Năm học 2009 – 2010, về tổng thể, CLGD toàn diện tiếp tục được giữ vững và chuyển biến tích cực; Số học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học là 2937/2944 đạt tỉ lệ 99.8% tăng 0,6%; và học sinh lớp 9 tốt nghiệp trung học cơ sở là 2675/2681 đạt tỉ lệ là 99.77% tăng 0,37% so với năm học trước. Học sinh tiểu học đạt danh hiệu Giỏi 26,5%; Khá 36,2%. Học sinh trung học cơ sở đạt danh hiệu học sinh Giỏi 16%; Khá 28%. Về hạnh kiểm, có 100% học sinh tiểu học thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao; hạnh kiểm của học sinh trung học cơ sở đạt Khá và Tốt là 81,4%. Số học sinh trung học cơ sở xếp loại yếu là 57 em (chiếm tỉ lệ 0.4%), giảm 24 em so với năm học trước. Nhiều em đạt danh hiệu học sinh giỏi, đạt thành tích cao trong các kỳ thi, hội thi do tỉnh huyện tổ chức.
Đầu năm học 2010 -2011, tổng số trường tiểu học có tổ chức học trên 5 buổi trong tuần là 15/48 trường, chiếm tỉ lệ 31,3%; trong đó: Số trường học ở vùng cao 3/6 trường, chiếm tỉ lệ 50%; Số trường học có 100% số học sinh học trên 5 buổi: 6/48, chiếm tỉ lệ 12,5%; Số trường học có học sinh bán trú: 6/48, chiếm tỉ lệ 12,5%; Số trường học có 100% số học sinh học 10 buổi và bán trú: 3/48, chiếm tỉ lệ 6,25%.
Hơn 2 năm học qua, các trường trung học cơ sở vùng cao dân tộc thiểu số và trường Phổ thông dân tộc Nội trú huyện cũng đã tổ chức học thêm từ 2 đến 4 buổi trong tuần cho học sinh. Do vậy, tình trạng học sinh vùng cao bỏ học giảm đáng kể, chất lượng học tập được nâng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, CLGD vẫn còn nhiều mặt hạn chế, học sinh thường yếu về kỹ năng thực hành, ứng dụng kiến thức đã học vào cuộc sống. Chẳng hạn, học sinh có thể hiểu được lý thuyết về việc mắc mạch điện đơn giản, về cách sơ cứu ban đầu nhưng rất lúng túng khi phải thực hành; hoặc các em nắm vững Luật Giao thông đường bộ nhưng vẫn thường đi thành nhiều hàng và đùa nghịch trên đường khi tham gia giao thông; hoặc rất khó khăn khi dùng ngoại ngữ đã học để giao tiếp.
Để góp phần nâng CLGD toàn diện, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp chính như sau: Ổn định hệ thống trường lớp; mở rộng việc học 2 buổi, thêm buổi trong tuần; cố gắng tổ chức bán trú cho học sinh cấp tiểu học. Đổi mới công tác quản lý giáo dục ở phòng Giáo dục & Đào tạo và các trường học. Phân công hợp lý đội ngũ cán bộ giáo viên; thực hiện tốt chế độ chính sách cho giáo viên và học sinh. Tiến hành kiểm định CLGD; đánh giá xếp hạng trường; đánh giá xếp loại giáo viên, Hiệu trưởng theo qui định của Bộ Giáo dục. Ứng dụng tốt thành tựu công nghệ thông tin vào quản lý và giảng dạy như: soạn giáo án bằng máy vi tính; thực hiện giáo án điện tử; thực hiện các phần mềm ứng dụng vào công tác quản lý trường học (Tài chính; nhân sự; quản lý học sinh …). Khuyến khích các trường lập trang web để làm phương tiện trao đổi liên lạc với cha mẹ học sinh, quản lý việc học tập của học sinh. Chấn chỉnh công tác thi đua trường học; tổ chức thi đua nghiêm túc, hiệu quả, tạo khí thế làm việc, học tập sôi nổi trong trường học. Thực hiện kịp thời và thỏa đáng việc khen thưởng học sinh, giáo viên trong trường học. Phấn đấu xây dựng trường học đạt danh hiệu thi đua cao, tiến tới xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia. Khuyến khích và tạo điều kiện cho học sinh tham gia các phong trào thi học sinh giỏi: Giải Lê Quý Đôn của huyện; Giải học sinh giỏi 19/4 của tỉnh; giải Toán và Tiếng Anh trên internet… Kêu gọi sự tài trợ của các nhà hảo tâm nhằm thực hiện chủ trương Khuyến tài. Thực hiện tốt phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực: Làm cho học sinh gắn bó với trường lớp bạn bè, tích cực học tập và rèn luyện. Xây dựng Quy định về Ứng xử văn hóa trong trường học nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường và thể hiện hành vi văn hóa trong trường học. Thực hiện việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy học sinh làm trung tâm để phát huy tích cực chủ động của học sinh. Nâng cao trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp của người thầy giáo; tổ chức phụ đạo học sinh yếu kịp thời. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; làm cho các bậc phụ huynh phối hợp tốt với nhà trường để chăm lo việc học của con em mình; tạo điều kiện đóng góp tu sửa cơ sở vật chất trường học; hỗ trợ việc mua sắm trang thiết bị để giảng dạy, nhất là phòng máy vi tính để học sinh thực hành môn Tin học, trong khi kinh phí ngân sách nhà nước chưa trang bị kịp. Huy động mọi nguồn lực để phát triển giáo dục. Thiết lập mối quan hệ phối hợp tốt giữa Nhà trường với chính quyền và đoàn thể địa phương (Đặc biệt là Hội Khuyến học) trong việc tạo điều kiện trợ giúp cho các em có hoàn cảnh khó khăn đến trường học tập; thực hiện giữ chuẩn và nâng chất lượng Phổ cập giáo dục từ mầm non đến trung học cơ sở; hạn chế tối đa tình trạng học sinh bỏ học, nhất là ở cấp trung học cơ sở. Coi trọng việc xây dựng Gia đình hiếu học, xã hội học tập. Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học theo hướng kiên cố hóa trường lớp học, đáp ứng nhu cầu học 2 buổi trên ngày; tạo tiền đề tốt cho việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia.
Trên đây là những giải pháp cơ bản để có thể từng bước nâng CLGD. Tuy nhiên, là một huyện còn nghèo, còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, nên sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao CLGD của huyện nhà. Dù vậy, với truyền thống hiếu học của địa phương và gia đình; với sự nổ lực của đội ngũ thầy cô giáo và tính cần cù chịu khó của mỗi em học sinh; với sự quyết tâm của lãnh đạo huyện nhà, Giáo dục huyện Hàm Thuận Bắc hy vọng được sự đầu tư thỏa đáng và phối hợp chặt chẽ hơn của cộng đồng để hợp sức cùng nâng cao CLGD, góp phần đáp ứng tốt nguồn nhân lực cho quê hương và đất nước./.
Cao Thanh Xuân.