Năm nay ở tuổi 68, mắt đã yếu, chân cũng đã mỏi, nhưng ông vẫn còn nhanh nhẹn, hoạt bát, vì vậy trong đợt bầu cử cuối tháng 11/2011 ông tiếp tục được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn. Mình cũng muốn nghỉ lắm để dành thời gian nhiều hơn cho gia đình và tạo điều kiện cho lớp trẻ có cơ hội phát triển, tuổi già rồi, nhưng đồng bào vẫn muốn mình làm, nên không thể phụ sự tín nhiệm đó, ông Khói giải bày. Đã làm thì phải làm đến nơi đến chốn và luôn lấy lợi ích của nhân dân làm trọng, nên những việc làm của ông Thông Khói luôn được nhân dân ủng hộ.
Ông Thông Khói.
Những năm đầu sau giải phóng, với vai trò là Đội trưởng sản xuất Lâm Thiện, ông tích cực bám đồng để kiểm tra, theo dõi và trực tiếp cùng bà con phát triển sản xuất. Ông cho biết, nếu không xoắn tay, xoắn quần xuống ruộng thì không đạt được chỉ tiêu 3 khoán, đó là khoán diện tích, khoán năng suất và khoán phân phối. Làm được 3 năm, đến năm 1979 Đội sản xuất của ông đổi thành Hợp tác xã nông nghiệp Ma Lâm 3, ông được cơ cấu làm Chủ nhiệm HTX. Năm 1997, HTX NN Ma lâm 3 thực hiện giải thể theo Luật HTX và chuyển sang hành chính thôn 3, ông tiếp tục được bổ nhiệm làm trưởng thôn cho đến nay. Ở vai trò công tác nào, ông cũng hết mình với dân, lấy uy tín của bản thân để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước, nhất là chính sách đoàn kết dân tộc, chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa. Vì muốn bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bà con, đặc biệt là vấn đề phát triển kinh tế, ông không ngần ngại kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền quan tâm giải quyết đất sản xuất, xây dựng hệ thống thủy lợi, nguồn nước sinh hoạt để đồng bào có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định đời sống.
Do hiểu khá tường tận nếp ăn ở, tập quán của đồng bào, nên ông cũng mạnh dạn tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ nhiều tập quán lạc hậu mà trước đây đã ăn sâu vào nhiều thế hệ. Ông Khói tự hào khoe rằng, vài năm trở lại đây đồng bào thôn 3 không còn chuyện cúng ruộng, chứ trước đây sau mỗi vụ thu hoạch là gia đình có ruộng sản xuất phải làm lễ vật để cúng, gây lãng phí, tốn kém. Còn chuyện tảo hôn bây giờ đã hết hẵn rồi, Ban điều hành thôn quản lí từng nhân khẩu, hễ phát hiện gia đình có biểu hiện gả con trước tuổi là chúng tôi nhắc nhỡ, yêu cầu thực hiện đúng theo qui định của pháp luật. Hàng năm, đồng bào Chăm theo đạo Balamon ở đây đều tổ chức ăn tết họ trước khi tổ chức tại Đền. Cách đây khoảng 10 năm, việc ăn tết họ thường kéo dài cả tháng trời, tiền bạc làm lụng vất vã cả năm cứ tiệc tùng chi hết, đời sống đồng bào vốn khó khăn càng trở nên khó hơn, không ít hộ đi vay mượn tiền để ăn tết, sau đó làm thuê, làm mướn trả dần. Nhưng nay thì việc ăn tết họ chỉ còn lại một tuần, đồng bào chi tiêu cũng tiết kiệm, không phung phí như trước. Việc ma chay, cưới hỏi cũng thế, đồng bào cũng đơn giản các nghi thức, không còn cảnh tập trung ăn uống 2-3 ngày như trước, mà mỗi người tự lo. Trong cuộc sống của đồng bào trước đây tồn tại khá nhiều tập quán lạc hậu, nếu mình không quyết tâm bỏ dần thì sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của nhân dân, vì thế có những gì cho là trì truệ, cổ hủ là ông đưa ra tập thể thảo luận và tìm cách thanh lọc nó. Ông Khói nheo mày nhớ lại, cách đây chỉ vài năm thôi, người dân ở thôn 3 kiên quyết không cho đám tang đi ngang qua làng mình. Nhiều đám tang đi ngang qua đã bị chặn lại ngay từ đầu làng và buộc đi hướng khác khó khăn hơn. Thấy việc này cứ để kéo dài sẽ dễ phát sinh mâu thuẫn giữa các cộng đồng dân cư, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, bản thân ông Khói đã phải tốn nhiều công sức để vận động, thuyết phục các vị chức sắc và đồng bào trong làng xóa bỏ rào cản này. Hiện nay việc không cho đám tang từ nơi khác đi qua làng đã được xóa bỏ.
Khi được hỏi, xuất phát từ đâu ông lại gắn bó với việc làng, việc thôn, ông cười hiền, chú thấy đó, mình làm đâu phải vì lương bổng, mà do bà con tín nhiệm, mình không thể phụ lòng tốt của họ. Ông cũng thẳng thắn nhìn nhận, một phần cũng do điều kiện gia đình mình thuận lợi nên có nhiều thời gian để lo việc làng. Ông có 5 người con, giờ đã trưởng thành, có đầy đủ cháu nội, ngoại. Các con ông đều cất nhà ở gần bên, nên đỡ đần cho ông nhiều việc, kể cả việc chăm sóc ruộng nương.
Thôn 3 thị trấn Ma Lâm có 471 hộ, 2.600 khẩu, trong đó 380 hộ Chăm, diện tích đất sản xuất hơn 200ha. Những năm gần đây với sự quan tâm của Đảng, nhà nước trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết đất sản xuất, vay vốn phát triển kinh tế, chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật, đặc biệt là vai trò tích cực của trưởng thôn trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển sản xuất mà đời sống đồng bào ở đây có nhiều chuyển biến. Đồng bào mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên đất màu và ứng dụng kĩ thuật canh tác lúa theo mô hình 3 giảm, 3 tăng nên năng suất các loại cây trồng ở mức cao. 105 ha đất được cấp theo Nghị quyết 04 tại Thuận Minh đang được đồng bào cải tạo, sản xuất các loại cây trồng phù hợp như đậu, mè, bắp…bước đầu mang lại hiệu quả. Nhiều hộ đầu tư kinh doanh buôn bán dọc theo tuyến giao thông đi qua thôn, thu nhập khá ổn định. Hiện thôn chỉ còn 54 hộ nghèo, không còn hộ đói, không ít hộ xây được nhà tầng, nhà mái bằng khang trang. Không những cải thiện về kinh tế, an ninh trật tự trong thôn luôn ổn định, hiện thôn 3 đang nỗ lực xây dựng địa bàn ổn định về an ninh trật tự, nhằm xây dựng địa bàn có kinh tế phát triển, môi trường sống lành mạnh, đoàn kết, không có tệ nạn xã hội.
Hơn 35 năm gắn bó với việc làng, việc thôn, là cũng ngần đó thời gian ông Khói đem hết công sức và sự quyết tâm của mình để cải thiện đời sống đồng bào, xây dựng tình đoàn kết Kinh- Chăm, gìn giữ, phát huy nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Chăm, cũng như bài trừ các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội. Hiện ông Thông Khói là đại biểu HĐND thị trấn, mong muốn lớn nhất của ông là Nhà nước sớm hoàn thành khu tái định cư và đưa nước vào khu vực đất 04 để đồng bào ổn định chỗ ở và có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất. Nếu nguyện vọng của ông Khói cũng như người dân nơi đây được quan tâm giải quyết, tương lai không xa đời sống của đồng bào Chăm thôn 3 sẽ ổn định hơn, góp phần tích cực vào sự phát triển của thị trấn.
Vì hết lòng lo cho cuộc sống của nhân dân, mà ông Thông Khói luôn nhận được sự tín nhiệm cao của đồng bào. Với người Chăm thôn 3 thị trấn Ma Lâm, ông là niềm tự hào của họ./.
Thành Khoa