Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng cao dân tộc thiểu số ở Hàm Thuận Bắc

  • /
  • 8.11.2010 - 0:0

Những năm đầu sau giải phóng hoạt động giáo dục ở vùng cao Huyện Hàm Thuận Bắc hầu như không có gì. Trước tình hình đó, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đã quyết tâm chỉ đạo các cấp, các ngành, Mặt trận, đoàn thể đưa “cái chữ lên non”, như là một hình thức “đền ơn đáp nghĩa” đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã một lòng sắt son theo cách mạng trong hai cuộc kháng chiến; đồng thời để mở mang dân trí, giúp xã đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao sớm thoát nghèo, tiến kịp miền xuôi.

Cùng với cơ chế, chính sách phát triển giáo dục ở vùng cao của UBND Tỉnh, ngành giáo dục Hàm Thuận Bắc đã làm nồng cốt phối hợp tốt với chính quyền xã, các ngành, Mặt trận, đoàn thể… động viên đội ngũ giáo viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt việc giảng dạy. Tổ chức thăm hỏi giáo viên vào các dịp lễ, tết, giải quyết tốt các chế độ chính sách cho giáo viên và học sinh. Khi giáo viên ở vùng cao đủ thời gian công tác được ưu tiên chuyển công tác đến nơi có điều kiện thuận lợi về cuộc sống và gia đình. Ngành giáo dục Hàm Thuận Bắc liên kết, mời gọi sự giúp đỡ các tổ chức xã hội, các trường lớn trong Tỉnh hỗ trợ giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần cho học sinh, giáo viên vùng cao dân tộc thiểu số như tặng quần áo, sách vỡ, ghế ngồi, xây nhà ăn, nhà công vụ, kinh phí… vì vậy, đã giúp cho nhiều trường vùng cao có điều kiện vươn lên.

Phòng Giáo dục-Đảo tạo huyện đã tham mưu cho UBND huyện tập trung đầu tư kinh phí xây dựng, tu sửa trường lớp vùng cao bằng 1,5 lần so với vùng đồng bằng. Phân công lãnh đạo Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện trực tiếp chỉ đạo hoạt động các trường vùng cao. Định kỳ tổ chức kiểm tra, giúp đỡ về chuyên môn cho giáo viên. Kêu gọi các giáo viên có tay nghề cao, tình nguyện đến giúp đỡ, hướng dẫn nghiệp vụ cho giáo viên.

Năm 2000-2001, xã Đông Giang chính thức có trường trung học cơ sở, với 2 lớp 6, gồm 88 học sinh. Đây là trường trung học cơ sở đầu tiên của Tỉnh ta ở các xã vùng cao và có trường mẫu giáo với 3 lớp có 60 học sinh.

Đến nay, tất cả cơ sở vật chất các trường học khá khang trang, đủ phòng học và tiến dần đến việc học hai buổi ở một số lớp học. Các xã vùng cao đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Các xã vùng cao của huyện có 10 trường, gồm 3 trường mầm non, 4 trường tiểu học, 3 trường trung học cơ sở với tổng số 77 lớp và 1.803 học sinh. Năm năm gần đầy, tỷ lệ trẻ vào học lớp một từ 99 đến 100%, tỷ lệ trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo hơn 90%. Học sinh bỏ học giảm đáng kể ,chỉ còn khoảng 5-7%.

Hiện nay, ngành Giáo dục Hàm Thuận Bắc đang tập trung nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao, chủ yếu là nâng cao chất lượng giảng dạy, tổ chức phụ đạo và dạy thêm buổi.

Những thành quả đã đạt được đối với giáo dục các xã vùng cao dân tộc thiểu số ở Hàm Thuận Bắc là do sự quan tâm của toàn xã hội và quyết tâm của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền. Cùng với sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ quản lý trường học và sự hy sinh thầm lặng của các giáo viên vùng cao trong thời gian qua.

Tất cả điều đó, đã và đang góp phần phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng cao dân tộc thiểu số huyện Hàm Thuận Bắc./.

Thanh Xuân


  • |
  • 774
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO