Tin tức

BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG - NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM .

  • /
  • 21.4.2011 - 0:0

Thời gian qua cùng với nhiệm vụ lãnh đạo kinh tế- xã hội, lãnh đạo Đảng và chính quyền tỉnh nhà luôn quan tâm đẩy mạnh phát triển sự nghiệp giáo dục-đào tạo, coi trọng việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các trường học, dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, tình trạng thiếu và không đồng bộ về đội ngũ giáo viên, năng lực học tập của học sinh và trình độ dân trí ở các vùng, miền còn chênh lệch...

Ảnh minh hoạ

Song qui mô và hiệu quả giáo dục luôn phát triển, tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành mục tiêu công tác phổ cập giáo dục ở hai cấp học; có tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT và đậu đại học, cao đẳng luôn ở mức khá so với cả nước; nhiều học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 1/3 dân số trong độ tuổi đến truờng lớp. Hệ thống giáo dục thường xuyên, BTVH, giáo dục nghề, giáo dục cộng đồng mở đến cấp huyện, xã. Tỉnh đã có các truờng cao đẳng, đại học. Số nguời có trình độ sau đại học ngày càng tăng, số sinh viên đang học và đã tốt nghiệp làm việc ở các tỉnh và thành phố Hồ Chí Minh khá đông, sẽ là cơ hội về nguồn nhân lực cho tỉnh nhà trong những năm sắp đến.

Toàn ngành giáo dục đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; thực hiện “Hai không”: nói không với bệnh thành tích, bệnh hình thức, tiêu cực trong giáo dục; cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”; phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; “xây dựng và nâng cao chất luợng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”; “ tăng cường lãnh đạo của các cấp ủy Đảng khắc phục tình trạng học sinh bỏ học”.  Bức tranh toàn cảnh về dân trí, giáo dục của Bình Thuận ngày càng đuợc nâng lên, nhiều mặt có chuyển biến khá tốt. Tuy nhiên, những năm gần đây vấn đề bạo lực học đuờng như một “hội chứng” không chỉ ở nhiều tỉnh thành cả nước, mà có cả ở các địa phương của tỉnh ta, đang là vấn nạn trong thanh, thiếu niên, của tuổi trẻ học đường, những công dân tương lai của đất nước.  Những năm qua, từng lúc, từng nơi ở các địa phương đã diễn ra tình trạng học sinh đánh nhau trong trường học, thanh, thiếu niên ngoài đường, phố kết băng nhóm vào trường học, đe dọa, đánh học sinh, có nơi thầy giáo và học sinh đánh nhau, vụ việc xảy ra nghiêm trọng (ở Hàm Thuận Nam trước đây); có trường hợp giáo viên mầm non dọa nạt, đánh, ép các cháu ăn, ngủ, khi các cháu khóc nhiều; học sinh, thanh, thiếu niên đe dọa đánh giáo viên ở một số hội đồng coi thi tốt nghiệp trung học phổ thông,  BTVH (hội đồng coi thi Thị xã La Gi). Ngày 17/12/2010 tại bãi biển xã Hòa Minh, thị trấn Phan Rí Cửa, Huyện Tuy Phong, một học sinh nữ khoảng 13 tuổi, học lớp 7, bị các em học sinh nữ cùng trường đánh “hội đồng” trước sự chứng kiến của khoảng 20 người nhưng không ai ngăn cản mà còn cổ vũ rầm rộ, đã gây xôn xao dư luận trong và ngoài địa phuơng.

Theo thống kê chưa đầy đủ thực trạng học sinh vi phạm kỷ luật vì đánh nhau tính từ 01/9/2009 đến 25/4/2010 ở cấp Trung học cơ sở có tổng cộng 44 trường hợp: đã phê bình 17, khiển trách 04, cảnh cáo 14, buộc thôi học có thời hạn 09 trường hợp; ở cấp Trung học phổ thông tổng cộng có 265 trường hợp: đã phê bình 16, khiển trách 30, cảnh cáo 146, buộc thôi học có thời hạn 73, một số ít trường hợp học sinh đánh nhau có hung khí gây thương tích tùy theo mức độ buộc thôi học 01 năm hoặc cho thôi học hẳn.

