Tin tức

ĐỒNG BÀO K’HO HUYỆN HÀM THUẬN BẮC GIẢM NGHÈO NHỜ TRỒNG LÚA NƯỚC, BẮP LAI

  • /
  • 8.11.2010 - 0:0

Đông Tiến, Đông Giang và La Dạ là 3 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Hàm Thuận Bắc, chủ yếu là dân tộc K’ho. Cả 3 xã có 1.596 hộ/6.546 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc K’ho chiếm hơn 90% dân số. Từ khi Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số, nhất là từ năm 2002 thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, đồng bào K’Ho được đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay bộ mặt cả 3 xã Đông Tiến, Đông Giang và La Dạ đã có nhiều đổi thay và ngày càng khởi sắc.

Một sự chuyển đổi lớn, có ý nghĩa sâu sắc là đồng bào đã bỏ Trong ảnh: Đồng bào K’ho thu hoạch bắp laitập quán, du canh du cư với cây lúa rẫy trồng theo phương thức canh tác lạc hậu để chuyển sang trồng cây lúa nước, bắp lai, nuôi bò Laisind, heo đen và gà thả vườn an toàn sinh học, gắn với ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm, đồng bào 3 xã đã sản xuất trên 100 ha lúa nước, năng suất bình quân đạt 45 đến 50 tạ/ha; gieo trồng trên 1.000 ha cây bắp lai, năng suất bình quân 50 tạ/ha, có nơi đạt 60 đến 65 tạ/ha, sản lượng từ 5.000 đến 6.000 tấn. Nhờ đạt sản lượng lương thực cao, nên từ năm 2007 đến nay, cả 3 xã không còn hộ đói. Riêng xã Đông Tiến từ năm 2004 đã tự túc được lương thực tại chỗ, không còn nhờ đến sự hỗ trợ của nhà nước.

Điểm nhấn quan trọng cho thành quả lớn trong sản xuất nông nghiệp vửa qua là sự nổ lực vươn lên của đồng bào, song phải nói đến sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc đầu tư chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Có thể nói cả hai mặt chuyển đổi cây trồng, con nuôi gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật là khâu đột phá cho phát triển sản xuất vùng cao. Từ khi có Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy đến nay, Khuyến nông tỉnh, huyện đã tổ chức 156 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho trên 4.680 lượt đồng bào tham dự, gắn với xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình trồng bắp lai, lúa nước, chăn nuôi bò Laisind, heo đen, gà thả vườn an toàn sinh học đạt hiệu quả. Ông B′Rông Ngôn nông dân xã La Dạ khẳng định: “ Từ khi có Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, đồng bào được tập huấn kỹ thuật trồng lúa nước, bắp lai, chăn nuôi bò, heo... đồng bào còn được cán bộ nông nghiệp huyện, tỉnh trực tiếp cầm tay chỉ việc nên đã tiếp thu được kiến thức khoa học kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, đồng bào K’ho chúng tôi đã no cái bụng, không đi phá rừng nữa…”.

Kinh tế phát triển, dẫn đến đời sống tinh thần của đồng bào được cải thiện đáng kể. Đến nay, bình quân trong 3 xã, số hộ có xe máy đạt 72%, số hộ có ti vi đạt 81%, số hộ có hố xí hợp vệ sinh đạt 70%, số hộ được sử dụng điện đạt 95%. Hàng năm có khoảng 74% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Đặc biệt nhờ sản xuất cây lúa nước, bắp lai đến nay số hộ nghèo dân tộc thiểu số ở 3 xã giảm nhanh. Tính đến đầu năm 2010, Đông Tiến còn 21/217 hộ, chiếm 9,6%. La Dạ còn 244/731 hộ, chiếm 33,38% và Đông Giang còn 76/648 hộ, chiếm 11,7%. Nếu so với thời điểm năm 2002 (khi chưa thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy) thì xã Đông Tiến giảm được 82 hộ, Đông Giang giảm được 202 hộ và La Dạ giảm được 243 hộ.

Đồng chí K’Văn Gòn, Bí thư Đảng ủy xã Đông Tiến cho biết: “Trong những năm qua, đồng bào K’ho ở 3 xã vùng cao được nhà nước quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nhất là từ năm 2002 thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Điều đáng nói nhất là đồng bào biết chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, biết ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc trồng cây lúa nước, bắp lai, chăn nuôi bò Laisind…nhờ vậy mà đời sống của đồng bào K’ho được cải thiện rõ rệt, không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm nhanh và tiến tới thoát nghèo trong thời gian gần đây…”.

Để đồng bào K’ho nhanh chóng thoát nghèo, theo chúng tôi cần thực hiện một số giải pháp. Trước hết, cần vận động những người từ 18 đến 45 tuổi chưa biết chữ đi học các lớp bổ túc văn hóa nhằm nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào. Ngành Giáo dục huyện cần tăng cường mở các lớp bổ túc văn hóa cho những người chưa biết chữ học tập. Khi đã có văn hóa, Trung tâm dạy nghề huyện cần tổ chức mở các lớp dạy nghề phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo cho đồng bào có nghề phụ, có việc làm để tăng thêm thu nhập cải thiện đời sống. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư các dịch vụ thương mại và mở ra các ngành nghề phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương như nghề Mây tre đan, Dệt thổ cẩm... Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí mua sắm công cụ cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch lúa,…Giải quyết cho đồng bào ứng trước vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; cung cấp giống cây trồng, con nuôi bảo đảm năng suất, chất lượng. Quan tâm đào tạo cán bộ kỹ thuật trồng trọt, thú y cho xã. Tiếp tục thực hiện các chương trình khuyến nông, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, gắn với xây dựng và nhân rộng các mô hình có hiệu quả trong trồng trọt và chăn nuôi./.

Đỗ Khắc Thể


  • |
  • 774
  • |

Các tin khác