Tin Tức

Hàm Thuận Bắc: Kết quả qua 10 năm thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị.

Qua 10 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khoá XI), dưới sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền địa phương, Mặt trận, đoàn thể chính trị xã hội cấp huyện, cấp xã và Ban công tác Mặt trận thôn, khu phố, các tổ, hội ở địa bàn dân cư đã vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia vào các hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội với nhiều kết quả nổi bật.

Ngay sau khi tiếp thu Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 48-CT/TU, ngày 17/02/2014 và Kế hoạch 107-KH/TU, ngày 15/4/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các cấp ủy cơ sở tổ chức quán triệt cho 2.753/2.790 đảng viên, cán bộ, công chức và trưởng, phó thôn, khu phố, trưởng ban công tác mặt trận, các đoàn thể. Ngoài ra, mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội ở cơ sở bằng những hình thức phù hợp đã tuyên truyền tài liệu hỏi- đáp về thực hiện giám sát, phản biện xã hội do Ban Dân vận Tỉnh uỷ phát hành cho hơn 60.151 đoàn viên, hội viên, tạo được sự đồng thuận cao trong đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân.

Hội Nghị phản biện Dự thảo kế hoạch của UBND huyện

Thực hiện Quy định số 1415-QĐ/TU và Hướng dẫn số 08-HD/TU, ngày 19/8/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện một số nội dung trong Quyết định 217 của Bộ Chính trị (khóa XI) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; Ban Thường vụ Huyện uỷ ban hành Quyết định 647-QĐ/HU, ngày 08/9/2014 quy định về công tác dân vận tham gia trong quy hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội; công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn huyện; chỉ đạo Ban Dân vận Huyện ủy ban hành Hướng dẫn số 02 về quy trình tổ chức giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội trên địa bàn huyện, tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Quyết định số 107-QĐ/HU quy định về hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt nam, các đoàn thể chính trị- xã hội huyện; Công văn số 818-CV/HU về triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị- xã hội.

Định kỳ, vào kỳ họp giao ban khối dân vận quý III hàng năm, Thường trực Huyện ủy chỉ đạo Mặt trận, các đoàn thể huyện căn cứ vào việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và đa số Nhân dân, nhất là những vấn đề nổi lên được nội bộ và Nhân dân quan tâm lựa chọn nội dung giám sát gởi cho Ban Dân vận Huyện ủy thẩm định và điều phối nhằm tránh chồng chéo về nội dung và đối tượng giám sát trước khi trình Thường trực Huyện ủy phê duyệt vào tháng 12. Từ năm 2013 đến nay, Thường trực Huyện ủy đã định hướng 65 nội dung để Mặt trận, các đoàn thể huyện giám sát UBND huyện và các cơ quan, đơn vị thuộc huyện, UBND cấp xã với các nội dung như: Công tác giải quyết đơn thư của công dân; công tác cấp quyền sử dụng đất; công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; công tác giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; đào tạo nghề... Đối với 17/17 xã, thị trấn, trên cơ sở phê duyệt của cấp ủy, mặt trận các đoàn thể đã tổ chức được 745 cuộc giám sát đối với chính quyền cùng cấp và ban điều hành thôn, khu phố, trường học ...

Kết quả thực hiện giám sát, phản biện xã hội:

Về giám sát xã hội: Từ năm 2015 đến nay, Mặt trận, các đoàn thể huyện đã tiến hành 87 cuộc giám sát đối với UBND huyện, một số cơ quan đơn vị thuộc huyện và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn. Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội ở 17/17 xã, thị trấn tổ chức được 788 cuộc giám sát đối với chính quyền và Ban điều hành thôn, khu phố, trường học trong việc bình xét xây, sửa nhà cho hộ nghèo, thu chi các khoản đóng góp của Nhân dân, thực hiện chính sách an sinh xã hội... Nhìn chung, Mặt trận các đoàn thể từ huyện đến cơ sở đều thực hiện cơ bản đúng quy trình giám sát theo Hướng dẫn số 02 của Ban Dân vận Huyện ủy; chất lượng các cuộc giám sát ngày một nâng lên, thể hiện qua giám sát, đối tượng giám sát và chủ thể giám sát đã thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát, thống nhất những kết quả đạt được và những hạn chế, tồn tại cần khắc phục; kết thúc giám sát, chủ thể giám sát ban hành thông báo kết luận và theo dõi việc thực hiện của đối tượng giám sát; đối tượng giám sát tích cực đưa ra các giải pháp để khắc phục và báo cáo kết quả cho chủ thể giám sát. Nhờ vậy nên tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của từng cán bộ, công chức ở cơ quan là đối tượng giám sát được nâng lên.

Về phản biện xã hội: Thời gian qua, mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội huyện đã đã tổ chức được 10 cuộc phản biện các văn bản dự thảo của Huyện ủy, UBND huyện, như: Kế hoạch của Huyện ủy thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2025; Kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện Chương trình hành động số 07-NQ/TU, ngày 25/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 05-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW Bộ Chính trị (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới; Đề án của UBND huyện về đầu tư xây dựng công trình thoát nước khu dân cư giai đoạn 2019-2020 theo phương châm “Nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ” trên địa bàn huyện; Đề án của UBND huyện về thực hiện nạo vét ao, bàu bị bồi lắng trên địa bàn huyện, giai đoạn 2022-2025 và dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 10/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình thuận (khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững có giá trị tăng cao theo sự chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy; Kế hoạch của UBND huyện về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch của Huyện ủy (khóa XII) về thực hiện một số chủ trương, giải pháp nâng cao đời sống nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 11/11/2022 của Tỉnh ủy và dự thảo Kế hoạch của UBND huyện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc;... Việc tổ chức phản biện của mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội huyện cơ bản đạt được yêu cầu đề ra; hầu hết các ý kiến sau phản biện được các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản tiếp thu và điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện qua tổng hợp kết quả phản biện trước khi trình tổ chức có thẩm quyền quyết định.

Quá trình triển khai thực hiện Quyết định 217 của Bộ chính trị trên địa bàn huyện vẫn còn những khó khăn, hạn chế: Việc quán triệt, nắm bắt nội dung Quyết định 217 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở nhiều cấp uỷ cơ sở và Mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội chưa đầy đủ nên còn lúng túng trong quá trình vận dụng và tổ chức thực hiện, chưa thật sự chủ động xác định nội dung, đối tượng giám sát; còn rập khuôn theo tổ chức cấp trên của mình; một số cấp uỷ không nắm chắc quy định nên việc chỉ đạo, định hướng công tác giám sát còn lúng túng, chủ thể giám sát ở một số nơi thực hiện chưa đúng quy trình; việc tổ chức giám sát theo kế hoạch có lúc còn chậm hoặc thực hiện không đầy đủ theo chương trình được phê duyệt; chưa mạnh dạn tổ chức giám sát đối với cá nhân theo quy định; UBND một số xã, thị trấn chưa tạo điều kiện thuận lợi về mặt kinh phí để mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội thực hiện công tác giám sát theo quy định; nội dung, phương pháp phản biện của mặt trận, đoàn thể huyện chưa đi vào chiều sâu và chưa tuân thủ đầy đủ nội dung, quy trình phản biện ban hành kèm theo Quyết định số 107 của Ban Thường vụ Huyện ủy; Mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội cơ sở chưa nắm vững quy định, quy trình của hoạt động phản biện xã hội nên chưa thực hiện được; việc theo dõi, đôn đốc khắc phục những kiến nghị qua giám sát chưa được quan tâm đúng mức.

Để đạt được những kết quả nêu trên trong thời gian qua có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, Thường trực cấp ủy, người đứng đầu chính quyền, các cơ quan nhà nước và mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội từ huyện đến cơ sở phải nắm vững các quy định, hướng dẫn của trên về công tác giám sát, phản biện xã hội để chỉ đạo, định hướng và triển khai thực hiện cho đúng quy trình, quy định.

Thứ hai, ngay từ cuối năm trước, từng cấp ủy phải định hướng nội dung giám sát, phản biện để các tổ chức có liên quan chủ động xây dựng kế hoạch xác định nội dung, đối tượng, công tác phối hợp nhằm tránh sự chồng chéo trong tổ chức thực hiện; đồng thời quan tâm đôn đốc việc thực hiện của các cơ quan có thẩm quyền sau giám sát, phản biện.

Thứ ba, Mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội huyện nên tổ chức rút kinh nghiệm về hoạt động giám sát và phản biện trong hệ thống tổ chức mình nhằm phát huy đúng mức vai trò của từng tổ chức đối với các hoạt động trên; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức mình ở cơ sở để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tổ chức thực hiện tốt chức năng của mình./.


Các tin khác