Tin tức

Tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao phát triển sản xuất và đời sống

  • /
  • 1.3.2012 - 15:49

Chăm lo đến sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng cao được huyện Hàm Thuận Bắc xem là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và rất có ý nghĩa. Những năm qua huyện tập trung chỉ đạo các ngành liên quan, nhất là ngành nông nghiệp có kế hoạch, giải pháp để tập trung giúp cấp ủy, chính quyền và đồng bào DTTS ở các xã vùng cao Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ có điều kiện thuận lợi trong phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.

Để chuẩn bị cho các mùa vụ sản xuất, hàng năm cấp ủy các xã vùng cao chỉ đạo cho đoàn thanh niên giúp bà con phát dọn rẫy, gia cố lại các bờ ruộng hư hỏng do chuột đào phá, nạo vét các tuyến kênh mương từ các hồ chứa dẫn vào đồng ruộng. Trong quá trình chăm lo bà con sản xuất, huyện tăng cường hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật cho đồng bào. Tăng cường hướng dẫn đồng bào ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư thâm canh để nâng năng suất cây trồng. Ngay từ đầu mùa vụ năm 2011, huyện đã chỉ đạo thực hiện hợp đồng vốn trung tâm dịch vụ miền núi tỉnh đầu tư ứng trước giống, phân cho 1000 hộ để phục vụ sản xuất 1.572 ha. Trong đó 166 hộ ứng trước lúa giống sản xuất trên 87ha; 834 hộ ứng trước bắp giống sản xuất 1.484 ha. Ngoài ra Trung tâm dịch vụ miền núi cấp phát 10.306 kg lúa giống xác nhận, 18.400 kg phân bón cho các hộ đồng bào DTTS nghèo sản xuất. Xong vụ hè thu, bà con tiến hành làm đất và xuống giống vụ mùa với diện tích 145 ha. Trong đó 82 ha tại đồng ruộng Salon (Đông Giang), 41 ha tại đồng ruộng Đông Tiến và 22 ha tại đồng ruộng Đaguri (La Dạ).

Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật trong khâu chăm sóc khá tốt, phòng chống dịch bệnh kịp thời nên năng suất các vụ sản xuất lúa của đồng bào DTTS ở 3 xã vùng cao đạt trên 45 tạ/ha, khá hơn nhiều so các mùa vụ năm trước, riêng cây bắp lai tại xã Đông Giang trồng trên 630 ha, năng suất bình quân trên 5 tấn/ha, giá bắp hiện tại 4.200 đồng/kg, đã giúp đồng bào ở đây có thu nhập khá. Triển khai đề án phát triển cây cao su ở vùng cao được huyện quan tâm đẩy mạnh. Năm qua đã trồng mới 139 ha, nâng số diện tích cao su đến nay có gần 215 ha, chủ yếu ở các xã Đông Giang, La Dạ. Hiện có gần 200 ha cao su đã đưa vào khai thác. Trong những ngày đầu năm 2012, bà con đã khai thác trên 27 tấn mủ cao su, thu nhập trên 420 triệu đồng. Nhờ đó đời sống của đồng bào ngày càng phát triển và tiến bộ hơn..

Vụ Đông Xuân 2011- 2012 cũng đã được triển khai xuống giống, tập trung ở Đông Giang, Đông Tiến nhờ có nguồn nước tích trữ tại hồ Sa Lôn và dòng chảy sông CàTót. Riêng tại La Dạ, ngay từ đầu năm, thực hiện kế hoạch mở rộng và phát triển đồng lúa nhằm khai thác mọi tiềm năng đất đai vùng đất này, huyện chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ khai hoang 34ha đồng ruộng Đatrian để đưa vào sản xuất vụ đông xuân. Trà lúa hiện nay phát triển khá tốt, riêng Đông Giang sản xuất trên 50ha lúa Đông Xuân sớm, hiện lúa đang vào thời kỳ trổ đồng báo hiệu một mùa vụ bội thu.

Có thể thấy, diện mạo vùng cao Hàm Thuận Bắc hiện nay đã có những thay đổi với tốc độ đáng kinh ngạc. Từ việc đồng bào thường xuyên sống trong cảnh nghèo khó ăn độn khoai củ, đọt mây, măng và các loại rau rừng, thường xuyên thiếu đói trong mùa giáp hạt của những năm trước đây, thì nay bà con đã có cuộc sống no ấm, dư dả để tích lũy, xây dựng nhà mới cũng như mua sắm các loại tiện nghi đắt tiền, không thua gì mức sống hiện tại ở các vùng đồng bằng trong huyện. Kết quả đó là nhờ sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền mà trực tiếp là huyện Hàm Thuận Bắc trong việc giúp bà con tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là lúa và bắp lai. Khai hoang, san ủi đồng ruộng, xây dựng hồ đập để sản xuất lúa nước, tạo các vùng cao su, các vườn điều bạt ngàn trĩu quả, những đàn heo đen, heo rừng lai, đàn bò, dê…Đó là nền tảng căn bản để đồng bào DTTS vùng cao phát huy phẩm chất cần cù chịu khó, chăm chỉ làm ăn, tạo cho mình một đời sống đủ đầy và phát triển trong hiện tại và tương lai.

                                         Lê Đông

             


  • |
  • 768
  • |

Các tin khác