Tin tức

Ít nhất mỗi tháng người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, huyện phải dành 1 ngày tiếp dân

Ngày 18/2/2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 11-QĐ/TW về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý phản ánh, kiến nghị của dân.

Theo đó, người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện định kỳ mỗi tháng phải dành ít nhất 1 ngày, người đứng đầu cấp ủy cấp xã dành ít nhất 2 ngày để tiếp dân. Ngoài tiếp dân định kỳ hàng tháng, người đứng đầu cấp ủy các cấp phải tiếp dân đột xuất trong các trường hợp sau: Vụ việc nổi cộm, phức tạp, kéo dài, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau; vụ việc có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh tiếp dân, định kỳ quý I, 6 tháng, 9 tháng, năm, hoặc đột xuât người đứng đầu cấp ủy trực tiếp làm việc với bí thư cấp ủy cấp dưới trực tiếp và thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị cùng cấp có liên quan về tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, xử lý, giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân đồng thời báo cáo tình hình, kêt quả tiếp dân và xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân cho cấp có thẩm quyền theo quy định.

Việc tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân, phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyên vọng của dân; dân chủ, công tâm, khách quan, kịp thời, đúng phạm vi thẩm quyền; trình tự thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân; bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn cho người dân phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định.


Các tin khác