Đồng bào canh tác lúa nước trong khu vực tưới hồ Sông Khán.
Anh Điểu Vương, Trưởng thôn Dân Hiệp xã Thuận Hoà đưa chúng tôi đến nhà anh K’ Vèo, người được thôn đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo năm 2009. Trên đường đi, anh Vương chỉ vào những ngôi nhà cấp 4 mới xây khang trang hai bên đường, nhà của đồng bào mình không đó. Ở đây nhiều hộ cũng còn nghèo nhưng đều có xe máy, ti vi. Đang mùa thu hoạch bông vải và đậu, đồng bào ai cũng tranh thủ nắng ráo để phơi, nên nhà nào cũng có người người ở nhà. Nhưng ngôi nhà cấp 4 của anh K’ Vèo thì đóng ỉm cửa, hỏi hàng xóm thì được biết, vợ chồng anh làm cà phê ở Gia Bắc chiều tối mới về. Bà Dòm người hàng xóm của anh Vèo cho biết, trước đây vợ chồng anh nghèo lắm, có 3 sào đất trồng bắp lai vụ được, vụ mất làm không đủ nuôi 3 đứa con. Dù vậy vợ chồng anh cũng cố dành dụm mua được con bò cái nhỏ. Được chị cho 1 ha cà phê ở xã Gia Bắc huyện Di Linh tỉnh Lâm Đồng, cách đó không xa, vợ chồng anh chăm chỉ làm ăn. Năm 2009 anh bán đàn bò 5 con và thêm tiền xây ngôi nhà cấp 4 hơn 50 triệu đồng.
Anh Vèo là một trong những gương điển hình của thôn Dân Hiệp về sự nổ lực vươn lên thoát nghèo. Nhìn bên ngoài có thể hình dung được đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đã đổi thay đáng kể, nhất là cơ sở hạ tầng như giao thông, nhà ở. Tuy nhiên bên trong vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là những năm thời tiết không thuận lợi. Đất sản xuất của thôn khá lớn 285 ha, nhưng chủ yếu là đất rẫy, sản xuất phụ thuộc vào nước trời. Năm nay nắng hạn kéo dài, tiếp đến là mưa liên tục nên hoa màu bị thiệt hại nặng. Bà Mang Thị Dòm vừa nói vừa chỉ vào bao bông vải, mấy năm trỉa 8 bị giống, ít nhất thu được 1 tấn, vụ này không được 2 tạ, còn trước đó làm 2 ha mè cũng thu được hơn 2 tạ.
Những hộ khá giả của thôn chủ yếu là nhờ sản xuất được lúa nước kết hợp với làm rẩy, chăn nuôi bò, dê. Ở thôn Dân Hiệp hiện nay phong trào chăn nuôi bò và dê phát triển khá mạnh. Gần như nhà nào cũng có bò, hộ ít nhất 1-2 con, hộ nhiều hơn 20 con. Tuy nhiên hộ có ruộng lúa nước rất ít, chỉ có khoảng 40% số hộ trong thôn sản xuất trên diện tích hơn 50 ha, nhưng chủ yếu là khu 29. Còn phần lớn thu nhập chính của người dân từ nghề làm rẫy. Năm 2009 được sự quan tâm của nhà nước, hồ thuỷ lợi Sông Khán đưa vào khai thác, nhưng đồng bào khu 34 chưa được hưởng nhiều mặc dù đã mở rộng khai hoang được khoảng 6 ha lúa nước. Giải thích về vấn đề này, anh Điểu Vương trưởng thôn cho rằng, tuyến kênh chính của hồ Sông Khán đi ngang đồng Bàu Tháp, đất khu vực này phần nhiều là của người kinh, do trước đây đồng bào bán cho họ. Còn đất sản xuất của đồng bào ở phía trên thì nước vẫn chưa đến được. Vì thế ước mơ lớn của đồng bào 34 là có được tuyến kênh đi ngược lên phía trên, lúc đó sản xuất mới thuận lợi, hàng chục hộ nghèo và cận nghèo của thôn mới có cơ hội thoát nghèo.
Hiện nay đời sống tinh thần của người dân được cải thiện nhiều, 100% hộ được sử dụng điện, có phương tiện nghe nhìn. Phong trào thể dục thể thao phát triển, thôn có đội bóng đá, 1 đội bóng chuyền, thường xuyên thi đấu giao lưu với các thôn trong xã. Các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan giảm dần, không còn tục cúng bái để chữa bệnh, khi có bệnh hoặc sanh nở đều đến trạm y tế. Đồng bào cũng không phá rừng làm rẫy, có 70 hộ tham gia quản lí, bảo vệ 1.700 ha rừng.
Rời khu dân cư 34 khi mặt trời khuất dần sau dãy núi, đồng bào đang chuẩn bị buổi cơm chiều, lòng tôi vẫn còn nhiều buâng khuâng. Thiên tai thì ngày càng khắc nghiệt, nếu chúng ta không có giải pháp căn cơ về thuỷ lợi thì rất khó để họ thoát nghèo, mong rằng ước mơ của đồng bào sẽ sớm thành hiện thực./.
Thành Khoa.