Những chuyển biến trong công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

  • /
  • 9.1.2014 - 14:10

Qua gần 1 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ chính trị (khóa XI) và Chương trình hành động 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội(BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012 -2020 ở huyện Hàm Thuận Bắc, đã có những chuyển biến tích cực trong việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

 Kết quả và những chuyển biến bước đầu

Các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và hiệu quả hơn công tác BHXH, BHYT; các ban ngành liên quan đã có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn và bản thân BHXH huyện có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, thực hiện tốt các chế độ cho người lao động và tích cực vận động các đối tượng tham gia BHXH, BHYT.

Bệnh viện huyện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, BHYT.

Năm 2013, đã khai thác phát triển mới 6 đơn vị, với 77 lao động, nâng lên 236 đơn vị, với 103.562 người tham gia BHXH, BHYT; trong đó chỉ tham gia BHYT là 2.756 người. Đến nay, nếu tính cả số lao động, học sinh làm việc và học tập ngoài địa bàn huyện thì tỷ lệ lao động tham gia BHXH đạt khoảng 11,5% số lao động toàn huyện; tỷ lệ người tham gia BHYT đạt 58% dân số toàn huyện. Các đối tượng là học sinh, hộ gia đình tham gia BHYT tăng 6% đến 8%; riêng hộ cận nghèo được tăng mức hỗ trợ BHYT từ 70% lến 85% nên tỷ lệ tham gia BHYT tăng 17,7%. Tổng số thu BHXH, BHYT hơn 98 tỷ đồng, tăng 43% so năm 2012 và vượt 5,6% so với chỉ tiêu Tỉnh giao. Ngân sách huyện ưu tiên giải quyết BHXH, BHYT nên số nợ đọng giảm đáng kể so với năm trước. BHXH huyện thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ cho người lao động và thường xuyên theo dõi, giám sát việc khám chữa bệnh BHYT; không để xảy ra sai sót, tiêu cực. Bệnh viện huyện nâng dần chất lượng khám,chữa bệnh BHXH cho người dân.Có thể nói cả hệ thống chính trị đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức trách nhiệm và tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 21 của Bộ chính trị và Chương trình hành đông 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, bước đầu đạt được những kết quả khả quan; thể hiện sự quan tâm, chăm lo cuộc sống của người dân, nhất là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế trên quê hương Hàm Thuận Bắc.

Tồn tại và thách thức

Nhận thức của một bộ phận chủ sử dụng lao động, người lao động và nhân dân về BHXH, BHYT còn hạn chế. Một số chủ sử dụng lao động cố tình không tham gia BHXH, BHYT cho người lao động hoặc chỉ tham gia cầm chừng mang tính đối phó, một số khác để nợ đọng BHXH, BHYT với số tiền lớn, thời gian kéo dài. Thách thức lớn nhất là số người tham gia BHXH còn thấp (11,5% số lao động), khoảng cách khá xa so với mục tiêu đề ra đến năm 2020 (50% số lao động). Tỷ lệ người tham gia BHYT cũng còn thấp (58%) so với mục tiêu đề ra đến năm 2020 (trên 80% dân số).

Để Nghị quyết 21 của Bộ chính trị thực sự đi vào cuộc sống, còn nhiều việc phải làm, trước hết khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế nêu trên; bản thân ngành BHXH cố gắng cũng chưa đủ mà cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn của cả hệ thống chính trị và cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội mới có thể vượt qua thách thức, hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2020.

Lê Thương


  • |
  • 940
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP BÁC

QUẢNG CÁO