Tin tức

TẬP TRUNG XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHIỆM VỤ MỚI

  • /
  • 26.1.2011 - 0:0

Cán bộ là cái gốc, là nhân tố quyết định cho sự thành bại của mọi công việc. Do đó, chúng ta cần phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Đây là một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, gắn liền với việc xây dựng Đảngvà đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nó không chỉ dừng lại ở yêu cầu trước mắt mà còn cho cả lâu dài về sau.

Liên hệ những hạn chế, yếu kém của đội ngũ cán bộ hiện nay, chúng ta nhận thấy nổi lên những điểm chung nhất, đó là: năng lực quản lý, điều hành và cụ thể hóa, tổ chức thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng và nhiệm vụ cấp trên giao còn yếu, dẫn đến có những vụ việc trì trệ kéo dài; một bộ phận tinh thần trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo còn hạn chế, khi gặp khó khăn né tránh, đùn đẩy cho nhau,gây bức xúc cho dân; những biểu hiện quan liêu, thiếu sâu sát cơ sở và địa bàn vẫn còn; khi có thành tích thì cùng nhận, lúc gặp khuyết điểm thì đổ cho nhau; cơ cấu đội ngũ theo lĩnh vực, ngành nghề còn mất cân đối, nhất là cán bộ chuyên sâu, giỏi ngành, giỏi nghề, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ còn quá thiếu; cán bộ trẻ, cán bộ nữ có triển vọng, cán bộ là người dân tộc thiểu số còn hụt hẫng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, nhìn chung giữa công tác quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng với sắp xếp, bố trí, rèn luyện, thử thách cán bộ chưa gắn chặt với nhau, trong đó nổi lên 6 điểm đáng lưu ý là:

Thứ nhất, công tác quản lý, sử dụng cán bộ trong thời gian qua có mặt còn bất cập. Do còn tình trạng khó khăn về cán bộ nên việc bố trí, sử dụng cán bộ có những trường hợp chưa theo quy hoạch, mới chỉ chú ý đến khâu hoàn thành nhiệm vụ trước mắt, chưa đặt mạnh việc đào tạo gắn với bố trí, sử dụng theo hướng lâu dài; một số trường hợp đề bạt, cất nhắc còn nặng chuyển dịch theo thứ tự, thâm niên, chưa phù hợp với ngành nghề đào tạo, sở trường công tác. Chưa mạnh dạn thay thế những cán bộ yêu kém kéo dài, cán bộ nhiều năm liền không hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ hai, chất lượng quy hoạch cán bộ không cao và chưa tòan diện. Rõ nhất là chúng ta chưa có được một quy hoạch tổng thể đội ngũ cán bộ hợp lý cho tất cả các ngành, lĩnh vực, các xã, thị trấn. Cách quy hoạch hiện nay còn theo kiểu chắp vá, “hư đâu sửa đó”, nên luôn rơi vào thế bị động.

Thứ ba, do chưa sâu sát cán bộ, chưa sát thực tế nên việc đánh giá cán bộ gặp nhiều lúng túng; chưa lấy hiệu quả công việc và uy tín làm thước đo chủ yếu. Ở một số nơi có lúc do còn nể nang nên làm chiếu lệ theo kiểu “dễ người, dễ ta”, dẫn đến không phản ánh đúng thực chất. Ví dụ báo cáo tổng kết năm học 2007 – 2008 ở một đơn vị trường học nêu: tỷ lệ giáo viên giỏi 84%, khá 14,5%, trong khi đó học sinh có học lực trung bình chiếm đến 36,9%, yếu kém 28%; hạnh kiểm trung bình, yếu 61,8%.

Thứ tư, việc luân chuyển cán bộ, đề bạt cán bộ trẻ, cán bộ nữ tuy thời gian qua chúng ta đã có nhiều quan tâm, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Như báo cáo chính trị Đại hội nhận định: Cán bộ trẻ dưới 35 tuổi giữ chức vụ chủ chốt chỉ chiếm 17,2%, cán bộ nữ 19% và chủ yếu chỉ giữ vị trí “cấp phó” ở một số xã, phòng, ban; nhiệm kỳ hơn 5 năm qua, mới luân chuyển 15 trường hợp và chủ yếu nguồn “trên đưa xuống”, chưa làm được bồi dưỡng tạo nguồn “dưới đưa lên” và phần lớn luân chuyển là để giải quyết “nhu cầu nhân sự” cho những nơi khó khăn về cán bộ, chưa bảo đảm yếu tố luân chuyển để đào tạo cán bộ theo Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị.

 Thứ năm, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Trừ ngành Giáo dục và Đào tạo, còn lại phần đông cán bộ chủ yếu được đào tạo tại chức, số được đào tạo chính quy không nhiều. Chỉ mới tập trung đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý; chưa coi trọng đúng mức đào tạo cán bộ ngành, lĩnh vực chuyên môn. Do vậy cơ cấu đội ngũ cán bộ như hiện nay là mất cân đối, nói cách khác là chúng ta chưa có một đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu, kỹ thuật giỏi, lành nghề trên lĩnh vực quản lý hành chính, quản lý kinh tế, quản lý xã hội, đáng lưu ý nhất là đội ngũ cán bộ kỹ thuật trực tiếp làm công tác nông nghiệp. Ví dụ, là huyện nông nghiệp nhưng số lượng cán bộ học kỹ thuật nông nghiệp của chúng ta ít gấp nhiều lần so với số cán bộ học luật; cán bộ kỹ thuật xây dựng, giao thông, thủy lợi cũng vậy.

