Tin tức

Phát triển thủy lợi, nền tảng cho sản xuất nông nghiệp bền vững

  • /
  • 11.12.2011 - 8:23

Thủy lợi là yếu tố mang tính sống còn đối với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt khi các địa phương đang hướng đến giải pháp phát triển bền vững nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ở huyện Hàm Thuận Bắc, nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn với gần 80% dân số là nông dân, vì thế một hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh là cơ sở quan trọng, quyết định đến sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Hàm Thuận Bắc nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, một số nơi có lượng mưa trung bình thấp và không đều nhau. Trước đây chưa có các công trình hồ đập thủy lợi như Sông Quao, Suối Đá, sản xuất nông nghiệp của địa phương gặp rất nhiều khó khăn, thường xuyên bị mất mùa. Nhưng từ khi nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Sông Quao với sức chứa trên 73 triệu m3, cùng với các hồ đập và hệ thống kênh mương đã làm thay đổi lớn đối với sản xuất nông nghiệp của địa phương. Từ chỗ chỉ sản xuất 1 vụ bấp bênh, hàng nghìn ha ruộng lúa chuyển sang sản xuất 2-3 vụ ăn chắc. Nhờ chủ động được nguồn nuớc, nông dân đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, ứng dụng tiến bộ kĩ thuật nhờ đó năng suất, chất lượng cây trồng, nhất là cây lúa không ngừng được nâng lên, năm sau, cao hơn năm trước. Năm 2010, sản lượng lương thực toàn huyện đạt trên 153 nghìn tấn. Năm 2011, sản xuất cả 3 vụ đều bội thu, sản lượng lương thực đạt trên 171 nghìn tấn, cao nhất từ trước đến nay. 

Kênh Châu tá-812.
 
Cùng với đầu tư các công trình hồ, đập, hệ thống kênh mương thủy lợi cũng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu dẫn nước tưới tiêu cho nhân dân. Hiện nay toàn huyện có trên 1 triệu km kênh mương, trong đó kênh cấp 1 trên 100 km, kênh cấp 2 là 237,7 km, còn lại là kênh cấp 3 với 195 công trình điều tiết, 321 cống lấy nước. Với hệ thống kênh mương trên đã đáp ứng cơ bản nhu cầu dẫn nước tưới tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Đặc biệt cuối năm 2008, nhà nước đầu tư cho huyện Hàm Thuận Bắc tuyến kênh chính Châu tá-812 với chiều dài hàng chục km, lấy nước xả từ công trình thủy điện Đại Ninh đã tiếp thêm năng lực tưới cho công trình thủy lợi Sông Quao, đồng thời mở ra tương lai tươi sáng cho nền sản xuất nông nghiệp của địa phương. Hiện nay tổng diện tích tưới của các công trình thủy lợi vào khoảng 27,5 nghìn ha lúa, thanh long, rau màu và cấp nước sinh hoạt, nước công nghiệp khoảng 17 triệu m3 mỗi năm.
 
Sông Khán.
 
Ở các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng. Hồ Sông Khán xã Thuận Hòa có năng lực tưới trên 200 ha cây trồng các loại và 50 ha lúa nước cho đồng bào thôn Dân Hòa. Đập Đaguri, đập Đatrian xã La Dạ năng lực tưới khoảng 180 ha lúa. Hồ Saluon xã Đông Giang đảm bảo tươi cho 84 ha lúa. Từ các công trình thủy lợi trên đã giải quyết được một phần nhu cầu nước cho sản xuất ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt từ nguồn nước của các công trình thủy lợi đã giúp đồng bào các xã Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ chuyển từ sản xuất cây lúa rẫy sang lúa nước cho năng suất cao, giúp chủ động được nguồn lương thực tại chỗ, đời sống đồng bào từng bước được cải thiện.
 
Nhờ chủ động nguồn nước, kết hợp với đầu tư thâm canh mà hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện không ngừng tăng lên. Các loại cây trồng chủ lực như lúa, thanh long phát triển nhanh, đã làm thay đổi đáng kể đời sống nhân dân, một bộ phận vươn lên làm giàu với mức thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Tuy nhiên, nhìn chung trên địa bàn huyện hệ thống kênh mương chưa hoàn chỉnh và chưa phủ khắp diện tích đất canh tác hiện có. Vẫn còn 1.700 ha chưa được thuỷ lợi hoá, sản xuất phụ thuộc vào nước trời như khu vực phía Tây quốc lộ 1A thuộc xã Hồng Liêm và một phần xã Thuận Hòa, phần lớn diện tích đất vùng tưới kênh Phú Sơn- Ku kê, Sa Thô- Hàm Trí, Cỏ Mồm- Thuận Minh, và một số nơi thuộc vùng căn cứ kháng chiến cũ. Do không chủ động được nguồn nước sản xuất, nên đời sống phần lớn nhân dân ở các khu vực này còn nhiều khó khăn.
 
Bên cạnh đó, do hệ thống kênh dẫn nước trên địa bàn phần lớn chưa được kiên cố nên hiệu quả tưới không cao. Trong số hơn 1 triệu km kênh mương, hiện chỉ có 39 km tuyến kênh cấp 1 được kiên cố, còn lại là kênh mương đất. Do không được tu bổ, nạo vét thường xuyên nên hạn chế khả năng cấp nước của các công trình thủy lợi. Chưa nói đến tình trạng một số nơi hệ thống kênh mương bị sạt lở, xuống cấp, hoặc bị lấn chiếm vì thế việc dẫn nước, tiêu nước gặp khó khăn, nhất là thời điểm khô hạn, nguồn nước bị thất thoát nhiều.
 
Bên cạnh đó hệ thống tiêu thoát lũ chưa được quan tâm đầu tư hợp lí, công tác kiểm tra, xử lí vi phạm ít được chú trọng, nên tình trạng lấn chiếm dòng chảy để khai thác và sản xuất xảy ra nhiều nơi, làm ảnh hưởng đến việc tiêu lũ. Mặt khác do các yếu tố bất lợi về địa hình nên mỗi khi có mưa lớn, thường xuyên xảy ra ngập úng, gây bức xúc trong nhân dân. Ở các xã vùng cao, do hệ thống kênh mương chưa được hoàn chỉnh và việc san ủi các đồng ruộng để đưa vào sản xuất lúa nước còn chậm, nên chưa phát huy được năng lực tưới của các hồ đập.  
 
Từ những khó khăn trên, vấn đề cần quan tâm hiện nay, ngoài việc đầu tư phát triển các công trình hồ đập thủy lợi, đưa nước đến những vùng thiếu nước, phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, nhà nước cần quan tâm đầu tư đồng bộ hệ thống kênh mương, nhất là hệ thống kênh từ cấp 1 đến cấp 3. Hệ thống kênh mương này cần được kiên cố để phát huy tối đa nguồn nước từ các công trình hồ, đập, để đưa nước vào vùng sản xuất, khắc phục tình trạng thất thoát và sạt lỡ kênh mương, nhằm phát huy tối đa năng lực tưới của các công trình thủy lợi. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, xử lí các trường hợp khai thác tài nguyên, lấn chiếm lòng kênh, bờ sông để khai thông dòng chảy. Cùng với đó đầu tư kinh phí nạo vét lòng sông, kênh mương nhằm đảm bảo tiêu thoát nước vào mùa mưa lũ, góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai và thúc đẩy, nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở địa phương./.

Thành Khoa.


  • |
  • 1348
  • |

Các tin khác