TẾT LÚA MẸ CỦA NGƯỜI K’HO

  • /
  • 12.1.2011 - 0:0

Hàng năm, mỗi dân tộc ở huyện Hàm Thuận Bắc ăn tết khác nhau. Người Kinh có Tết Nguyên đán, người Chăm có Tết Ka Tê, người K’ho có Tết Đầu lúa (Tết Lúa Mẹ)…Tết của người K’ho được tổ chức vào tháng 10 khi vụ mùa đã thu hoạch xong và đó là Tết Lúa Mẹ.

Tết Lúa Mẹ của người K’ho, đồng bào chúc nhau bằng câu chúc hết sức độc đáo, thân mật và quý nhất: “Nhô Brê Rhe” tương tự là “Chúc mừng năm mới”, “Chúc thành đạt và hạnh phúc” của người kinh. Tiếng người K’ho Lúa Mẹ gọi là Pa Thai Yna, là loại lúa chủ lực của người K’ho. Đây cũng là hạt lúa đầu tiên của người K’ho tìm được trong quá trình thuần hóa các loại nông sản trước đây. Đặc điểm của giống Lúa Mẹ là hạt to gấp gần 2 lần lúa thường. Lúa Mẹ có 11 loại và màu sắc khác nhau, có loại màu nâu, tím, vàng, đen, trắng bóng…quá trình từ lúc trồng lúa đến khi thu hoach trải qua nhiều giai đoạn với nhiều tục lễ cúng khác nhau. Người K’ho trồng Lúa Mẹ bằng cách chọc lỗ, gieo hạt. Khi gieo hạt, đồng bào đem theo thịt, rượu lên rẫy tế lễ và sau khi cúng xong cùng ăn uống no say. Khi lúa mẹ bắt đầu làm đòng, kết hạt, đồng bào lại tiếp tục đem rượu, thịt lên cúng để được thần lúa phù hộ mong được mùa bội thu. Sau thời điểm thu hoạch lại cúng lúa và đó là Tết Lúa Mẹ hay còn gọi là Tết Đầu Lúa, Tết Lúa Mới.

Thu hoạch Lúa Mẹ rất công phu, không được dùng liềm, hái để cắt lúa mà phải dùng tay tuốt từng bông lúa nhẹ nhàng. Đồng bào thường đeo chiếc gùi trước bụng để tiện hứng những hạt lúa được tuốt ra khỏi thân rạ. Sau đó, rạ cũng được nhổ cả gốc và mang lên làm lễ vật cúng cùng hạt lúa. Các loại xôi, bánh tét, cơm lam dùng trong ngày lễ tết phải được làm từ hạt lúa mẹ đã giã thành gạo. Hàng năm, đồng bào gieo Lúa Mẹ từ tháng 4 và thu hoạch vào tháng 10 trong năm. Những năm trước và sau giải phóng có những hộ trồng Lúa Mẹ giỏi, trồng khoảng 5 giạ giống, tương đương với 60 kg và thu hoạch khoảng 50 gùi lúa, mỗi gùi tương đương khoảng 20 kg. Đồng bào tuyệt đối không bao giờ bán lúa Mẹ, chỉ để ăn hay biếu họ hàng, người thân và khách quý.

Ngày nay, đồng bào tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật, hăng hái chuyển đổi cây trồng, con nuôi đạt hiệu quả kinh tế, trong đó chuyển mạnh trồng cây bắp lai trên đất rẫy, chỉ còn một số ít diện tích trồng lúa Mẹ không để bị mất giống.

Mỗi năm cứ đến tháng 10 (lịch của người K’ho) sau khi thu hoạch lúa xong đồng bào tổ chức lễ đón lúa về hay còn gọi là Tết Lúa Mẹ. Tháng 10 là tháng cuối năm, lúc này mọi cây trái trong vườn, trên rẫy đã thu hoạch xong. Tùy theo từng nhà, mỗi nhà chọn một ngày trong tháng tổ chức cúng lúa về và cũng là đón Tết. Trước tiên là cúng lúa Mẹ sau là cúng thấn lúa và người đã khuất để cầu mưa thuận gió hòa, gia đình bình an. Tùy hoàn cảnh của từng nhà mà tổ chức đón tết từ 2 đến 3 ngày. Mâm lễ vật thịnh soạn được trình bày ra và chủ nhà mời đủ họ hàng và bà con thôn, bản cùng đến chung vui và ai náy đều vấn khăn hoặc choàng khăn truyền thống rực rở sắc màu để cùng nhau ăn uống no say, cùng nhau nhảy múa nhịp nhàng theo tiếng khèn bầu pha lẫn tiếng trống và đồng la, tạo không khí vui vẻ, đoàn kết xóm làng. Khi đến nhà khác cũng phải tổ chức tương tự và cứ như vậy cho đến hết cả nhà trong thôn, bản.

Người K’ho cho rằng; Nếu cả làng đón tết cùng ngày thì mất vui vì không mời được họ tộc, người thân và bà con thôn, bản đến dự tết của nhà mình. Chính vì vậy, mỗi nhà đón tết vào thời gian khác nhau hợp lý.Ngày nay, trong điều kiện đời sống của đồng bào K’ho được cải thiện và một bộ phận vươn lên khá giả nên việc tổ chức cúng lúa Mẹ với qui mô lớn và kéo dài hơn.

Tập tục cúng lúa Mẹ theo từng nhà nhưng gắn kết cả cộng đồng dân cư với những nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc K’ho cần được phát huy.

Đỗ Khắc Thể


  • |
  • 676
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO