụ Huyện uỷ như nêu trên, UBND huyện chỉ đạo các xã La Dạ, Đông Giang, Thuận Hoà và Thuận Minh họp dân thống nhất lựa chọn nội dung đầu tư, đảm bảo theo nguyên tắc công khai, dân chủ và phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”; tiến hành bình xét nhằm hỗ trợ đúng đối tượng, đúng nội dung theo quy định.

Kết quả thực hiện Chương trình 135 năm 2010, qua các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, bao gồm hỗ trợ vật tư và giống cây trồng, con nuôi; tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp và khuyến nông, khuyến lâm; hỗ trợ mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất đối với đồng bào các xã La Dạ, Đông Giang, thôn Dân Hiệp (Thuận Hoà), thôn Ku Kê (Thuận Minh) với tổng chi phí 600 triệu đồng và dự án phát triển cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí 2,4 tỷ đồng.

Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và phát triển cơ sở hạ tầng được đầu tư từ các năm trước phát huy hiệu quả, phục vụ tích cực cho sản xuất và đời sống đồng bào. Hiện nay các máy móc và công cụ phục vụ sản xuất phát huy hiệu quả khá tốt, giúp đồng bào giảm chi phí sản xuất. Cùng với tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và hỗ trợ kịp thời vật tư, giống cây trồng, con nuôi đã giúp đồng bào thâm canh nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất; đặc biệt đồng bào 2 xã Đông Giang, La Dạ được tập huấn kỹ thuật nên đã chăm sóc và khai thác tốt mủ cao su, mang lại thu nhập cao. Đường giao thông đã đến trung tâm tất cả các xã, giao thông nội đồng cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất; các công trình thủy lợi vừa và nhỏ được đầu tư, nâng cấp, kiên cố hoá đã góp phần đảm bảo công tác tưới tiêu, đưa diện tích sản xuất từ 1 vụ lên 2 vụ/năm; mở rộng diện tích lúa nước tại vùng tưới Đaguiry và đang khai hoang đồng ruộng Đatrian, tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng đồng ruộng Sông Khán. Toàn bộ các thôn, xã đều sử dụng điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ sử dụng điện trên 98%. Trường, lớp được đầu tư tăng thêm, góp phần xóa tình trạng học ca 3, tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc thiểu số đến trường, huy động học sinh ra lớp ở các cấp học năm sau cao hơn năm trước (trên 98%), học sinh bỏ học giảm đáng kể; chất lượng giảng dạy và học tập có tiến bộ, từng bước nâng trình độ dân trí.

Kết quả nổi bật là thu nhập bình quân đầu người năm 2010 tăng khá so với đầu năm 2006 (La Dạ từ 2,15 tăng lên 5,7 triệu đồng, Đông Giang từ 2,25 lên 6,1 triệu đồng, Đông Tiến từ 3 lên 6 triệu đồng, Kukê từ 1,98 lên 4,5 triệu đồng, Dân Hiệp từ 2 lên 5 triệu đồng); tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh so với đầu năm 2006 (La Dạ từ 62,18% giảm còn 34,03%, Đông Giang từ 39,83% còn 12,88%, Đông Tiến từ 35,82% còn 11,98%, Ku Kê từ 79,5% còn 33,05% và Dân Hiệp từ 43,84% còn 16,94%).

Với kết quả trên, có thể khẳng định Chương trình 135 của Chính phủ (giai đoạn 2) được triển khai thực hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, sát hợp với lòng dân, nên thực sự đi vào cuộc sống, tạo cơ sở thúc đẩy sản xuất và đời sống đồng bào dân tộc thiểu số phát triển. Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả bước đầu, đời sống của đồng bào, cũng như bộ mặt nông thôn các xã đặc biệt khó khăn vẵn còn khó khăn, yếu kém, nên nguyện vọng tha thiết của đồng bào là mong muốn Chính phủ tiếp tục thực hiện Chương trình 135 (giai đoạn 3) nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và vững chắc hơn để cho đời sống đồng bào khá hơn và theo kịp mặt bằng phát triển của Huyện nhà./.

Minh Thư.

 


  • |
  • 708
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO