Tin tức

Nghĩ về trách nhiệm của người giảng viên lý luận chính trị

Nghề giáo là nghề từ xưa tới nay đều được xã hội tôn vinh: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Ngày nay, Đảng, Nhà nước, xã hội và người dân cũng rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục; ghi nhận, biết ơn công lao và những đóng góp to lớn sự nghiệp “trồng người” của đội ngũ các thầy, cô giáo; đồng thời nâng tầm giáo dục đào tạo là “quốc sách hàng đầu” nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

Lớp đảng viên mới.

Hàng năm, vào ngày 20 tháng 11, mọi người đều nghĩ về kỷ niệm Ngày Hiến chương các Nhà giáo Việt Nam, truyền thống tôn sư trọng đạo đã in đậm vào tiềm thức con người Việt Nam từ bao đời nay. Tôi thật tâm đắc câu nói của Bác Hồ: “Nghề thầy giáo là nghề cao quý trong những nghề cao quý”. Thế hệ các nhà giáo Việt Nam đều đánh giá cao vị trí, vai trò của đội ngũ giáo viên, những người làm công tác giáo dục trong sự nghiệp đào tạo lớp người lao động mới vừa có đức, vừa có tài xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây cũng là ngày để thầy giáo, cô giáo nói chung và những người làm công tác giáo dục chính trị nói riêng vinh dự và tự hào về nghề nghiệp trồng người cao quý, càng phải ý thức sâu sắc về trách nhiệm vẻ vang và nhiệm vụ nặng nề, tiếp tục phát huy những truyền thống, không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực để xứng đáng với niềm tin yêu của chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa đã hằng căn dặn: “Vì lợi ích mười năm trồng cây và vì lợi ích trăm năm trồng người.

Phải thật sự nói rằng, nghề giáo nói chung là một sự đòi hỏi khắc khe, nhưng đối với giảng viên chính trị còn khó hơn. Bởi, đây là nơi đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở. Ngoài trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp sư phạm, sự hiểu biết chính trị xã hội, vốn sống và kinh nghiệm giảng dạy lý luận chính trị, đòi hỏi người giảng viên chính trị cần phải có phương pháp tư duy và bám sát thực tiễn cuộc sống nhiều, bởi đặc điểm của lý luận chính trị rất trừu tượng. Vì vậy, người giảng viên trong quá trình giảng bài phải có cách thức thể hiện cho học viên dễ hiểu và vận dụng xử lý linh hoạt những vấn đề đặt ra trước thực tế cuộc sống vốn rất phong phú đa dạng.

Trách nhiệm của người giảng dạy lý luận chính trị là phải tích cực vượt khó để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng sư phạm; tu dưỡng đạo đức trong sáng, yêu nghề, tận tụy với công việc, khiêm tốn học hỏi…đây là những nội dung không mới, ai cũng thấy được điều đó. Cuộc sống luôn thay đổi, đòi hỏi phải tiến lên nếu không sẽ tụt hậu, không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy. Vì vậy, chỉ có con đường nỗ lực phấn đấu học tập, tu dưỡng rèn luyện tốt để hoàn thành nhiệm vụ.

Để xây dựng, nâng cao tính trách nhiệm, Trước hết, người giảng viên phải là một tấm gương sáng từ lời nói đến việc làm; có kiến thức chuyên môn vững, gắn lý luận với thực tiễn, luôn chủ động, tự giác và sáng tạo. Bởi vì, đối tượng dự học rất đa dạng về độ tuổi, trình độ chuyên môn, công việc thì đa phần đã kinh qua công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở. Vì vậy, giảng viên phải nắm chắc đặc điểm đối tượng giảng dạy để xác định mình phải làm gì để đáp ứng yêu cầu của người học. Cho nên, người giảng viên phải nỗ lực vượt khó, khiêm tốn học hỏi, xây dựng ý chí, lòng tự tin. Nghiêm túc tự giác trong nghiên cứu, sưu tầm xử lý tư liệu, thông tin để phục vụ tốt khâu soạn giảng; cập nhật thông tin kịp thời những sự kiện diễn biến trong nước, trên thế giới và ngay tại địa phương để dẫn dắt thông tin cho bài giảng thêm phong phú, sinh động. Thứ hai, đề cao tính trách nhiệm đòi hỏi giảng viên phải xây dựng tinh thần yêu nước, yêu CNXH vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; đồng thời phê phán những biểu hiện sai trái, dao động, hoài nghi về con đường đi lên CNXH; phủ nhận thành quả của CHXN, chủ nghĩa Mác – Lênnin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lịch sử Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thứ ba, trên lĩnh vực tư tưởng lý luận đòi hỏi người giảng viên phải có nhãn quan chính trị mẫn cảm, lập trường quan điểm cùng với bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng; đồng thời phải thường xuyên tu dưỡng rèn luyện, xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; gần gũi giúp đỡ, động viên người học. Bên cạnh đó phải tuyên truyền giáo dục hệ chuẩn mực giá trị xã hội cho người học như: những giá trị chuẩn mực về lao động, đề cao giá trị lao động với mỗi con người; chuẩn mực về đạo đức, giáo dục truyền thống đoàn kết, tình yêu quê hương, đất nước, thủy chung, tính trách nhiệm…; hệ chuẩn mực về pháp luật, làm cho mọi người sống, hành động theo pháp luật.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, trước vận hội, thời cơ và thách thức, trách nhiệm của người giảng viên lý luận chính trị nói chung, đội ngũ giảng viên và giảng viên kiêm chức ở Trung tâm bồi dưỡng chính trị nói riêng là hết sức nặng nề, với nhiệm vụ là đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân để củng cố niềm tin một lòng với Đảng và kiên định con đường đi lên CNXH, góp phần xây dựng địa phương cùng đất nước không ngừng lớn mạnh./.


Các tin khác