 Thứ sáu, chính sách tiền lương hiện nay chưa thể động viên, khuyến khích được đội ngũ cán bộ toàn tâm toàn ý làm việc, đặc biệt là đối với cơ sở xã, thị trấn. Thời gian qua Trung ương đã có nhiều nghị quyết quan tâm về cơ chế, chính sách và đội ngũ cán bộ xã, thị trấn. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện cho đến nay vẫn còn nhiều điểm bất cập, không thu hút được đội ngũ cán bộ về công tác ở cơ sở xã, thị trấn.

 Xuất phát từ thực tế và từ yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong những năm đến, cần phải có một đội ngũ cán bộ đủ tầm, đủ tâm để thực hiện. Để thực hiện được yêu cầu này, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, xây dựng đội ngũ cán bộ phải gắn chặt với công tác xây dựng Đảng, gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành, của từng cơ quan, đơn vị. Cụ thể là:

Về quy hoạch cán bộ, phải xây dựng cho được một quy hoạch tổng thể đội ngũ cán bộ phù hợp ở tất cả các ngành, lĩnh vực, các xã, thị trấn; khắc phục trình trạng quy hoạch theo kiểu chắp vá lâu nay. Quy hoạch đội ngũ cán bộ phải phù hợp yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa các chức danh lãnh đạo, quản lý với cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ; giữa các độ tuổi, địa bàn, giới tính, dân tộc, lĩnh vực công tác.

Về đào tạo cán bộ, phải theo quy hoạch và cần chấm dứt tình trạng được bầu, bổ nhiệm giữ chức vụ rồi mới cử đi học; tránh tình trạng đào tạo, bồi dưỡng ồ ạt, không theo yêu cầu, kế hoạch. Đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với quy họach, bố trí, sử dụng. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cả về lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức, vững về chuyên môn, nghiệp vụ, đủ khả năng cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và đưa vào thực tiễn tổ chức thực hiện đạt kết quả; đào tạo về kỹ năng xử lý tình huống, phương pháp vận động quần chúng... Đối với huyện ta hiện nay, đi đôi với đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý, cần chú trọng đúng mức đào tạo cán bộ chuyên môn ngành, nghề, lĩnh vực đang cần, nhất là cán bộ có chuyên môn kỹ thuật về nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi).

Tiếp tục đẩy mạnh luân chuyển cán bộ đã được quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý, từ huyện về xã, thị trấn và ngược lại nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ được rèn luyện, tích  lũy kinh nghiệm từ thực tiễn.

Đối với cán bộ xã, thị trấn, mặc dù hiện nay phần lớn đã được đào tạo chuẩn hóa, nhưng vẫn còn một bộ phận năng lực trình độ thực sự còn nhiều hạn chế, cần được quan tâm hơn nữa. Nên mạnh dạn bổ sung vào bộ máy cấp ủy Đảng, chính quyền xã, thị trấn những người trẻ, có năng lực, có sức phấn đấu tốt để rèn luyện, đào tạo nhằm bố trí giữ các chức vụ chủ chốt của xã, thị trấn sau này.

Thứ hai, trong quản lý, sử dụng cán bộ, phải lấy quy hoạch cán bộ làm cơ sở để thực hiện; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ và công tác cán bộ. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá đúng chất lượng, đúng tình hình, tìm ra nguyên nhân để đề ra những giải pháp phù hợp, nhằm tạo chuyển biến mới trong đội ngũ cán bộ và công tác xây dựng đội ngũ cán bộ. Thường xuyên kiểm ta nắm chắc thực trạng và những biến động về số lượng cán bộ ở từng ngành, lĩnh vực, nắm yêu cầu cơ cấu, về tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn riêng của từng loại cán bộ để có kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ một cách đồng bộ, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài. Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy chế, quy trình về công tác cán bộ. Đặc biệt coi trọng khâu đánh giá cán bộ, lấy hiệu quả công tác thực tế và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu. Đối với những cán bộ yếu kém về phẩm chất đạo đức, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, giảm sút uy tín, cần phải kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy. Mạnh dạn đổi mới việc bố trí, sử dụng cán bộ vượt cấp. Không nên máy móc, cứng nhắc như muốn bố trí làm bí thư đảng uỷ xã, thị trấn thì phải kinh qua phó bí thư, để làm trưởng phòng phải qua phó trưởng phòng. Làm được như vậy, chúng ta mới có đội ngũ cán bộ chất lượng tốt, đủ khả năng để có thể giải quyết được tình trạng trì trệ, ách tắc, bức xúc lâu nay.

Thứ ba, gắn việc xây dựng đội ngũ cán bộ với thực hiện Cuộc vận động  Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng. Lãng phí, đẩy mạnh các phong trào thi đua trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể và quần chúng nhân dân, thông qua đó để sàng lọc, củng cố đội ngũ cán bộ, kịp thời phát hiện nhân tố mới để đưa vào diện đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Thứ tư, thường xuyên xây dựng, nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác cán bộ của Đảng và chính quyền cấp huyện và đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cuả các đảng ủy xã, thị trấn có tư tưởng, lập trường chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức và mối quan hệ xã hội của bản thân và gia đình tốt, đủ năng lực, trình độ tham mưu cho cấp ủy về công tác cán bộ.

Quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ phấn đấu, học tập nâng cao trình độ, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.  Thực hiện đầy đủ, kịp thời, các chính sách, chế độ đối với cán bộ theo quy định; đồng thời kiến nghị cấp trên xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế, nhằm tạo động lực thúc đẩy cán bộ không ngừng phấn đấu, rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là thu hút cho được cán bộ giỏi, khuyến khích, động viên cán bộ trẻ, sinh viên đại học về công tác ở xã, thị trấn.

 

 

N.T.H 


  • |
  • 668
  • |

Các tin khác