Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng - xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc, ông Nguyễn Văn Quang vốn sống tự lập từ nhỏ do gia đình nghèo khó. Tháng 4/1975, hòa theo khí thế chiến thắng của quân và dân Bình Thuận, với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông thoát ly tham gia bộ đội thuộc Đại đội 450 Thuận Phong. Sau hơn một năm công tác, đến tháng 6/1976 ông được đơn vị cho xuất ngũ về địa phương vì bệnh tật. Tháng 10/1978, chiến tranh biên giới Tây Nam ngày càng ác liệt, ông lại đăng ký tái ngũ đóng quân tại Đức Cơ (Tây Nguyên) làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới. Sau đó tham gia chiến dịch giải phóng Campuchia. Ngày 4/1/1979, trong một trận chiến đấu ác liệt với bọn diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari, tại thị trấn Tà Keo, ông bị thương nặng đa vết thương (vỡ hộp sọ, hỏng 1 mắt, vết thương ngực tay, thương binh hạng ¼, tỉ lệ 91%). Sau đó ông được đưa về điều trị ở Quân y viện 108 Hà Nội. Hơn 11 tháng điều trị vết thương tạm ổn. Ra viện ông được đưa về an dưỡng tại Khu điều dưỡng thương binh xã hội tỉnh Thuận Hải (cũ). Ông Quang cho biết: “Trước khi ra viện, các bác sĩ đã khuyên ông: Bác cố gắng giữ gìn sức khỏe, tránh những phức tạp xảy ra thì Bác có thể sống được 8 năm!”. Vậy mà ông đã sống bằng nghị lực của mình hơn 30 năm,mặc cho biết bao thăng trầm của cuộc đời với vết thương 91% luôn hoành hành cơ thể. Còn nhớ ngày vác ba lô tái ngũ, vợ mới sinh con gái 8 ngày, không thấy mặt con, không hiểu vợ phải chịu đựng vượt qua khó khổ như thế nào vào thời điểm ấy, nhưng với lòng quyết tâm, với truyền thống quê hương đã tiếp sức cho ông ra mặt trận. Ở trại điều dưỡng tỉnh một thời gian, ông đưa vợ con về quê hương lập nghiệp. Vợ dại con thơ, bản thân đầy thương tật phải vật lộn với 4 - 5 sào ruộng thiếu nước;làm đủ thứ nghề như: ruộng, rẫy (trồng cà, trồng ớt), đào dông, bẫy thỏ, kết hợp nuôi heo, nuôi gà… nhưng kinh tế vẫn không khá. Con gái ông lại bị ung thư máu phải chạy chữa thuốc men, tốn kém hàng chục triệu đồng nhưng vẫn không qua khỏi. Năm 1983, ông được Sở Lao động -TB&XH tín nhiệm cử làm Chủ tịch Hội đồng hương - bệnh binh tỉnh, ông ra sức hoạt động công tác một thời gian dài cho đến năm 1990 về an dưỡng tại gia đình và được một suất nuôi dưỡng cho vợ. Vào thời điểm ấy đất nước còn biết bao khó khăn, mà với ông cái khó của gia đình tưởng chừng không vượt qua được. Ông bắt đầu từ căn nhà lụp xụp, mấy sào ruộng, rồi từ con heo, con gà; rồi vay mượn mở quán bán cơm, nước giải khát vẫn không mấy xoay chuyển được cái nghèo,cái khó. Song cũng từ ý chí vươn lên quyết tâm xóa nghèo và biết tiết kiệm chi tiêu nên hàng năm ông đã gom góp được một số tiền cộng với tiền trợ cấp thương tật để nuôi con ăn học đến nơi đến chốn, xây sửa nhà đàng hoàng ấm cúng hơn. Với suy nghĩ là phải làm gì để phát triển kinh tế ổn định, lâu dài, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện gia đình,ông đã chuyển ruộng lúa sang trồng cây thanh long từ 400 trụ lên 1000 trụ ,kết hợp chăn nuôi heo, gà, bò; mở dịch vụ bi da, bán tạp hóa sách vở, nước giải khát cho học sinh… mỗi năm trừ chi phí gia đình thu nhập trên 100 triệu đồng. Có số vốn, ông tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất,xây dựng nhà ở khang trang, nuôi con ăn học. Để nâng cao hiệu quả sản suất, ông hạ thế điện để phục vụ chong đèn cây thanh long, đồng thời tạo nguồn điện sản xuất và sinh hoạt cho các gia đình lân cận, khoảng 100 triệu đồng.
Đối với xã hội, ông luôn tham gia tích cực các phong trào ở địa phương, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc.Ông đã trực tiếp bắt tội phạm, bắt bọn trộm xe đạp, heo, gà và cung cấp nhiều nguồn tin quan trọng về tội phạm cho công an xử lý. Đặc biệt là vụ đuổi bắt 2 tên cướp đường dài. Khi đang nghỉ trưa, nghe có người la “cướp cướp”, ông trượt khỏi võng,đuổi theo tên cướp. Chúng quẳng đồ cướp được, rút dao chống lại. Với bản lĩnh của người lính,chủ động và kiên quyết tiến công,ông lựa thế đạp ngã rồi lao đến đè lên người một tên cướp;đồng thời hô mọi người chạy đến bắt trói tên cướp và bắt luôn tên cướp còn lại.Với nhiều năm đóng góp thành tích giữ gìn an ninh trật tự địa phương, ông được Công an tỉnh tặng bằng khen.
Qua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ông luôn tự soi rọi lại mình rồi phấn đấu, rèn luyện để có những việc làm tốt. Từ những mẫu chuyện về Bác, ông nghĩ mình phải làm gì để góp phần chia sẻ những khó khăn của người nghèo, tàn tật, neo đơn. Tết Nguyên đán 2008 ông bàn với vợ trích khoản trợ cấp thương binh của mình tặng 5 phần quà cho người nghèo, già neo đơn trong thôn, trị giá 500.000 đồng. Năm 2010 tặng 7 phần quà, giá trị 1.050.000 đồng và tặng 3 suất quà hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học Trường THCS xã Hàm Đức trị giá mỗi suất 100.000 đồng và hiến 300m2 đất của gia đình xây nhà văn hóa thôn. Nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh nhật Bác Hồ, ông cũng đã đi thăm và tặng 1 phần quà trị giá 200.000 đồng cho Bà mẹ VNAH...Ông vinh dự được tặng Huy hiệu Bác Hồ và Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc”, được UBND tỉnh tặng bằng khen, được chọn báo cáo điển hình tại Đại hội thi đua yêu nước, CCB gương mẫu toàn quốc tại Hà Nội…ông Quang cho biết: “Mặc dù là thương binh, sức khỏe giảm sút nhưng với bản chất anh bộ đội Cụ Hồ, tôi luôn phấn đấu, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì cuộc sống của nhân dân trong thôn, xã. Đặc biệt là công tác an ninh, giữ gìn an ninh trật tự cho nhân dân yên tâm sản xuất. Khi đã làm được việc có ích cho nhân dân là lòng tôi cảm thấy rất vui…”.
Bài và ảnh: Đỗ Khắc Thể