Tin tức

Nông dân trồng thanh long thực hành tiết kiệm điện

  • /
  • 21.4.2011 - 0:0

Giá điện tăng 15,28%, không chỉ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải điều chỉnh đầu vào, cải tiến công nghệ nhằm giảm chi phí sản xuất, ổn định giá thành sản phẩm, mà những người nông dân miệt vườn cũng tìm cho mình giải pháp tiết kiệm hiệu quả.

       Gặp anh Phạm Kha Thành ở khu phố Lâm Giáo thị trấn Ma Lâm huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận đang loay hoay mắc bóng đèn ngoài vườn thanh long để kích thích ra hoa trái vụ. Bóng đèn mà anh Thành mắc dày ngoài vườn thanh long toàn là loại compact có giá thành hơn 30.000 đồng/ cái. Tôi thắc mắc sao không dùng bóng đèn sợi đốt cho rẻ, lại cho nhiều hoa? Anh Thành tặc lưỡi, giá điện bữa nay mà chong bóng đèn tròn thì trả tiền điện chóng cả mặt, thà đầu tư một lần nhưng chi phí tiền điện của bóng compact ít hơn nhiều, chỉ bằng 1/3 so với bóng đèn tròn.

          Anh Thành có 200 trụ thanh long ở tuổi thứ 3, do số lượng ít nên anh không có ý định hạ thế điện mà tận dụng điện sinh hoạt để thắp. Anh cho biết đã đầu tư gần 5 triệu đồng mua 100 bóng đèn tiết kiệm điện chuyên dùng cho thanh long và dây điện để chông. Mỗi lần chong 100 bóng, lượng điện tiêu hao chỉ khoảng 2.000W/h, tương đương với 1 máy bơm nước cỡ lớn, nên ít ảnh hưởng đến sinh hoạt của người khác. Trung bình mỗi  pha thắp, tiền điện chỉ trả từ 4-500.000 đồng, tiết kiệm được cả triệu đồng nếu thắp bóng tròn. Anh Thành nhẩm tính, một mùa chong 4 lần, thì anh tiết kiệm được 4 triệu đồng, hơn tiền chi phí đầu tư bóng đèn ban đầu.

 Ảnh TT.   

 

          Chung suy nghĩ với anh Thành, anh Hùng ở xã Hàm Chính khẳng định thắp đèn compact kích thích thanh long ra hoa trái vụ có nhiều cái lợi. Thứ nhất là tiết kiệm tiền điện gấp 2 lần so với dùng bóng tròn và chông được số lượng bóng nhiều hơn. Thay vì lưới điện chỉ chong được 100 bóng tròn, thì chông bóng compact được 300 bóng. Thứ 2 dùng bóng đèn tiết kiệm thì tỷ lệ ra hoa vừa phải, ít tốn công lặt bỏ, làm cho cây thanh long phục hồi nhanh hơn sau mỗi đợt thu hoạch. Thứ 3 là cùng ngành điện giải quyết khó khăn về sự thiếu hụt nguồn cung. Anh Hùng có hơn 1.000 trụ, vụ thanh long trái mùa năm nay anh thu hoạch trừ chi phí lãi trên 100 triệu đồng. Hiện nay toàn bộ bóng đèn tròn trước đây anh đã thay thế bằng bóng đèn compact tiết kiệm điện. Anh Hùng cho biết, chỉ dùng bóng đèn tròn khi thời tiết thật lạnh để mắc xen kẻ một ít với bóng compact, chứ không sử dụng thường xuyên vì chi phí tiền điện quá cao.

          Chị Nguyễn Thị Hải, chủ cửa hàng bán vật liệu xây dựng và thiết bị điện ở xã Hàm Thắng cho biết, từ đầu tháng 3 đến nay tuy giá bóng đèn compact tăng khá cao từ 5-6.000 đồng cái, dao động ở mức từ 35-40.000 đồng/cái kể cả chuôi bóng và tùy thương hiệu, nhưng người mua vẫn chọn loại bóng tiết kiệm điện. Đối với bóng tròn sức mua giảm hẵn vì lo ngại về chi phí tiền điện.

          Theo ý kiến của nhiều nông dân, sử dụng bóng đèn compact chong đèn kích thích thanh long ra hoa trái vụ mang lại hiệu quả không thua kém so với bóng đèn tròn, trong đó có nhiều điểm nổi trội. Rõ nhất là giảm chi phí tiền điện, tuổi thọ cao, số lượng ra hoa vừa phải, ít chi phí nhân công lặt bỏ hoa. Không chỉ chuyển đổi từ bóng đèn tròn sang sử dụng bóng đèn tiết kiệm, nhiều nông dân còn nghiên cứu để giảm bớt giờ thắp đèn cho thanh long để tiết kiệm tối đa tiền điện.

           Huyện Hàm Thuận Bắc có diện tích thanh long trên 4.800 ha. Từ tháng 8 năm ngoái đến nay giá thanh long xuất khẩu ổn định ở mức từ 15-18.000 đồng/kg, có lúc cao điểm trên 20.000 đồng/kg đã giúp người nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Song người nông dân trồng thanh long cũng đứng trước nhiều khó khăn đó là giá điện tăng, giá bóng đèn compact quá cao, làm tăng chi phí ban đầu và nỗi lo mất cắp bóng đèn luôn thường nhật.

Tuy nhiên trong lúc khó khăn của nền kinh tế, nhất là sức ép về giá điện, giá xăng, dầu, người nông dân ở huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận chọn cho mình giải pháp tiết kiệm sản xuất bằng cách sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện để chong đèn thanh long là việc làm tích cực. Họ đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư, tính toán bước đi lâu dài để tiết kiệm năng lượng nhưng vẫn đảm bảo sản xuất. Người nông dân cũng đang nỗ lực để thích ứng với sự biến đổi về giá để ổn định sản xuất, phát triển kinh tế gia đình./.

                                                                                                         Thành Khoa


  • |
  • 693
  • |

Các tin khác