Các tổ chức cơ sở đảng luôn thể hiện vai trò là hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở; hầu hết các chi, đảng bộ đã thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, thông qua việc xây dựng, bổ sung và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, chất lượng sinh hoạt Đảng được nâng lên, tính tiền phong gương mẫu của đảng viên, nhất là cá nhân người đứng đầu được thể hiện rõ nét. Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn thực hiện tốt vai trò giám sát và quản lý điều hành, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương. Hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng được đổi mới theo hướng: gần dân, sát việc, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của chính quyền, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt các phong trào hành động cách mạng. Quy chế dân chủ cơ sở được mở rộng, phát huy tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Công tác tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách, công chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở được quan tâm nhiều hơn, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ và cán bộ là người dân tộc thiểu số. Nhờ đó hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, tạo diện mạo mới trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương.
Tuy nhiên, hệ thống chính trị ở xã, thị trấn của huyện Hàm Thuận Bắc vẫn còn những tồn tại đáng quan tâm, nhất là: Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn có mặt hạn chế, nhất là các xã vùng cao, chưa ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ; một bộ phận cán bộ tuy được bố trí theo hướng chuẩn và trẻ hoá nhưng năng lực còn hạn chế do thiếu kinh nghiệm thực tế; đáng lo nhất là tinh thần trách nhiệm một số cán bộ, công chức ở cơ sở chưa cao, thiếu tính chủ động sáng tạo, chưa nỗ lực phấn đấu vươn lên trong học tập và công tác; hoạt động của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở một số cơ sở còn lúng túng, thụ động; một vài địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.
Để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị xã, thị trấn của huyện Hàm Thuận Bắc, trong thời gian đến cần tập trung thực hiện quyết liệt và đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau đây: Một là: Các cấp uỷ cần tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, đảng viên; đổi mới nhằm nâng cao chất lượng việc tổ chức học tập, cụ thể hoá và tổ chức thực hiện nghị quyết; coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; tiếp tục thực hiện thật nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI, XII) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, nhằm phát huy tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ đảng viên, nhất là về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống. Hai là: Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Để làm được điều đó, phải coi trọng nâng cao chất lượng quy hoạch cán bộ; trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch thật cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ. Định kỳ hàng năm thông qua việc đánh giá nhận xét, phân tích chất lượng cán bộ, đảng viên, tiến hành rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch cán bộ theo hướng thực chất, khả thi và đảm bảo tính kế thừa; trong đó, luôn chú trọng cán bộ trẻ, các bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số và nhất là chủ động tạo nguồn cán bộ; đồng thời đẩy mạnh việc đào tạo cán bộ theo chức danh và thường xuyên bồi dưỡng tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng công tác và phương pháp xử lý tình huống. Ba là: Quán triệt sâu kỹ và thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, thường xuyên rà soát bổ sung hoàn thiện hệ thống các quy chế. Trong đó, phân định rõ chức năng lãnh đạo của cấp uỷ và quản lý, điều hành của chính quyền; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên theo đúng quy chế làm việc. Bốn là: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khối vận; tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, đoàn viên thanh niên. Đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, phát huy vai trò của chi bộ là hạt nhân lãnh đạo toàn diện, bảo đảm tính lãnh đạo, tính chiến đấu, tính giáo dục của Đảng. Cấp uỷ phải nắm chắc tình hình tư tưởng của cán bộ đảng viên, có biện pháp phòng ngừa, giáo dục, làm tốt công tác tư tưởng, giúp đỡ uốn nắn và xử lý nghiêm những cán bộ đảng viên vi phạm. Năm là: Coi trọng công tác xây dựng chính quyền, kiện toàn đội ngũ cán bộ thôn, khu phố; lãnh đạo nâng cao chất lượng các kỳ họp, chất lượng tiếp xúc cử tri, chất lượng giám sát của Hội đồng nhân dân; chất lượng trả lời ý kiến và giải quyết những kiến nghị của cử tri. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương; thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính; đề cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức; củng cố và phát huy hiệu quả hoạt động của Ban hoà giải xã, thị trấn và tổ hoà giải thôn, khu phố; hoạt động giám sát của ban thanh tra nhân dân cơ sở. Triển khai thực hiện có kết quả Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) và Pháp lệnh 34 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Quy chế dân chủ cơ sở, nhằm làm chuyển biến tích cực đến phương thức điều hành của chính quyền cơ sở, chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, theo phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, công khai và thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “Một cửa liên thông” và thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Sáu là, Tiếp tục lãnh đạo đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận, các tổ chức đoàn thể, nắm bắt và phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, chăm lo đời sống cho đoàn viên, hội viên; xây dựng hệ thống chân rít cơ sở, phát triển đoàn viên, hội viên, nắm chắc thực lực, xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng cốt cán chính trị; vận động đoàn viên, hội viên tích cực thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đồng thời vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo tinh thần Quyết định 217- 218 của Bộ Chính trị và tham gia phát triển sản xuất, thi đua làm kinh tế giỏi, giúp nhau thoát nghèo, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở hiện nay là vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Huyện khóa XI, nhiệm kỳ 2015- 2020./.