Tin tức

Hội đồng nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc tăng cường hoạt động giám sát; coi trọng việc cải tiến và nâng chất lượng tiếp xúc cử tri

Hoạt động giám sát là một trong những chức năng quan trọng của Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, trong những năm qua HĐND huyện Hàm Thuận Bắc đã tổ chức và thực hiện khá tốt hoạt động giám sát theo chương trình, kế hoạch đã đề ra. Hàng năm, căn cứ chương trình hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND huyện và các Ban của HĐND huyện chủ động xây dựng chương trình giám sát trong năm và hàng quý, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, bức xúc, dư luận quan tâm để giám sát. 

Đ/c Võ Văn Thanh – Phó Bí thư thường trực Huyện ủy tiếp xúc cử tri xã Hàm Phú.

Tính từ tháng 11/2007 đến tháng 8/2016 Thường trực HĐND và các Ban của HĐND huyện đã tổ chức 167 đợt giám sát ở các xã, thị trấn và các cơ quan chuyên môn của huyện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có 36 đợt giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ở các xã, thị trấn, góp phần chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế thiếu sót trong quá trình triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các xã, thị trấn. Sau mỗi đợt giám sát có thông báo kết quả và yêu cầu khắc phục những khuyết điểm thiếu sót. Tính đến nay, cơ bản các nội dung kiến nghị sau giám sát đều được giải quyết, kết quả đó góp phần vào hiệu quả chung của hoạt động HĐND huyện, đồng thời giúp cho công tác điều hành của UBND huyện được tốt hơn.

Việc cải tiến, nâng chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND huyện và xã, thị trấn là một trong những nhiệm vụ và giải pháp mà Thường trực HĐND huyện thường xuyên quan tâm chỉ đạo và phối hợp thực hiện trong nhiệm kỳ qua, xem đây là cầu nối quan trọng nhất giữa đại biểu với cử tri đã bầu ra mình, do đó trong những năm gần đây đại biểu HĐND mở rộng địa bàn tiếp xúc cử tri đến tận thôn, xóm, tạo thuận lợi cho cử tri có điều kiện gặp gỡ tiếp xúc với đại biểu. Thông qua đó đại biểu nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri để đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, từ đó đã tạo được niềm tin giữa cử tri với đại biểu. Trong những năm qua hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp được đại biểu HĐND huyện và xã, thị trấn thực hiện khá tốt. Trên cơ sở thông báo liên tịch giữa Thường trực HĐND và Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và xã, thị trấn, các Tổ đại biểu HĐND họp Tổ để thống nhất nội dung, phân công đại biểu báo cáo với cử tri. Qua tiếp xúc cử tri, các đại biểu nghiêm túc lắng nghe, ghi chép đầy đủ, giải thích và tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện và xã, thị trấn đều được đại biểu chuyển đến UBND huyện và xã, thị trấn xem xét, giải quyết. Việc đôn đốc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri được các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND quan tâm theo dõi, giám sát thường xuyên trong kỳ họp và trong thời gian giữa hai kỳ họp. Đặc biệt, trong năm 2013 Thường trực HĐND huyện phối hợp với Tổ trưởng các Tổ đại biểu HĐND huyện tổ chức giám sát tại 17/17 xã, thị trấn về tình hình kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền, qua giám sát đã kịp thời kiến nghị các ngành, các cấp quan tâm tập trung giải quyết những kiến nghị bức xúc, chính đáng liên quan đến đời sống của người dân, nhờ vậy đến nay qua rà soát kết quả giải quyết đạt trên 80%/ tổng số ý kiến của cử tri, số ý kiến còn lại chủ yếu liên quan đến kinh phí nên khó khăn và chậm được giải quyết. Nhìn chung, việc nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, giải quyết kiến nghị của cử tri luôn được coi trọng và tăng cường hơn trước, lấy cử tri làm trung tâm trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu, đồng thời nhờ có sự phối hợp chặt chẽ Thường trực HĐND, UBND và Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ huyện đến xã, thị trấn; sự giám sát, phản ảnh kịp thời, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và cử tri, góp phần tạo chuyển biến tích cực trên nhiều mặt của huyện nhà.

Để thực hiện tốt hơn nữa hoạt động giám sát và việc cải tiến, nâng chất lượng tiếp xúc cử tri trong thời gian tới, HĐND huyện Hàm Thuận Bắc cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ và giải pháp sau: Thứ nhất, Thường trực HĐND và các Ban của HĐND, cần phải xem công tác giám sát là một việc làm thường xuyên. Căn cứ vào Nghị quyết của HĐND tại mỗi kỳ họp và chương trình công tác của HĐND giữa hai kỳ họp, Thường trực HĐND và các Ban của HĐND chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, trong đó xác định và chọn những vấn đề, nhóm vấn đề trọng tâm, bức xúc đang đặt ra mà dư luận và nhân dân quan tâm hoặc những vấn đề còn bất cập, hạn chế đang diễn ra ở các địa phương trên các lĩnh vực để tổ chức giám sát sâu. Thứ hai, cần phải nghiên cứu đổi mới về phương thức, hình thức giám sát, tăng cường trách nhiệm, vai trò giám sát của từng đại biểu, Tổ đại biểu HĐND huyện. Sau mỗi đợt giám sát phải có thông báo đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế để kiến nghị các đơn vị chịu sự giám sát, các cơ quan, tổ chức liên quan, đề ra biện pháp và thời gian khắc phục. Thứ ba, thực hiện tốt việc tái giám sát, nghĩa là phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát xem các ý kiến, kiến nghị cử tri, ý kiến chất vấn, kiến nghị sau giám sát đã được giải quyết đến đâu, để có cơ sở đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục giải quyết đạt kết quả tốt nhất. Thứ tư, nâng cao nhận thức, trách nhiệm phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể về tầm quan trọng trong việc tiếp xúc cử tri, hàng năm duy trì sơ kết công tác phối hợp 3 bên giữa Thường trực HĐND, UBND và Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác phối kết hợp tổ chức tiếp xúc cử tri; đồng thời, sau mỗi đợt tiếp xúc cử tri nên họp để rút kinh nghiệm. Thứ năm, căn cứ vào nội dung từng kỳ họp để lựa chọn hình thức, địa điểm, thời gian và thành phần cử tri tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri cho phù hợp và có hiệu quả. Công tác phối hợp tổ chức mời cử tri phải được quan tâm đúng mức, kết hợp bằng nhiều hình thức, nhất là thường xuyên sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng. Tại mỗi điểm tiếp xúc cử tri nên có từ 2-3 đại biểu HĐND, có sự tham gia của lãnh đạo chủ chốt địa phương cấp huyện và một số phòng, ban để ghi nhận và trực tiếp trả lời kiến nghị của cử tri theo thẩm quyền. Có thể kết hợp để đại biểu HĐND cấp tỉnh với huyện, hoặc huyện với xã cùng tiếp xúc cử tri, sau đó tổng hợp, phân loại ý kiến để xử lý. Quan tâm phối hợp đôn đốc, giám sát kịp thời việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng bức xúc của cử tri để tạo niềm tin giữa cử tri với đại biểu. Thứ sáu, mỗi đại biểu HĐND phải thực hiện tốt hơn nữa vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình trước cử tri, từ đó nghiên cứu nắm vững các chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và tình hình của địa phương, đồng thời thường xuyên gặp gỡ tiếp xúc, trao đổi với cử tri nơi trúng cử, nắm chắc tình hình để kiến nghị cơ quan chức năng xem xét giải quyết nhằm đáp ứng với nguyện vọng của đại đa số cử tri./.


Các tin khác