Nguyên nhân dẫn đến nạn bạo lực học đuờng, tập trung ở một số nguyên nhân sau:

Về phía học sinh : Về mặt tâm lý, do ở độ tuổi vị thành niên nên các em thường manh động luôn có tâm lí muốn độc lập, tự khẳng định mình, muốn được nhiều bạn bè ủng hộ mình. Nguyên nhân trực tiếp là do các em đi chơi theo nhóm, chơi game, qua đó có những lời khiếm nhã, nói tục hoặc thách đố nhau trên mạng sau đó đánh nhau, có trường hợp uống rươụ say ở các quán rồi vào trường học gây gổ đánh nhau, có trường hợp ganh tị trong quan hệ tình cảm bạn bè nam, nữ. Xét về tính chất hành vi của các vụ việc chưa thấy có những nguyên nhân gọi là thù oán, sâu xa của lứa tuổi thanh, thiếu niên.

Về phía nhà trường: Các thầy, cô còn nặng về dạy chữ, chưa coi trọng việc dạy người. Ở các lớp cuối cấp thì học và dạy lệch cả về thời lượng và nội dung các môn học để đối phó với thi cử. Các môn khoa học xã hội- nhân văn thiếu tính thực tiễn, tính giáo dục những giá trị đạo đức, nhân cách. Điển hình như môn giáo dục công dân ở các lớp trung học phổ thông có nội dung như chuơng trình trung, cao cấp chính trị, nặng về lí luận: quản lí nhà nước, pháp luật, triết học mà thiếu sáng tạo, tính thực tiển về những guơng hiếu học, đạo đức của học sinh.

Về phần gia đình: gia đình luôn đòi hỏi, mong muốn nhà trường dạy tốt, song, một số gia đình thiếu trách nhiệm trong việc giáo dục con cái, ít gần gũi theo dõi việc học tập, sinh hoạt của con em mình. Những gia đình khá giả, cha mẹ cho con cái nhiều tiền song không quản lý được việc chi tiêu, sinh hoạt của con em mình. Mặt khác với cường độ học tập của học sinh và thời gian làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức như hiện nay thì gia đình không còn thời gian để quản lí, theo dõi việc học hành và sinh hoạt của các em ( có người cho rằng các thành viên gặp nhau, cùng chung một bữa ăn trong gia đình cũng đã khó )

Về xã hội , trước nhất là vấn đề giáo dục và ý thức pháp luật của mọi nguời. Lứa tuổi các em học sinh thường có tâm lý lây lan “noi guơng”, suy bì khi thấy nguời lớn vi phạm luật pháp song xử phạt không nghiêm. Việc vui chơi giải trí thiếu chọn lọc, ảnh hưởng phim ảnh, chơi game, video, clíp. Một số phim Việt Nam, Hàn Quốc thiên về bạo lực. Có những phim phản ảnh nội dung học đuờng, song lồng ghép cảnh ăn chơi, giàu có, quậy phá của một nhóm học sinh, khơi gợi các câu chuyện về bạo lực, tình dục của tuổi trẻ, cảnh phân biệt nông thôn, quê mùa, thành thị, cảnh kết băng nhóm “xã hội đen” kiểu đàn anh, “ đại ca”; từ đó dẫn đến cách trang phục, đầu tóc, hút thuốc lá, uống rượu bia, ngôn ngữ nói năng theo kiểu “chuyển đổi giới tính” trong học sinh. Hiện nay trong xã hội còn có tình trạng đáng lo ngại là: “vô cảm” làm ngơ của nhiều người, trước những hiện tượng, hành vi tiêu cực, sai trái ngoài đường phố, ở khu vực dân cư, ngoài xã hội. Tình trạng vô cảm này cũng đang “cảm ứng” lây lan vào học đường, dẫn đến việc học sinh đánh nhau cũng không ai can ngăn hoặc phản ánh, báo cáo cho nhà trường, ngay cả giám thị trường học cũng chưa thật yên tâm. Đi đôi với sự phát triển về đời sống kinh tế, xuất hiện nhiều vấn đề tiêu cực, sự tha hóa về đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ trong cán bộ, công chức, tình trạng li hôn, bạo lực trong gia đình ngày càng tăng….cũng là những nguyên nhân góp phần dẫn đến bạo lực học đuờng.

                                                                                                                                    Nguyễn Tuyến


  • |
  • 762
  • |

Các tin khác