Hàm Thuận Bắc đẩy mạnh xây dựng “Gia đình văn hóa”

  • /
  • 27.12.2011 - 9:36

Muốn có “đời sống văn hóa” thì trước hết mỗi gia đình phải là một “Gia đình văn hóa”.

Nhận rõ điều đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hàm Thuận Bắc trong quá trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” luôn lấy việc xây dựng “Gia đình văn hóa” làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển của toàn bộ phong trào. Tỷ lệ hộ gia đình đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa” năm sau luôn cao hơn năm trước và đến năm 2011 đã đạt tỷ lệ khá cao (90,7%), với 37.817/41.689 hộ gia đình đăng ký tham gia.

Góp phần đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển theo hướng thực chất, việc bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa” năm 2011 đã tập trung khắc phục bệnh thành tích và nâng cao tính dân chủ, qua đó kích thích các gia đình nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, đồng thời tạo ra khí thế thi đua sôi nổi giữa các hộ gia đình với nhau.

Qua bình xét dân chủ và công khai, 32.124 hộ đã được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Đây là một tín hiệu vui vì khi nâng cao các tiêu chí  bình xét mà tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu vẫn tăng thêm 7,8% so với kết quả cuối năm 2010 và đạt 84,9% so với tổng số hộ đã đăng ký trong năm. Đặc biệt có nhiều gia đình đã giữ chuẩn danh hiệu “Gia đình văn hóa” nhiều năm liền, xứng đáng với sự công nhận và tôn vinh của xã hội.

Theo đánh giá chung thì việc phấn đấu để đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” không những góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của huyện mà còn nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết phải thực hành một đời sống mới – “đời sống văn hóa” ngay trong mỗi gia đình; đồng thời danh hiệu “Gia đình văn hóa” còn động viên mỗi hộ gia đình nỗ lực phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, phát huy truyền thống tương thân, tương ái và hăng hái tham gia phong trào thi đua yêu nước, góp phần không nhỏ trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trong năm của huyện từ 10,13% xuống còn 8,4%.

Tuy nhiên, việc xây dựng “Gia đình văn hóa” hiện nay vẫn chưa đều và rộng khắp. Còn một bộ phận hộ gia đình bảo thủ, thờ ơ và quyết định đứng ngoài cuộc vận động. Tỷ lệ hộ gia đình đã đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa” mà không được công nhận còn cao (năm 2011 là 15,1%).

Trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục phát huy tốt nguyên tắc tự nguyện, dân chủ trong vận động các gia đình đăng ký tham gia phong trào và bình xét các danh hiệu, nhất là phải tuyên truyền giải thích cho nhân dân hiểu rõ việc xây dựng “Gia đình văn hóa” có lợi như thế nào để các hộ tự nguyện, tự giác thực hiện “Gia đình văn hóa”; đồng thời phải coi trọng chất lượng, làm đến đâu chắc đến đó, chú trọng nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hàm Thuận Bắc quyết tâm xây dựng ngày càng nhiều “Gia đình văn hóa”, để năm sau có thêm nhiều “Gia đình văn hóa” hơn năm trước. Và mục tiêu phấn đấu cao nhất của chúng ta sẽ là: Mỗi gia đình là một “Gia đình văn hóa”!./.

Thắng Lợi


  • |
  • 690
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO