Tin tức

ANH THÔNG ĐINH PHỤNG NGƯỜI CHĂM GIÚP ĐỠ DÂN NGHÈO

  • /
  • 11.5.2011 - 0:0

cậu bé từ khi lên 7 tuổi chuyên rũ rơm, hái măng rừng kiếm sống qua ngày. Đến 20 tuổi lập gia đình nhưng cuộc sống vẫn khó khăn kéo dài hơn 10 năm. Cuộc đời của vợ chồng anh đổi thay khi có ý chí vươn lên và vay được vốn phát triển sản xuất. Đến nay, gia đình anh đã trở thành giàu có nhất thôn, bên cạnh đó vợ chồng anh luôn giúp đỡ người nghèo khó.

Đó là vợ chồng anh Thông Đinh Phụng (ảnh) ngụ tại thôn Lâm Thuận, xã Hàm Phú. Vợ chồng anh là người Chăm theo đạo Blamôn, đời sống của gia đình anh chủ yếu dựa vào ngành trồng trọt và chăn nuôi trâu, bò. Mới đây, chúng tôi đến thôn Lâm Thuận được nghe người dân ngợi ca vợ chồng anh có ý chí vươn lên vượt khó làm giàu. Từ hai bàn tay trắng chỉ sau 10 năm gia đình anh trở thành triệu phú. Trong cuộc sống đời thường với bà con dân làng, vợ chồng anh có tấm lòng thương người nghèo khó. Hiện nay, gia đình anh đang dẫn đầu trong thôn về phát triển kinh tế và làm công tác từ thiện.

Vợ chồng anh Phụng.

 

Anh Thông Đinh Phụng năm nay 41 tuổi, vợ anh là chị Thông Thị Hoàng 42 tuổi. Anh chị có 4 đứa con, đứa nào cũng được học hành đến nơi đến chốn. Đến thăm nhà anh, được nghe anh kể: “Từ nhỏ tới năm 17 tuổi, tôi phải đi làm thuê cuốc mướn kiếm ăn. Đời sống vào những năm đó vất vả vô cùng. Hàng năm khi đến vụ thu hoạch lúa, tôi đi rũ rơm kiếm lúa dính trong rơm nhưng một ngày cũng chỉ được vài, ba ký lúa nên không đủ nuôi sống gia đình. Vào mùa mưa lên rừng hái măng, một ngày cũng kiếm được khoảng 5 kg bán kiếm tiền mua gạo. Từ đó, tôi không được học văn hóa, không biết viết, biết đọc, cảnh nhà tranh vách đất tạm bợ, khi mưa nhà dột rất vất vả. Năm 20 tuổi tôi lập gia đình và cuộc sống dựa vào 5 sào ruộng lúa nên vẫn còn vất vả. Mãi đến khi Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số, tôi được vay vốn từ ngân hàng để phát triển sản xuất. Ban đầu có vốn tôi mua mấy con trâu, bò và 5 ha đất để trồng lúa 3 vụ/năm và các loại hoa màu khác. Tôi tự học hỏi nên đến nay đã biết chữ, hăng hái tham gia các lớp tập huấn , nắm bắt được kiến thức khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất nên các loại cây trồng cho năng suất cao. Hàng năm, tôi chọn lọc đàn trâu đẹp để nuôi và bán những con già không còn sức sản xuất. Đến tháng 4 năm 2011 đàn trâu của gia đình còn 16 con. Trong 2 năm 2006 và 2007, gia đình tôi thu lãi trên 100 triệu đồng/năm. Có tiền tôi mua máy xới, máy cày, máy tuốt lúa…phục vụ cho gia đình và đồng bào trong thôn. Từ năm 2008 đến nay, sau khi trừ chi phí sản xuất gia đình tôi thu lãi khoảng 130 triệu đồng/năm. Hàng năm, tôi còn tạo điều kiện cho 3 lao động có việc làm và có thu nhập ổn định. Ngoài ra, tôi còn trồng 20.000 cây keo lá tràm, xà cừ đã gần đến tuổi thu hoạch. Điều làm tôi rất đỗi tự hào, cách đây hơn 20 năm về trước vợ chồng tôi chỉ hai bàn tay trắng, nhờ có ý chí vươn lên, đến nay gia đình tôi đã trở nên giàu có. Năm 2010, tôi xây căn nhà một lầu với giá trị gần 1 tỷ đồng (ảnh)…”.

Bức xúc và cảm thông trước hoàn cảnh của những hộ nghèo,đối tượng chinh sách gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2008 đến nay, nhân ngày lễ, tết, ngày khai giảng năm học mới, vợ chồng anh đã hỗ trợ 540 xuất quà, trị giá 33 triệu đồng cho đối tượng chính sách, hộ nghèo và 50 cặp sách, 200 quyển vở cho học sinh.

Từ những thành tích đóng góp trên,anh Thông Đinh Phụng được vinh dự  báo cáo điển hình tại đại hội thi đua huyện Hàm Thuận Bắc năm 2010 và được chọn đi dự đại hội thi đua tỉnh Bình Thuận. Đặc biệt năm 2009, anh vinh dự được Bộ trưởng Chủ nhiệm Uy ban dân tộc tặng kỷ niệm chương về thành tích có công với sự nghiệp xây dựng và phát triển đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam. Từ năm 2000 đến nay, gia đình anh đạt danh hiệu “gia đình văn hóa” và “gia đình văn hóa tiêu biểu” nhiều năm liền./.

                                                                                                        Đỗ Khắc Thể


  • |
  • 804
  • |

Các tin khác