Lúc mới thành lập, xã Đông Tiến đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, người dân còn có tư tưởng du canh, du cư, chưa thông thạo với công việc cày, bừa, cấy, gặt, thực hiện chính sách định canh, định cư chưa ổn định, lại bị nắng hạn kéo dài trong 02 năm (1984, 1985), làm mùa màng thất thu; đời sống Nhân dân cơ cực, thiếu đói quanh năm,... Mặt khác, do là xã vùng cao, thuần đồng bào dân tộc Cơ Ho nên cơ sở hạ tầng thấp kém. Song, dưới sự lãnh đạo, giúp đỡ, hỗ trợ của Ban Dân tộc tỉnh, Trung tâm dịch vụ miền núi tỉnh, của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và sự hỗ trợ giúp đỡ các ban, ngành, đoàn thể huyện, các đơn vị kết nghĩa, đỡ đầu (như Sở y tế Bình Thuận, Hội LHPN tỉnh Bình Thuận - đặc biệt là xã Hàm Nhơn (nay là thị trấn Phú Long) từ những năm đầu thôn Đông Tiến mới được thành lập, đến khi thành lập xã và cùng với sự đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực khắc phục khó khăn của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân Đông Tiến, xã Đông Tiến đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng Nam Sơn Trung dũng.
Qua 40 năm xây dựng và phát triển đạt được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, rút ngắn dần khoảng cách với các xã bạn, cụ thể là:
Thứ nhất, kết quả quan trọng và nổi bật nhất là thực hiện có kết quả các chính sách của Đảng và Nhà nước về định canh, định cư và phát triển toàn diện dân sinh kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Nhờ thực hiện chỉ đạo sâu sát và thường xuyên của Ban Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện, cấp ủy, chính quyền xã Đông Tiến đã tập trung chỉ đạo hoàn thành công tác định canh, định cư, phát triển thuỷ lợi, mở rộng diện tích lúa nước, phát triển vườn cây ăn trái gắn với phát triển chăn nuôi. Đảng bộ, chính quyền xã từng bước xác định được 3 con nuôi phù hợp với điều kiện, đặc thù mang lại hiệu quả kinh tế như: Bò, Dê, Heo và 3 cây trồng chủ lực là điều, bắp, lúa, gắn với quản lý bảo vệ rừng. Qua đó, sản xuất nông nghiệp đạt được những kết quả nổi bật, sản lượng lương thực năm 2023 đạt gần 3.600 tấn, tăng hơn 39 lần so với năm xã mới thành lập, kể từ năm 2000 xã Đông Tiến đã đảm bảo tự túc lương thực, không còn phải tiếp nhận sự cứu trợ của Nhà nước. Những năm gần đây, nhờ thực hiện các mô hình trồng ớt, mô hình trồng đậu bắp, mô hình lúa nước, mô hình bắp lai, mô hình nuôi heo đen tái đàn,…. đã góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho Nhân dân. Ngoài ra, diện tích các loại cây trồng khác như: cây mía, cây bưởi, cây mít, sâu riềng,… ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ được mở ra, nhất là từ khi xã xây dựng được chợ. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới được cả hệ thống chính trị vào cuộc và sự chung sức, đồng lòng của người dân. Đến cuối năm 2023, xã đã đạt được 19/19 tiêu chí, hiện đang trình cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Thứ 2, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường đầu tư, bộ mặt xã nhà được cải thiện đáng kể. Nhờ ngân sách của huyện trợ cấp và các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia 134, 135, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Trung ương đã tạo điều kiện cho xã đầu tư cơ sở kết cấu hạ tầng, như: đường bê tông xi măng, kênh mương, giao thông nội đồng... Sự nghiệp giáo dục được quan tâm đặc biệt, đến nay có đầy đủ các cấp học, 100% trường học được kiên cố hóa với đầy đủ trang thiết bị dạy và học, đạt chuẩn tiêu chí 5 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được quan tâm đầu tư, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, góp phần giữ chuẩn y tế quốc gia nhiều năm liền. Đặc biệt là xã rất quan tâm đến việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, đến nay xã đã có Nhà bia ghi danh liệt sĩ xã, thôn có Nhà văn hóa; các khu vui chơi, giải trí được hình thành. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
Ba là, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.
Qua 40 năm phấn đấu xây dựng và phát triển, bằng các giải pháp tích cực, hiệu quả của các phong trào “Giảm nghèo bền vững”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội,… đã giúp cho xã Đông Tiến đạt được những thành tựu nổi bật về công tác xóa đói giảm nghèo; từ chỗ đa số hộ dân thiếu đói quanh năm, đến nay xã không còn tình trạng hộ dân thiếu ăn trong thời kỳ giáp hạt, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến cuối năm 2023 giảm xuống còn 4,47%. Các gia đình người có công với cách mạng được chăm lo tốt hơn, 100% gia đình chính sách đều có mức sống cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Thu nhập bình quân đầu người từ 25 triệu đồng vào năm 2010 nâng lên 47,12 triệu đồng vào cuối năm 2023.
Bốn là, hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, kiện toàn, ngày càng vững mạnh. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII, khóa XIII), gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Năm 1984, toàn xã chỉ có 01 chi bộ xã với 16 đảng viên thì đến nay đã có Đảng bộ xã, 07 chi bộ trực thuộc Đảng bộ với 121 đảng viên; có đủ hệ thống chính trị, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và hội quần chúng xã theo quy định. Trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên cả về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực công tác cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền tiếp tục được nâng lên; tập trung chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, nhất là trên lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường. Vai trò của Hội đồng nhân dân xã trong quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương và hoạt động giám sát được phát huy tốt hơn. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội thường xuyên được đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Chi bộ và Ban điều hành các thôn thường xuyên được củng cố, kiện toàn góp phần tích cực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Năm là, xây dựng lực lượng vũ trang xã lớn mạnh, thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng địa phương, giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội. Từ khi xã được thành lập cho đến nay, lực lượng vũ trang xã đã kề vai sát cánh cùng với các tổ chức trong hệ thống chính trị và đồng bào các dân tộc trong xã ra sức thi đua, tiếp tục góp phần thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Lực lượng vũ trang xã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành. Chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu được nâng lên cùng với lực lượng công an giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội,…
Bên cạnh những kết quả và thành tựu 40 năm qua, quá trình xây dựng, phát triển xã nhà trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển và mong muốn, của các tầng lớp Nhân dân. Đó là: chưa phát huy tốt tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế xã nhà nhanh, bền vững; năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng nhiều loại cây trồng còn thấp; giá cả và đầu ra sản phẩm nông nghiệp bấp bênh. Phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch còn khó khăn, chưa tạo được nền tảng thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khác. Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu; quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực thiếu chặt chẽ. Đời sống của một bộ phận Nhân dân còn khó khăn, thực trạng xã nhà vẫn là xã nghèo, chậm phát triển.
Để phát huy những kết quả đạt được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Đông Tiến xác định cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
Một là, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm, vai trò tiên phong, gương mẫu và đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên; giữ vững đoàn kết thống nhất, kỷ luật kỷ cương, kiên quyết chống mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.
Hai là, chú trọng công tác quán triệt sâu kỹ, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước sát với điều kiện thực tế tình hình của xã.
Ba là, tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư của cấp trên và không ngừng phát huy nội lực, không trông chờ uỷ lại cấp trên.
Bốn là, thường xuyên phát động mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động lớn do cấp trên phát động, nhất là phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” trong các tầng lớp Nhân dân, quyết tâm giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới.