Đổi thay ở Đa Mi

  • /
  • 3.8.2012 - 9:32

Được thành lập cách đây 10 năm, từ một xã bộn bề khó khăn và phức tạp về an ninh trật tự, xã Đa Mi huyện Hàm Thuận Bắc giờ đây đã có những đổi thay tích cực, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Đa Mi được biết đến không chỉ là trung tâm thủy điện tỉnh Bình Thuận mà còn là vùng canh chuyên canh cà phê, sầu riêng.

Là địa hình vùng cao, toàn đồi núi, khoảng cách từ xã đến các thôn khá xa, có nơi trên 20 km, giao thông đi lại khó khăn, nhưng nhờ cần mẫn, chắt chiêu từng đồng vốn để đầu tư sản xuất mà nhiều hộ dân ở đây đã vượt qua đói nghèo, cuộc sống ngày càng ổn định. Hiện ở xã Đa Mi có trên 300 hộ được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó 55 hộ đạt danh hiệu cấp huyện.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Đức ở thôn La Dày, quê gốc ở Thanh Hóa, khi còn là thanh niên, anh vào Lâm Đồng làm thuê cho các nhà vườn cà phê, năm 1997 anh lần tìm đến Đa Mi quyết chí thay đổi cuộc sống. Ban đầu anh mua lại rẫy của đồng bào dân tộc, rồi đưa vợ con vào dựng lều làm nơi ở để khai hoang vùng đất mới. Để lấy ngắn nuôi dài, anh trồng bắp, trồng mè, thu hoạch được anh đầu tư trồng càfê. Đầu tiên anh trồng 1 ha cà phê rồi trồng xen canh các loại hoa màu. Sau 3 năm vườn cây cà phê cho thu hoạch, lời được bao nhiêu, vợ chồng anh mua thêm đất trồng tiếp cây cà phê, đồng thời xen canh các loại cây khác như sầu riêng, măng cụt, bơ. Không dừng lại ở đó, anh đầu tư chuồng trại chăn nuôi heo, kết hợp nấu rượu và đào ao thả cá. Hiện gia đình anh có 3.000 gốc cà phê, hơn 100 cây sầu riêng, 100 cây măng cụt cho thu hoạch. Cùng với đó 3 sào ao thả cá rô phi, cá chép, cá trê, cá trắm, trong chuồng nuôi vài chục con heo. Với mô hình khép kín này, mỗi năm vợ chồng anh Đức lãi trên 200 triệu đồng. Vợ chồng anh Đức luôn thấy hạnh phúc từ nơi ở mới

Cây sầu riêng.

Anh Đức cho biết, cái khó của người dân Đa Mi giờ không phải là kinh tế mà là vấn đề văn hóa. Do địa hình, đường xá khó khăn nên trẻ em ở đây rất thiệt thòi, nhiều khi thất học nếu cha mẹ các em không quyết tâm. Gia đình anh có 2 con gái, đều phải gửi lên thành phố Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng để đi học, vài tháng mới về thăm nhà một lần. Cả ngày vợ chồng cặm cụi ngoài vườn, nhiều lúc nhớ con cũng đành chịu, vì tương lai con trẻ nên phải chấp nhận. Đồ ăn, thức uống thì khỏi phải nói, ở càng xa thì chi phí càng đắt đỏ, nhất là thịt, cá.

Đầu năm 2002, xã Đa Mi huyện Hàm Thuận Bắc được thành lập trên một phần diện tích tách ra từ xã vùng cao La Dạ, sau khi nhà máy thủy điện Đa Mi hoạt động. Xã Đa Mi có diện tích tự nhiên 14.500 ha, chủ yếu là đất đồi và đất rừng

Khi thành lập, Đa Mi có 421 hộ, 1.003 khẩu, các hộ dân sống rãi rác theo sườn núi và dọc các tuyến giao thông. Đa số người dân ở đây là dân di cư tự do của 57 tỉnh, thành trong cả nước. Trước đây họ tìm đến Đa Mi chủ yếu là làm công nhân cho các công trình thủy điện, sau đó thấy điều kiện thuận lợi nên ở lại lập nghiệp, cũng không ít trường hợp vì cuộc sống ở quê quá khó khăn, quyết tìm vùng đất mới để sinh cơ, lập nghiệp.

Với khí hậu quanh năm mát mẻ và lạnh vào mùa đông, vùng đất Đa Mi rất thích hợp cho phát triển các loại cây công nghiệp, đặc biệt là cà phê, sầu riêng. Hiện toàn xã có gần 1.300 ha cà phê, trên 300 ha sầu riêng và nhiều diện tích cây ăn quả khác. Vài năm gần đây giá cà phê, sầu riêng, hồ tiêu tăng cao, thu nhập của người dân nơi đây được cải thiện đáng kể. Vợ chồng chị Trần Thị Xuyên, tuổi đời còn khá trẻ, nhưng giờ là chủ của một vườn sầu riêng và cà phê 4 ha ở thôn La Dày, mỗi năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng.

Ngoài phát triển nông nghiệp, đặc biệt là kinh tế vườn, kinh tế trang trại, thương mại, dịch vụ ở Đa Mi cũng có sự chuyển biến tích cực. Hiện toàn xã có 4 doanh nghiệp hoạt động và gần 60 hộ buôn bán kinh doanh, chủ yếu dọc theo các tuyến giao thông. Bên cạnh đó hệ thống hạ tầng cơ sở cũng được quan tâm đầu tư, nhất là tuyến quốc lộ 55 đang được nhà nước nâng cấp, mở rộng, tạo thuận lợi cho việc giao thương phát triển sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.  Ông Huỳnh Anh Vũ- Chủ tịch UBND xã Đa Mi cho biết, trở ngại lớn nhất ở Đa Mi hiện nay là đất đai chưa được chuyển dịch nên khó khăn cho việc đầu tư phát triển các công trình hạ tầng và kích thích sản xuất trong nhân dân. Bên cạnh vấn đề về trật tự xã hội, nhất là tình hình tranh chấp, sang nhượng đất đai trái phép và khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. UBND xã đang kiến nghị tỉnh và huyện quan tâm chuyển dịch đất, tạo điều kiện cho người dân ổn định sản xuất, đồng thời tăng cường giải quyết những vấn đề xã hội nổi lên.

Với khí hậu trong lành, mát mẽ quanh năm, những vườn cây ăn quả trĩu cành, dòng nước mát trong vắt chảy ra từ những khe núi của thác 9 tầng, thật sự là điểm du lịch hấp dẫn cho những ai muốn tìm đến thiên nhiên. Đa Mi trung tâm thủy điện của tỉnh Bình Thuận, vùng đất mới với kinh tế chính là trang trại, nhưng cũng có thể phát triển những ngành kinh tế khác, đó là du lịch sinh thái. Đa Mi sau hơn 10 năm thành lập đang có những diện mạo mới, kinh tế phát triển, một số tiềm năng, lợi thế được phát huy, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện, trật tự xã hội cơ bản ổn định, Đa mi đang đổi thay và từng bước hòa nhập vào sự phát triển chung của huyện nhà./. 

                                                                   Thành Khoa


  • |
  • 811
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO