Tin tức

Hàm Thuận Bắc sau 05 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới

Sau gần 05 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, đã đem lại sự chuyển biến to lớn cho nhiều vùng quê Hàm Thuận Bắc. 

Nhân dân xã Hàm Trí làm thủy lợi nội đồng trong xây dựng nông thôn mới.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng ở các địa phương. Xây dựng nông thôn mới là cốt lõi của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 26 về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước để phát triển khu vực nông thôn. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xây dựng nông thôn mới chính là một cuộc cách mạng phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, giúp người dân nhận thức rõ trách nhiệm, quyền lợi nhằm chủ động tham gia, tích cực thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng đó, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong huyện xem đây là nội dung trọng tâm, dồn sức thực hiện. Tính đến cuối tháng 09 năm 2015, toàn huyện đã đạt được 195 tiêu chí theo Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, tăng 144 tiêu chí so với lúc đầu thực hiện chương trình; trung bình đạt 13 tiêu chí/xã. Trong đó, xã Hàm Trí là xã hoàn thành 19/19 tiêu chí được UBND tỉnh trao Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014. Xã Hàm Phú đạt 19 tiêu chí đang lập hồ sơ đề nghị công nhận; xã Hàm Đức đạt 17 tiêu chí; Hồng Sơn, Thuận Hoà, Hàm Hiệp đạt 15 tiêu chí; Hàm Liêm, Hàm Chính đạt 13 tiêu chí; Thuận Minh 12 tiêu chí; Hàm Thắng và Đông giang đạt 11 tiêu chí; Hồng Liêm 10 tiêu chí; Đông Tiến đạt 9 tiêu chí và La Dạ, Đa Mi đạt 8 tiêu chí. Ước đến cuối năm 2015 có thêm 03 xã Hàm Phú, Hàm Đức và Hồng Sơn đạt chuẩn nông thôn mới, nâng lên 04/15 xã đạt chuẩn, chiếm 26,6%, vuợt kế hoạch đề ra 6,26%. Có được kết quả đó là sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp cơ sở; vai trò của hệ thống chính trị (HTCT) cơ sở và của người dân hết sức quan trọng. Đây không chỉ là lực lượng trực tiếp tham gia vào chương trình, mà điều quan trọng hơn là HTCT cơ sở cũng như những người dân phải cùng chung tay, góp sức phát huy hết năng lực của địa phương và của từng gia đình góp phần hoàn thành sự nghiệp xây dựng NTM. Thực tiễn qua tổng kết 05 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 cấp huyện cho thấy các xã tham gia đều đạt được những kết quả khả quan. Những kết quả đó không chỉ là sự quan tâm, đầu tư hỗ trợ từ Nhà nước mà còn là sự phát huy tinh thần trách nhiệm cao độ của hệ thống đảng, chính quyền, các tổ chức quần chúng ở cơ sở, sự đóng góp sức lực, tiền của của dân. Các tổ chức đảng, chính quyền ở cơ sở đã phát huy sức mạnh của tổ chức thông qua việc tuyên truyền, vận động, tổ chức cho dân thực hiện cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Với các hộ nông dân, thông qua vận động, tuyên truyền của địa phương, nhiều hộ đã tham gia đóng góp tiền của, tài sản vào xây dựng địa phương. Qua 05 năm nhân dân đã đóng góp trên 82,66 tỷ đồng, tự nguyện hiến trên 6,77 ha đất để chính quyền đầu tư các công trình dân sinh, kinh tế-xã hội.

Từ thực tiễn trên, quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc rút ra một số kinh nghiệm sâu sắc sau:

Thứ nhất, phải làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng quy hoạch phải xuất phát từ thực tế của địa phương. Đây là khâu mở đầu song cũng là khâu khó nhất đối với các địa phương khi thực hiện chương trình. Có những địa phương đã hết sức lúng túng khi xây dựng quy hoạch, có địa phương do lập quy hoạch không sát với thực tế nên khi thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, chỉ trên cơ sở xây dựng quy hoạch phù hợp với điều kiện cụ thể, thế mạnh của địa phương, xác định đúng những công việc cần thực hiện, việc xây dựng địa phương vững mạnh, theo định hướng NTM thì mới đạt kết quả tốt. Do đó, vai trò của HTCT cơ sở trong xây dựng NTM không chỉ là việc tuyên truyền, vận động, mà điều quan trọng là phải lập quy hoạch cho sát hợp và tổ chức cho dân thực hiện. Quy hoạch sát hợp ở đây không chỉ là sự phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, mà còn ở việc bố trí, sắp xếp đúng đắn, có trọng điểm trong quá trình thực hiện. Đối với các xã vùng núi, vùng cao của Hàm Thuận Bắc, yêu cầu này hết sức quan trọng khi điều kiện kinh tế của dân và địa phương đều gặp khó khăn. Để công tác quy hoạch có hiệu quả, ban quản lý xây dựng nông thôn mới các xã phải tham gia vào quá trình thực hiện quy hoạch, chủ động thảo luận với các đơn vị tư vấn để tìm ra phương án quy hoạch tốt nhất. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là quy hoạch của xã phải gắn kết với quy hoạch của huyện, phù hợp với tầm nhìn của tỉnh.

Thứ hai, phải cần có một đội ngũ cán bộ cơ sở mạnh: Đối với Hàm Thuận Bắc, hiện nay một số xã đang ở tình trạng thiếu cán bộ; năng lực cán bộ yếu, chưa đáp ứng với yêu cầu công việc chung, đặc biệt các xã vùng cao. Vì vậy, để có một đội ngũ cán bộ mạnh, đủ năng lực thực hiện chương trình xây dựng NTM, cần tăng cường bồi dưỡng cho cán bộ cấp cơ sở ở nông thôn những nhận thức về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; cho họ thấy rõ những yêu cầu trong xây dựng NTM.

Thứ ba, phải nâng cao nhận thức của dân, cho dân thấy rõ trách nhiệm, quyền lợi của mình trong xây dựng NTM bằng đẩy mạnh công tác tuyên truyền: Quá trình tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân xây dựng nông thôn mới cần chú ý chỉ cho dân thấy rõ lợi ích khi tham gia vào công việc chung. Thực tiễn, việc vận động dân tham gia đóng góp là việc không dễ dàng khi đời sống của dân nói chung còn hết sức khó khăn. Nhưng khi thấy rõ việc làm đem lại lợi ích cho mình họ sẵn sàng đóng góp tiền bạc, đất đai, tài sản để xây dựng địa phương. Bằng kết quả thực tế, từng bước cho dân thấy lợi ích từ những nội dung xây dựng NTM, trên cơ sở đó tiếp tục động viên, khích lệ quần chúng ủng hộ tích cực hơn. Bài học kinh nghiệm của nhiều xã đã đúc kết, khi hướng dẫn dân làm không đem lại lợi ích thiết thực cho dân, dân không tin, không thực hiện./.

 


Các tin khác