Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành kế hoạch để quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc những quan điểm chỉ đạo về công tác bảo vệ chính trị nội bộ được quy định tại Chỉ thị. Từ năm 2014 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận các khóa đã chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu việc rà soát, sửa đổi bổ sung và ban hành một hệ thống văn bản đầy đủ, đồng bộ các quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ và các văn bản có liên quan gồm 51 văn bản, trong đó có 01 Chỉ thị, 07 Quy định (trong đó có 02 Quy chế phối hợp), 05 hướng dẫn, 11 kế hoạch và 27 Công văn nhằm đôn đốc, chỉ đạo thực hiện sâu sát, quyết liệt 07 nhóm nhiệm vụ chủ yếu được quy định tại Chỉ thị số 39-CT/TW của Bộ Chính trị. Qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhất là các cấp ủy, thường vụ cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của tỉnh Bình Thuận thấy rõ vị trí vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới.
Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Bộ Chính trị của các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn đảng bộ tỉnh Bình Thuận, có thể thấy được một số kết quả như sau:
Một là, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 và Kế hoạch số 03-KH/TW, ngày 01/12/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong đó, đã ban hành 02 Kế hoạch, 01 Hướng dẫn triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy triển khai học tập, quán triệt các chuyên đề hàng năm về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong toàn đảng bộ tỉnh. Qua đó, các cấp ủy đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; các sở, ban, ngành tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021.
Hai là, tiếp thục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chính trị tư tưởng; tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thông qua nhiều nội dung, hình thức sáng tạo, phù hợp.
Tỉnh Bình Thuận duy trì chế độ cung cấp thông tin hàng tuần và báo cáo tháng, quý, năm theo quy định; kịp thời chỉ đạo các địa phương, đơn vị phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực, địa bàn nhất là đối với một số vấn đề, vụ việc nhạy cảm liên quan đến địa phương.
Ba là, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện công tác rà soát toàn diện tình hình chính trị nội bộ một cách nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học; chú trọng cơ quan, bộ phận và vị trí trọng yếu, cơ mật; công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, vừa bảo đảm vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, vừa phát huy vai trò của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội.
Bốn là, tăng cường công tác quản lý cán bộ, đảng viên đi công tác, học tập, tham quan, du lịch ở nước ngoài và có quan hệ với tổ chức, cá nhân có yếu tố nước ngoài. Công tác quản lý và xét duyệt cán bộ, đảng viên ra nước ngoài của các cấp ủy, tổ chức đảng ngày càng chặt chẽ, thực hiện có nề nếp. Sau khi ra nước ngoài về, cán bộ, đảng viên đã báo cáo kết quả chuyến đi bằng văn bản về việc chấp hành pháp luật nước sở tại, việc thực hiện quy định về bảo vệ chính trị nội bộ trong thời gian ở nước ngoài với cấp ủy và cơ quan quản lý đầy đủ theo quy định.
Qua kết quả đạt được nêu trên có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm đó là:
Một là, phải thực hiện đảm bảo đúng nguyên tắc trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chủ động phòng ngừa, đảm bảo đoàn kết, nhất trí và sự trong sạch, vững mạnh của Đảng.
Hai là, chú trọng nắm tình hình và giải quyết vấn đề chính trị hiện nay trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ, gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Ba là, từng cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu phải quan tâm đúng mức công tác kiểm tra, giám sát; thường xuyên tự kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những khuyết điểm, sai sót, không để khuyết điểm nhỏ không được phát hiện, chấn chỉnh sẽ trở thành vi phạm lớn. Việc xác định phương hướng, nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát phải thiết thực, toàn diện, đồng bộ, bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao gắn với giải quyết các vấn đề cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm. Định kỳ tổ chức sơ, tổng kết, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, đồng thời phê bình, kiểm điểm, xử lý các trường hợp vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao.
Bốn là, công tác phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ từng bước được nâng cao về chất lượng, phối hợp nhiều ngành, nhiều cấp, phát huy sức mạnh của toàn Đảng và hệ thống chính trị./.