Chị Bùi Thị Kim Ngọc- Niềm tự hào của phong trào văn nghệ quần chúng huyện Hàm Thuận Bắc

  • /
  • 6.6.2012 - 16:58

Trưởng thành từ phong trào Hoa phượng đỏ của huyện khi còn là học sinh, chị Bùi Thị Kim Ngọc ở thôn Phú Hòa xã Hàm Trí được xem là niềm tự hào của phong trào văn nghệ quần chúng ở huyện Hàm Thuận Bắc. Những tác phẩm nghệ thuật do chị biên đạo và dàn dựng luôn mang giá trị nghệ thuật cao bởi sự mới mẻ, trẻ trung và lột tả được hơi thở cuộc sống. Với sự nhiệt tình, sáng tạo, luôn hướng đến cái mới, cái gần gũi chân chất đời thường, chị đã tiếp sức cho phong trào văn nghệ quần chúng ở nhiều địa phương phục hồi và phát triển.

Chị Ngọc sinh năm 1972, lúc còn nhỏ sống ở thị trấn Ma Lâm. Năm 12 tuổi khi còn là học sinh, chị là một trong những nhân tố chính của phong trào văn nghệ Hoa phượng đỏ của huyện. Năm 1983, chị đạt giải nhì đơn ca tại Hội diễn Hoa phượng đỏ. Với niềm đam mê ca hát, không chỉ hát hay, chị còn múa giỏi, nên hầu như các hoạt động sân khấu văn nghệ ở lứa tuổi học sinh chị đều đăng kí tham gia, vừa biểu diễn, vừa làm người dẫn chương trình.

Chị Bùi Thị Kim Ngọc (áo đen).

Học hết lớp 9 chị Ngọc ở nhà phụ gia đình. Chị cho biết, hồi đó không hiểu sao mình không có động lực học văn hóa nên mới nghỉ sớm, giờ thì lại thấy tiếc. Nghỉ học, chị Ngọc đi học nghề uốn tóc và dành thời gian nhiều hơn cho phong trào văn nghệ. Gần như các chương trình hội diễn, hội thi văn nghệ ở địa phương chị đều tham gia. Nhờ có giọng hát hay, múa dẽo và động viên, giúp đỡ của các anh chị ở Phòng Văn hóa thông tin huyện như tiếp thêm tinh thần, chị tham gia hăng say hơn và ngày càng trưởng thành. Năm 1992 chị đạt giải nhất hội thi đơn ca không chuyên toàn huyện với bài hát “Một thoáng quê hương”. Không chỉ tham gia và đạt thành tích cao tại các hội thi, hội diễn tại huyện, chị còn là người đại diện cho huyện, tỉnh tham gia liên hoan, hội diễn tại tỉnh và khu vực. Bằng sự sáng tạo và niềm đam mê nghệ thuật, chị Ngọc đã gặt hái nhiều thành công khi là một diễn viên nghệ thuật không chuyên. Năm 1992 cũng với bài hát “Một thoáng quê hương” sáng tác của Từ Huy, chị đạt giải A đơn ca tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh. Năm 1993 chị tiếp tục dành giải A đơn ca tại Hội diễn nghệ thuật lực lượng vũ trang tỉnh với bài hát “Đường trường sơn xe anh qua”. Năm 1995 chị là một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu đại diện cho tỉnh đi dự đại hội thanh niên tiên tiến toàn quốc tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2000 chị là thành viên của đoàn nghệ thuật không chuyên tỉnh Bình Thuận tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội nông dân toàn quốc tổ chức tại Hà Nội.

Sau những thành công trên sân khấu của một diễn viên không chuyên, chị Ngọc tập trung lo phát triển kinh tế, chăm sóc gia đình. Cuối năm 1995 chị mở tiệm uốn tóc kết hợp với cho thuê đồ cưới và chụp ảnh tại ngã ba 21 xã Hàm Trí. Từ đó sân khấu văn nghệ quần chúng ở huyện Hàm Thuận Bắc không còn thấy giọng ca mượt mà và những động tác múa mềm mại của chị. Chị tâm sự, vắng sân khấu nhiều lúc cũng thấy buồn, nhưng tuổi mình lớn rồi, nhường sân cho các em trẻ.

Dù chia tay sân khấu, nhưng niềm đam mê nghệ thuật trong chị vẫn luôn cháy bỏng. Ngoài đầu tư cho tiệm uốn tóc của mình, chị dành thời gian tâm huyết cho hoạt động nghệ thuật với vai trò là biên đạo. Hễ tổ chức, cá nhân có đề nghị giúp xây dựng một chương trình sân khấu tham gia hội thi hoặc liên hoan, chị sẵn sàng nhận lời. Khi xác định chủ đề, chị nghiên cứu, sưu tầm những bài hát, bài múa phù hợp. Chị Ngọc cho biết, tìm chọn những bài hát trình bày thì dễ, nhưng để tìm được bài múa là cả một nghệ thuật. Thường những bài múa của chị thường xuất phát từ cảm hứng hoặc một sự tình cờ nào đấy, nhưng nó không bao giờ rời ra khỏi tính giản dị, gần gũi với cuộc sống đời thường. Nhiều lúc chỉ cần một hình ảnh triển lãm, một bài phóng sự trên tivi, một bài báo vô tình đọc được, chị có thể hình thành nên một tác phẩm nghệ thuật. Trong một lần đang ngồi nói chuyện với bạn, tình cờ nhặt một tờ báo ai để gió bay, trong tờ báo có một bài viết về “vàng trắng Bình Thuận” chị liền liên tưởng đến cây cao su đang có ở các xã vùng cao Đông Giang, La Dạ, thế là chị dàn dựng một tác phẩm múa có tựa đề“Khơi nguồn vàng trắng” nói về về sự phát triển cây cao su ở Hàm Thuận Bắc. Tác phẩm của chị đoạt giải xuất sắc ngay từ hội thi CNVC – LĐ huyện Hàm Thuận Bắc năm 2006. Hay tác phẩm múa, “Thắm tình quân dân”, nói về những anh bộ đội Cụ Hồ không quản ngại khó khăn, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai; tác phẩm “Hoa nắng” đề cập đến nghề sản xuất bánh tráng truyền thống ở thị trấn Phú Long; tác phẩm “Quả bạc” nói về nghề ấp trứng; tác phẩm “Rồng lửa” nói về cây thanh long…

Khi tôi hỏi, chị có qua khóa học nào về biên đạo không mà chị lại dàn dựng được những tác phẩm hay và ý nghĩa vậy. Chị cười, không có lớp nào cả, mình làm bằng kinh nghiệm có được từ khi cùng đàn anh, đàn chị biểu diễn trên sân khấu, với lại không có thời gian để đi học. Mình nghĩ sao thì làm vậy, nhưng làm nghệ thuật bản thân không bao giờ đi trên nền của người khác, mình phải tự nghĩ ra và đầu tư nghiêm túc vào nó thì sẽ mang lại kết quả. Mà muốn có được tác phẩm hay, bắt buộc phải chịu khó “động não”, nhiều lúc đang kết áo cô dâu cũng nghĩ, nấu ăn cũng nghĩ. Nhưng cái khó nhất chính là chuyển từ ngôn ngữ, hình ảnh đời thường sang ngôn ngữ nghệ thuật. Chị Ngọc đã thành công với vai trò là biên đạo cho các chương trình nghệ thuật không chuyên ở cơ sở, chính là gắn kết một cách hài hòa cuộc sống đời thường vào nghệ thuật sân khấu.

Hồi còn trẻ chị rất thích hát những ca khúc do Thắng Liêm, Đỗ Quang Vinh sáng tác vì âm hưởng, giai điệu của nó rất gần gũi với cuộc sống. Sau này khi là người hướng dẫn, chị thường chọn cho thí sinh của mình những bài hát mang đậm nét quê hương và truyền thống của địa phương.

Vài năm gần đây cuộc sống gia đình chị không suôn sẻ, chị dành tâm huyết nuôi 3 đứa con gái đang học tiểu học và Trung học cơ sở. Tiệm cho thuê đồ cưới được đầu tư khang trang, khánh hàng đến với chị ngày càng đông, thời gian và công việc khá bận rộn nhưng chị vẫn dành cho nghệ thuật khi có lời đề nghị. Mới đây chị cùng đội văn nghệ của Trường THPT Hàm Thuận Bắc tham gia hội diễn nghệ thuật không chuyên ngành Giáo dục Bình Thuận năm 2012, chị dàn dựng 3 tác phẩm, gồm đơn ca, múa và hợp ca, thì cả 3 đều đạt giải, trong đó có tác phẩm múa Bosanư đạt giải nhì. Ăn ở tại Phan Thiết gần 3 ngày, công việc ở nhà bề bộn, nhưng chị không dám bỏ, phải ở lại “kèm” diễn viên, sợ các em thức khuya, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng biểu diễn.

Yêu và tâm huyết với nghệ thuật là những điều thấy được ở chị Ngọc. Cách đây hơn chục năm, khán giả thường nhìn thấy chị trên sân khấu văn nghệ quần chúng với những ca khúc mềm mại, mang đậm nét quê hương, cùng những điệu múa dẻo dai, uyển chuyển, thì nay chị vẫn thường xuyên lên sân khấu nhưng đứng ở phía sau hậu kì, chị đang hà hơi, tiếp sức, dìu dắt đàn em của mình vì sự phát triển phong trào nghệ thuật quần chúng của quê hương./.           

                                                                                                            Bài và ảnh Thành Khoa.


  • |
  • 1030
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO