Hiện tại, khu Trung tâm huyện đã có Nhà văn hóa, Nhà truyền thống, Thư viện và Trung tâm thi đấu thể thao. 14/17 xã, thị trấn đã xây dựng nhà văn hóa kiêm hội trường đa năng; 86/86 thôn, khu phố có điểm sinh hoạt văn hóa, trong đó 77/86 thôn, khu phố đã có nhà văn hóa; 100% làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhà sinh hoạt cộng đồng; 17/17 xã, thị trấn có đài truyền thanh; ngoài ra, còn có 30 đội văn nghệ quần chúng; 09 câu lạc bộ văn hóa thể thao; 1 tổ đội thông tin lưu động;… Đặc biệt, các công trình nhà văn hóa thôn, khu phố được đầu tư xây dựng chủ yếu từ nguồn đóng góp của nhân dân qua thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở và có một phần hỗ trợ từ ngân sách huyện. Các thiết chế văn hóa trên đã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao ngày càng cao của người dân.
Tuy nhiên, do nguồn vốn từ ngân sách huyện và sự đóng góp của nhân dân có hạn nên vẫn chưa thể đầu tư xây dựng đồng bộ những thiết chế văn hóa thiết yếu ở cơ sở; nhất là đối với các xã khó khăn và đặc biệt khó khăn, nhiều nơi còn thiếu các thiết chế như nhà văn hóa xã, khu vui chơi giải trí thanh thiếu niên, sân bóng đá,… Mặt khác, công tác quy hoạch đất xây dựng các thiết chế văn hóa chưa tốt nên một số nơi gặp khó khăn trong việc chuẩn bị đầu tư. Đáng lưu ý là việc quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa hiện có còn nhiều bất cập, yếu kém; nhiều nhà văn hóa xã, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn được xây dựng khang trang nhưng chưa được trang bị đầu tư đầy đủ các phương tiện, thiết bị, nhất là chưa có đủ tủ sách, tranh ảnh, bàn ghế phục vụ sinh hoạt, các loại nhạc cụ và dụng cụ thể thao phổ thông,... Đội ngũ làm công tác văn hóa-thông tin ở cơ sở vừa thiếu, vừa chưa được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lại thường xuyên bị thay đổi nên việc quản lý và phát huy hiệu quả các công trình văn hóa còn thấp.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hàm Thuận Bắc lần thứ X (nhiệm kỳ 2010-2015) đã xác định Chương trình trọng tâm về văn hóa đó là xây dựng mỗi xã, thị trấn 1 thôn, khu phố văn hóa điểm, 1 khu dân cư-dịch vụ tập trung và có đủ thiết chế văn hóa theo qui định. Việc xây dựng đầy đủ các thiết chế văn hoá ở các xã, thị trấn là hết sức quan trọng và cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá cho người dân. Hơn nữa, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa còn là cơ sở bảo đảm cho việc nâng chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng “nông thôn mới” vì trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới có 02 tiêu chí liên quan tới xây dựng thiết chế văn hóa là tiêu chí về “cơ sở vật chất văn hóa” và tiêu chí về “văn hóa”.
Thực hiện Chương trình mục tiêu trên, trong thời gian tới, các cấp, các ngành trên địa bàn huyện cần nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở; từ đó xây dựng các chương trình cụ thể về quy hoạch đất đai, về sử dụng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, về huy động sức dân, về đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý.
Trong quá trình đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, phải đồng thời tập trung vào hai nội dung: Xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực để sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất ấy. Vì nếu chỉ chạy theo xây dựng cơ sở vật chất đơn thuần sẽ dẫn đến chạy theo hình thức, hoạt động kém hiệu quả. Đặc biệt phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa; trong đó chú trọng kêu gọi sự đầu tư của các thành phần kinh tế, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài huyện và thực hiện thật tốt phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”, nhằm tạo sự phát triển đồng bộ các thiết chế văn hóa cơ sở phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu văn hóa, thể thao của nhân dân.
Trần Thành