Nói đến công việc là nói đến hoạt động và hiệu quả của hoạt động đó. Để nâng cao chất lượng hoạt động, trước hết, các CĐCS phải gắn việc đổi mới nội dung với phương thức hoạt động, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ cơ bản của tổ chức công đoàn, căn cứ vào các chương trình hoạt động của Công đoàn cấp trên và bám sát vào nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị theo kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Định kỳ, các CĐCS cần đánh giá kết quả phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn, tổng kết công tác thi đua khen thưởng, xây dựng chương trình nhiệm vụ cho năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, chọn những việc trọng tâm cần tổ chức triển khai trong từng tháng, từng quý hoặc vào dịp các ngày kỷ niệm lịch sử của đất nước, của dân tộc hoặc của ngành, địa phương mình.
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động CĐCS trước tiên, việc tổ chức sinh hoạt thường xuyên là yếu tố rất cần thiết. Đó cũng là một trong các điều kiện cơ bản để đánh giá công đoàn cơ sở vững mạnh. Thực tế cho thấy, CĐCS nơi nào có nội dung sinh hoạt đa dạng, phong phú và hấp dẫn thì công đoàn nơi đó có phong trào CNVCLĐ sôi nổi, phong phú, tinh thần dân chủ được phát huy. Ngược lại, những CĐCS tổ chức sinh hoạt nội dung chưa tốt, thể hiện qua loa, đại khái, ít người quan tâm bàn bạc, thảo luận đến nội dung hoạt động của công đoàn thì ở những nơi đó, hoạt động công đoàn rất mờ nhạt hoặc kém hiệu quả. Điều cần chú ý là, trong mỗi kỳ sinh hoạt, Ban Chấp hành Công đoàn cần nắm bắt tâm tư nguyện vọng, tìm hiểu hoàn cảnh của CNVCLĐ; nhắc nhở đoàn viên thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm trong công tác, cải tiến lề lối làm việc, xây dựng nếp sống văn hóa nơi công sở hoặc chấp hành nghiêm túc kỷ luật, nội quy lao động, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thực hành tiết kiệm, giảm các chi phí hành chính... và mỗi kỳ sinh hoạt, nên tập trung vào những nội dung cơ bản, không nên dàn trải nhiều hoặc rập khuôn cứng nhắc, lấy CNVCLĐ làm trung tâm nhằm phát huy trí tuệ cá nhân thành sức mạnh tập thể. Đó là điều cốt lõi trong nâng cao chất lượng sinh hoạt CĐCS. Đối với công đoàn cấp trên cơ sở, trước khi tổ chức sinh hoạt, Ban Thường vụ Công đoàn nhất thiết phải họp trước để bàn kỹ nội dung của cuộc họp, điều hành linh hoạt, rõ ràng. Trong sinh hoạt cần tạo bầu không khí cởi mở, dân chủ để đoàn viên gắn bó với tổ chức Công đoàn... Có như vậy, công đoàn mới phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.
Thi ẩm thực tại Liên hoan “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” huyện Hàm Thuận Bắc.
Tùy theo từng loại hình mà có những hoạt động cụ thể, thiết thực. Ví dụ trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, một trong các công việc CĐCS cần chú trọng là phối hợp chuyên môn tổ chức tốt hội nghị cán bộ, công chức, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong động của cơ quan, vận động cán bộ, CNVCLĐ thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước do cơ quan, đơn vị hoặc Công đoàn các cấp phát động. Đối với các CĐCS tại doanh nghiệp, cần phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng và ký kết Thỏa ước lao động tập thể, tổ chức ký kết giao ước thi đua với “năng suất - chất lượng - sáng kiến - tiết kiệm - an toàn vệ sinh lao động” trong CNVCLĐ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và doanh nghiệp.
Để xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, công đoàn cấp trên cơ sở có nhiệm vụ hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ cơ bản, cụ thể theo từng chuyên đề công tác công đoàn nhằm giúp cán bộ công đoàn cơ sở biết cách tổ chức sinh hoạt, biết cách hoạt động, biết cách báo cáo, thông tin hai chiều; đồng thời thực hiện chức năng trung tâm là đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động. Bên cạnh đó, Công đoàn cấp trên cần tập trung hướng dẫn, chỉ đạo CĐCS tham gia quản lý và kiểm tra giám sát có hiệu quả việc thực hiện pháp luật lao động, chế độ chính sách có liên quan trực tiếp đến người lao động; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, chăm lo đời sống của CNVCLĐ...
Nói về con người, ở đây muốn nói đến cán bộ CĐCS. Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “Có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong”. Chính vì vậy, CĐCS chỉ thật sự vững mạnh khi Ban Chấp hành công đoàn là một tập thể đoàn kết, thống nhất, chịu khó học tập, rèn luyện, có phương pháp hoạt động phù hợp, sáng tạo. Bản thân cán bộ công đoàn phải có lối sống trong sáng, giản dị, biết đồng cam cộng khổ, hòa đồng với đoàn viên lao động, được đoàn viên lao động tin tưởng, tín nhiệm... Bên cạnh đó, người cán bộ công đoàn phải là người gương mẫu trước tiên trong học tập, trau dồi, rèn luyện bản thân để có được “cái tâm và cái tầm”, phải xây dựng cho mình một phong cách làm việc khoa học, sâu sát như Bác Hồ đã dạy: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Có như vậy mới thật sự làm đúng, làm đủ, làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình được quy định bởi Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Làm được điều này công đoàn mới thực sự là tổ ấm, là chỗ dựa vững chắc, đáng tin cậy của đoàn viên và người lao động.
Khen thưởng cho các gia đình tại cuộc thi ẩm thực Liên hoan “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”.
Có thể nói, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh là một nhiệm vụ quan trọng của cơ quan, của lãnh đạo công đoàn cũng như của từng đoàn viên lao động. Qua đó, công đoàn cơ sở tiếp tục phát huy chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để đóng góp cùng chuyên môn hoàn thành nhiệm vụ được giao./.