Đẩy mạnh công tác vận động quần chúng tham gia xây dựng nông thôn mới

  • /
  • 28.7.2012 - 8:54

Hàm Thuận Bắc là huyện miền núi của tỉnh, diện tích gần 1.283 km2, địa bàn hành chính chia thành 15 xã và 2 thị trấn. Dân số hơn 168 ngàn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số 12.815 người, chiếm 7,6% dân số toàn huyện, sống tập trung chủ yếu tại 3 xã thuần (La Dạ, Đông Giang, Đông Tiến) và 5 thôn xen ghép (thôn 3-Ma Lâm, Lâm Giang-Hàm Trí, Lâm Thuận-Hàm Phú, Dân Hiệp-Thuận Hoà, Kukê-Thuận Minh). Lực lượng lao động gần 102 ngàn người, chủ yếu là lao động nông nghiệp với hơn 72 ngàn người, chiếm 71%.

 

Toàn huyện có 15 xã triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; trong đó Hàm Trí được chọn là 1 trong những xã điểm của Tỉnh. Mục tiêu đến năm 2015, có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Hàm Trí, Hàm Phú và Hồng Sơn; dự kiến đến năm 2020, đạt thêm 5 xã Hàm Đức, Hàm Thắng, Hàm Hiệp, Hàm Liêm và Hàm Chính.

Trên cơ sở quán triệt các quan điểm chỉ đạo của trên, đó là: 1Xây dựng “nông thôn mới” là cuộc vận động phong trào cách mạng toàn diện, có ý nghĩa lớn nhằm tạo chuyển biến sâu sắc trong kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, cải thiện bộ mặt nông thôn theo hướng văn minh, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với đô thị; 2Xây dựng “nông thôn mới” là nhiệm vụ lâu dài, phải thực hiện thường xuyên, kiên trì, đồng bộ với quyết tâm cao; 3Xây dựng “nông thôn mới” là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó người dân là chủ thể; chú ý huy động tối đa các nguồn lực, nhất là nguồn lực tại chỗ với phương châm “Nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết”, các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở tăng cường công tác vận động quần chúng tham gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật trên một số mặt công tác sau đây:

Về công tác tuyên truyền, vận động. Tổ chức quán triệt, học tập đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước, của UBND tỉnh về xây dựng nông thôn mới cho cán bộ chủ chốt các cơ quan, ban ngành, Mặt trận, đoàn thể huyện; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND và cán bộ chủ chốt các xã. Thông qua hệ thống truyền thanh của huyện và các xã; cũng như lồng ghép trong hội họp, sinh hoạt các đoàn thể và thôn, tổ tự quản để tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và phổ biến cho đoàn viên, hội viên và nhân dân, nhất là các nội dung theo Sổ tay hướng dẫn xây dựng nông thôn mới (cấp xã) của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và tài liệu hỏi-đáp về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ. Đồng thời, có chú ý tuyên truyền thông qua hình thức trực quan; đến nay, 15/15 xã đã xây dựng cụm panô tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới ở trung tâm xã và các khu dân cư tập trung. Qua tuyên truyền, vận động đã góp phần nâng nhận thức của cán bộ đảng viên, đoàn viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, từng bước phát huy ý thức trách nhiệm của mọi người trong tham gia xây dựng quê hương.

Tập trung triển khai phong trào thi đua “chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, nhất là thi đua giữa xã này với xã khác và giữa các thôn trong xã với nhau nhằm tạo không khí thi đua sôi nổi, thực hiện tốt những công trình cụ thể, thiết thực, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra. Đến nay, 15/15 xã đã hoàn thành việc phát động phong trào thi đua; qua đó, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng và khơi dậy ý thức tự giác, tích cực, chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới trong cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân.

Thường xuyên vận động, hướng dẫn nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi gắn với mở rộng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả trên một đơn vị diện tích; đồng thời đầu tư vốn phát triển ngành nghề, thương mại, dịch vụ để nâng cao thu nhập. Đẩy mạnh phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” theo hướng thực chất; chỉ đạo xây dựng ở mỗi xã 1 “thôn văn hoá điểm” gắn với thôn điểm xây dựng nông thôn mới để rút kinh nghiệm, triển khai ra các thôn còn lại; tập trung hoàn thiện các tiêu chí “xã văn hoá” ở xã điểm Hàm Trí, năm 2010, được Tỉnh công nhận và giữ vững chuẩn đến nay.

Tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Ban Dân vận Huyện ủy ban hành kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2015.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện xây dựng kế hoạch phối hợp tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 gắn với đẩy mạnh phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Hội Nông dân huyện ban hành kế hoạch thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Huyện đoàn và Phòng Nông nghiệp-phát triển nông thôn đề ra chương trình phối hợp phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp-phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phong trào thi đua “chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2015.

Các Phòng Kinh tế-hạ tầng, Tài nguyên-môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giáo dục-đào tạo, Trung tâm y tế, Chi cục thống kê, Công an huyện ban hành kế hoạch thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đảng uỷ, Ban Chỉ huy Quân sự huyện ban hành kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “lực lượng vũ trang chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”.

Chú trọng phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Tổ chức tham vấn ý kiến nhân dân về nội dung đồ án quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới; đồng thời thông qua HĐND xã trước khi trình UBND huyện phê duyệt. Công khai kết quả khảo sát, đánh giá hiện trạng nông thôn và đồ án, đề án được duyệt để nhân dân biết, thực hiện. Tạo điều kiện cho dân bàn bạc, lựa chọn công trình bức xúc để đầu tư; gắn với thành lập Ban giám sát nhân dân để giám sát việc triển khai công trình, từ khâu lập dự toán thiết kế đến thi công và quyết toán công trình, nhất là giám sát việc huy động, sử dụng vốn đầu tư và bảo đảm chất lượng công trình. Đồng thời phát huy vai trò của nhân dân trong công tác quản lý nhằm phát huy hiệu quả sử dụng.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các thành phần kinh tế và nhân dân tự nguyện đóng góp để xây dựng kết cấu hạ tầng dân sinh, kinh tế-xã hội ở địa bàn dân cư, nhất là giao thông nông thôn. Từ đầu năm đến nay, đã huy động trong dân và doanh nghiệp 900 triệu đồng để làm mới 2 cầu và sửa chữa trên 42 km đường; triển khai thi công trên 22 km bê tông xi măng, đến nay, huy động vốn trong các thành phần kinh tế và nhân dân gần 5,6 tỷ đồng, đạt 85,4% kế hoạch.

* Có thể nói, nhờ quan tâm công tác vận động quần chúng đã góp phần tích cực thúc đẩy việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nổi bật là, bộ máy tổ chức điều hành từ huyện đến cơ sở được hình thành, đi vào hoạt động; hoàn thành khảo sát, đánh giá hiện trạng nông thôn; triển khai lập đồ án quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới gắn với phát động phong trào thi đua “chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” ở 15/15 xã; tập trung chỉ đạo triển khai ở 3 xã điểm Hàm Trí, Hàm Phú, Hồng Sơn. Qua đó, sản xuất tiếp tục phát triển, cơ cấu cây trồng, con nuôi được chuyển đổi theo hướng tích cực, phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng; hạ tầng thiết yếu được đầu tư tăng thêm; lĩnh vực văn hoá-xã hội được đầu tư chăm lo nhiều hơn; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn; đời sống phần đông nhân dân ổn định, một bộ phận có cải thiện.

Tuy nhiên, triển khai thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới chậm. Chỉ mới tập trung đầu tư hạ tầng, trọng tâm là giao thông; chưa quan tâm đúng mức đến các nội dung khác, đặc biệt là các tiêu chí không cần đầu tư nhiều kinh phí. Huy động nguồn lực trong dân và các nguồn vốn khác còn thấp, chưa tương xứng tiềm năng, nhất là vốn góp trong dân theo quy chế dân chủ. Vai trò chủ thể của người dân chưa được phát huy; một bộ phận cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân chưa tích cực hưởng ứng, tham gia xây dựng nông thôn mới, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước.

Tình hình trên có phần khách quan; nhưng về chủ quan, chủ yếu do nhận thức về ý nghĩa, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của các cấp, các ngành chưa đầy đủ nên lúng túng trong cụ thể hoá và chỉ đạo thực hiện. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới chưa thường xuyên, chưa sâu sắc trong cán bộ đảng viên và nhân dân.

Để khắc phục những khuyết điểm, hạn chế trên, thời gian tới, cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác vận động quần chúng tham gia xây dựng nông thôn mới như sau:

Trước hết, các cấp, các ngành phải tiếp tục quán triệt và nhận thức đầy đủ, sâu sắc chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho mọi người hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung xây dựng nông thôn mới nhằm tạo sự đồng thuận trong cộng đồng; qua đó, khơi dậy ý thức tự giác, chủ động tham gia của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân; chú ý xác định mục tiêu, nội dung, đối tượng và phương pháp vận động quần chúng một cách cụ thể, thiết thực nhằm nâng hiệu quả công tác này.

Đi đôi với việc quán triệt, tuyên truyền, cần phát động phong trào thi đua “chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” sâu rộng trong các cấp, các ngành và toàn xã hội. Tiếp tục vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất nhằm tăng thu nhập, nâng cao mức sống; tích cực tham gia xây dựng “thôn văn hoá” điểm, gắn với điểm xây dựng nông thôn mới. Quá trình đó, cần phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên để quần chúng noi theo.

Mặt khác, phối hợp các xã xây dựng kế hoạch giữ vững các tiêu chí đã đạt và có kế hoạch đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí còn lại, trước hết là những tiêu chí không cần đầu tư nhiều kinh phí. Đồng thời, khẩn trương rà soát, phân loại rõ công trình do ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% hoặc hỗ trợ một phần và công trình đầu tư 100% vốn ngoài ngân sách theo Quyết định 695, ngày 08/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng kế hoạch phân kỳ đầu tư cụ thể từng năm; trên cơ sở đó, có biện pháp tranh thủ kịp thời vốn hỗ trợ của cấp trên và chủ động tổ chức huy động các nguồn vốn khác và bằng nhiều hình thức phù hợp, vận động nhân dân đóng góp theo quy chế dân chủ để triển khai thực hiện.

Cùng với nguồn vốn ngân sách hỗ trợ, phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhằm phát huy chủ thể của người dân trong tham gia xây dựng quê hương và tạo sự đồng thuận trong xã hội để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, mọi người dân ủng hộ và chia sẽ trách nhiệm với Nhà nước trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện. Chú ý phát hiện, nhân rộng kịp thời các mô hình hay, gương điển hình tiên tiến; đồng thời vinh danh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là ở vùng nông thôn, vùng còn nhiều khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào làm giao thông nông thôn theo Nghị quyết 10 của Huyện uỷ; khơi dậy, phát huy ý thức tự giác tự nguyện góp công, góp sức, tiền của từ các thành phần kinh tế và nhân dân để thực hiện.

* Làm tốt công tác vận động quần chúng tham gia xây dựng nông thôn mới sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy “sản xuất mau phát triển, đời sống nhanh ổn định, xóm làng luôn bình yên, niềm tin mãi vững bền”./.

Tôn Toại


  • |
  • 781
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO